Giải Trí

Chuyên gia nói gì về câu hỏi: "Tẩy chay MV của Sơn Tùng ở thời điểm này có nóng vội quá không"?

Minh Anh - 29/04/2022 15:07 GMT+7

Xoay quanh những tranh cãi về MV của Sơn Tùng, các chuyên gia nói gì về thông điệp mà nam ca sĩ truyền tải.

Liên quan đến MV "There's No One At All" vừa mới ra mắt tối 28/4 của Sơn Tùng, cộng đồng mạng đang tranh cãi dữ dội về nội dung và thông điệp muốn truyền tải. Đặc biệt, đoạn kết nhân vật do nam ca sĩ hoá thân lựa chọn nhảy lầu để kết thúc những đau khổ, những bất hạnh mà mình trải qua đã tạo thành làn sóng trên mạng xã hội. 

Screen Shot 2022-04-29 at 14.49.05

Nói về vấn đề trên, diễn giả Trần Thu Hà nêu quan điểm: "Rất mong Sơn Tùng M-TP điều chỉnh hoặc cắt bỏ đoạn cuối của clip "There's No One At All". Lúc này clip đã có 5 triệu views, nhưng đoạn kết thúc clip là những cảnh rất tiêu cực, quá ám ảnh, nhất là sau những chuyện tương tự vừa xảy ra mới đây.

Sơn Tùng là thần tượng của rất nhiều các bạn trẻ. Tuổi mới lớn nghe Sơn Tùng nhiều lắm. Những MV và hành động của Sơn Tùng sẽ ảnh hưởng đến rất lớn đến các bạn ấy. Nên dù chỉ 1 trẻ bắt chước theo đoạn cuối clip cũng là quá kinh hãi rồi, đúng không?

PGS.TS Nguyễn Phương Mai viết: "Tự tử có tính lây lan (hiệu ứng Werther). Thanh thiếu niên học theo những gì người khác làm, nhất là khi một người nổi tiếng tự tử.

Ví dụ, cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ trong vòng một tháng sau đó. Điều tương tự xảy ra với cái chết của Choi Jin Sil, khiến tỷ lệ tự sát vọt lên 162%. Hiện tượng này cũng được ghi nhận bởi những người lính, học sinh và nhiều tầng lớp xã hội khác. Đây chính là lý do mà series truyền hình Netflix "13 Reasons Why" phải biên tập lại hình ảnh nhân vật chính Hannah cắt cổ tay trong bồn tắm, và series này vẫn tiếp tục được nghiên cứu cẩn thận vì nỗi lo sợ có thể làm tăng tỷ lệ tự tử trong nhóm tuổi mới lớn".

Nếu một đứa trẻ mất đi cha, thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng anh chị có biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả.

Không một từ nào...".

Đồng quan điểm với diễn giả Trần Thu Hà, chuyên gia PR Huỳnh Lê Khánh cũng có ý kiến trên trang cá nhân về vấn đề trên. Theo Khánh, chúng ta không nên ủng hộ một sản phẩm có tính cực đoạn như vậy vì chúng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ: 

Screen Shot 2022-04-29 at 14.49.14

"Đây là một sản phẩm độc hại cho lứa tuổi khán giả là fan của bạn ca sỹ này. Mình kêu gọi mọi người cùng report và tẩy chay sản phẩm này để thức tỉnh bạn ca sỹ, và để sản phẩm không tiếp tục lan truyền đến quá nhiều các em, cháu nhỏ tuổi.

Mong bạn nếu có quan tâm đến những vấn đề nhức nhối của xã hội thì hãy dùng tài năng, tầm ảnh hưởng và sự nhạy cảm thiên phú của mình mà góp sức tạo ra chuyển biến tích cực. Đừng ăn bám vào nỗi thống khổ của những cá nhân khác. Đừng đạp đổ những nỗ lực rất nhọc nhằn của hàng trăm người khác.

Mình thực sự mong có sự can thiệp của các cơ quan chính quyền.

Lí do mình nêu quan điểm này vì cảnh cuối bài hát là hình ảnh một cậu trai trẻ gieo mình khỏi toà nhà. Đó là hình ảnh kết lại sau một chuỗi những miêu tả các bối cảnh mà người trầm cảm nặng là nạn nhân. Và chính tiêu đề bài hát cũng hết sức tiêu cực".

Với phản ứng của cộng đồng, một số khác cũng lên tiếng bênh vực nam ca sĩ, cho rằng mọi người đang quá tiêu cực và thổi phồng vấn đề lên. Theo họ, thông điệp mà Sơn Tùng truyền tải rất thời sự, cũng chính là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về câu chuyện tự tử của giới trẻ hiện nay. 

Một ý kiến cho rằng: "Sao mình hiểu MV theo kiểu cậu trai đó nhảy khỏi toà nhà như là 1 hình ảnh ẩn dụ cho việc tự giết đi quá khứ của mình để mở ra 1 khởi đầu mới là hình ảnh ổng ngồi trên xe rác nghe nhạc, ăn mặc tự do phóng khoáng như đầu clip. Seachain cũng từng có bài hát nói về bệnh trầm cảm.

Mình nghĩ tiêu cực hay không là do cách người xem tiếp nhận, có lẽ cái sai của Tùng là chưa truyền thông rõ thông điệp của MV... mà có thể Tùng chuẩn bị làm. Sản phẩm này chắc ekip cũng vất vả lắm, tẩy chay ở thời điểm này có nóng vội quá không?".

son-tung-1

Hiện những ý kiến xoay quanh MV của nam ca sĩ đang nhận được sự quan tâm từ tất cả các đối tượng và trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội. 

Theo Zing News, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng nội dung của "There's No One At All" mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh bạo lực, thậm chí là tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ra những định hướng không tốt. 

Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá nội dung MV có dấu hiệu vi phạm quy định cấm “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Cục PTTH & TTĐT có văn bản yêu cầu YouTube chặn MV của Sơn Tùng.