Mới đây, NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Báo điện tử VOV. NSND Vương Duy Biên nói về chuyện nghệ sĩ dính bê bối và vấn đề cấm sóng.
Có thể nói, thời gian vừa qua nhiều sao Việt dính vào ồn ào, bê bối gây chấn động. Điều này khiến công chúng bức xúc và làm giấy lên làn sóng tẩy chay những ai đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội.
Trước vấn đề trên, NSND Vương Duy Biên bày tỏ: “Nghệ sĩ luôn là tâm điểm của công chúng, là thần tượng của không ít người hâm mộ. Công chúng mong muốn và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội từ chính những phát ngôn, những hành động của mình, vậy nên nghệ sĩ cần quản lý hình ảnh một cách nghiêm khắc. Với những người đã có thương hiệu, tiếng tăm thì càng phải khắt khe hơn, càng phải giữ gìn hơn để không ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân và không truyền đi những hình ảnh, thông điệp xấu. Bởi vì chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng.
Nếu sự lệch chuẩn của một người bình thường, của một nhóm nào đó của xã hội có thể chỉ gây tác hại không lớn thì những phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn của người nghệ sĩ sẽ gây tác hại lớn, thậm chí rất lớn. Họ là những người nổi tiếng, phát ngôn, hành động của họ sẽ có tác động lớn tới nhiều người, nhất là giới trẻ. Với vai trò của mình, nghệ sĩ mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, trên màn ảnh hoặc bất cứ đâu phải truyền tải được thông điệp tốt đẹp”.
Trước câu hỏi về chuyện cấm sóng những nghệ sĩ dính ồn ào, NSND Vương Duy Biên cho rằng đó là một hình thức kỷ luật quá nặng. Theo ông, chúng ta cần cho họ cơ hội sửa chữa sai lầm để trở lại hoạt động nghệ thuật.
Cụ thể, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Việc “cấm sóng” là một hình thức kỷ luật rất nặng. Với mỗi sai phạm của nghệ sĩ cần có cách xử phạt khác nhau, đặc biệt là trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm lặp đi lặp lại. Việc cấm sóng vĩnh viễn ít khi sử dụng trừ trường hợp sai phạm nghiêm trọng, thay vào đó nên đặt ra thời hạn cụ thể để nghệ sĩ nhận ra được sai lầm và sửa sai.
Xử phạt và xử lý kỷ luật là cần thiết. Nhưng kỷ luật nào cũng có thời hạn. Cấm hoàn toàn thì triệt đường sống của người ta. Chúng ta phải nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nghệ sĩ cũng là người bình thường, cũng có lúc sa ngã, không làm chủ được mình. Thế nên, chúng ta cần xét tổng thể cả quãng đời người ta hoạt động, những bước sa ngã đấy có phải tất cả hay không, hay là họ có thể làm được nhiều việc tốt khác cho xã hội. Thực tế, nhiều trường hợp đi tù, khi mãn hạn, họ vẫn có cống hiến cho xã hội.
Tôi nghĩ rằng, kỷ luật phải mang tính giáo dục chứ không phải triệt tiêu. Cho nên khi người ta đã hết thời hạn kỷ luật thì phải cho người ta trở lại chứ không nên hẹp hòi. Quản lý văn hóa vừa phải nghiêm khắc, có biện pháp chặt chẽ nhưng cũng cần nhân văn bởi mục đích cao nhất của quản lý là phát triển không phải cấm đoán. Cấm thì dễ nhưng làm thế nào để quản lý vẫn chặt chẽ mà vẫn phát triển, văn nghệ sĩ tuân thủ mà vẫn cảm nhận được sự tự do khi hoạt động đó mới là điều khó.
Với người nghệ sĩ, có lẽ hình phạt lớn nhất là sự quay lưng của công chúng. Bị khán giả quay lưng là thất bại của nghệ sĩ”.
Phát ngôn của NSND Vương Duy Biên gây ra tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Công chúng cho rằng, cấm sóng là điều cần thiết, để nghệ sĩ sống có trách nhiệm và tôn trọng người khác hơn. Netizen khẳng định: "Cấm sóng là cách để thanh lọc showbiz, giúp người ta sống văn minh và không mắc phải sai lầm về mặt đạo đức, pháp luật".