Mùng 2 Tết, Xuân Bắc gây bất ngờ khi đăng tải lên trang cá nhân một câu chuyện với tiêu đề "Cái tát của mẹ". Theo đó, bài viết có dung lượng 1193 chữ, bắt đầu bằng việc giới thiệu nhân vật "tôi" với một số đặc điểm: "ngoài 50 tuổi, là người trưởng thành, khá từng trải, tham gia một vài nhóm hội, cộng tác viên cho một số trang tin mạng...".
Nhân vật này kể, Tết vừa rồi bản thân vừa bị lĩnh một cái tát lật mặt từ mẹ. Lý do bị "ăn" tát đại khái là vì năm nào ăn bánh chưng mẹ gói, nhân vật này đều chê ngay khi ăn miếng bánh đầu tiên và Tết năm nay cũng vậy. Cái sự chê được lý giải là bởi nhân vật kỳ vọng bánh mẹ mình gói phải vuông, rền, đều, mịn, lá phải đều, phải xanh, miếng thịt phải tươi hồng...
"20h đêm 30 Tết, vừa cắn miếng bánh đầu tiên tôi đã chê. Mồm tôi để chế độ 2 góc- một góc nhai bánh chưng và góc còn lại để chê. Chê không hẳn vì bánh không ngon,cũng không hẳn vì nó quá dở mà vì nó không giống như tôi tưởng tượng,nó không như tôi mong muốn. Tôi chê theo đúng kiểu: Tôi có quyền chê vì Mẹ phải có trách nhiệm nấu bánh theo ý tôi. Và tôi chê túi bụi, chê miệt mài, chê tì tũm. Chê cũng để tôi thể hiện như tôi hiểu về bánh chưng lắm, chê để chứng tỏ tôi cũng có trình độ nhận xét", nhân vật trong bài viết vừa tả, vừa diễn giải.
Sự chê này được nhân vật trong bài viết tự nhận, kết luận là "ngu" và đỉnh điểm của sự ngu đó là khi có nhiều bạn bè vào "comment" đồng tình vì có ý kiến giống mình. Sau đó, nhân vật "tôi" đưa cho mẹ mình xem những câu chê ấy kèm theo những lời nói đầy tính xây dựng kiểu như "đã đến lúc phải thay mới, mãi rồi năm nào cũng món này ăn phát ngán, đã quá nhàm" và "cần phải tìm một mô típ khác, cần phải thay người gói khác".
Hậu quả là nhân vật bị mẹ mình "tát cho một phát đầu quay như đĩa hát" kèm theo những lời đay nghiến, răn dạy như: "mấy năm trở đây năm nào mày cũng nói câu này nhưng năm nào mày cũng ăn tụt cả lưỡi", rồi "trước Tết thì mày gào lên là chờ đợi, là mong muốn, mâm cơm 30 thì mày cắm đầu vào ngấu nghiến....rồi mày chê. Mày là đồ "ăn cháo đá bát" (!?!).
Không dừng lại ở đó, người mẹ trong bài viết còn mắng nhân vật con là: "có lớn mà không có khôn", "mày không ăn thì thôi ai bắt mày", "mày không ăn thì mày cút", "mày nghĩ mày có quyền chê à", "có giỏi năm sau mày gói bánh đi xem nào"...
Tiếp đó người bố của nhân vật trong bài viết của Xuân Bắc lên tiếng răn dạy con phải biết chấp nhận và chia sẻ chứ đừng tự cho mình quyền phán xét, không quên kèm câu: "mày không ăn bánh chưng mẹ mày gói thì mày ăn...đào lộn hột đi, ai cấm" (!?!).
Cuối bài viết của mình, Xuân Bắc "nửa đùa nửa thật" đây là câu chuyện mà ông anh Xuân Bắc kể và nhân vật "tôi" ở đây là "tôi" văn học.
Với độ hot của trang Facebook cá nhân của nghệ sĩ nổi tiếng này, bài viết nhận được hơn 7.000 lượt tương tác sau hơn một ngày đăng tải.
Ai cũng hiểu Xuân Bắc đang kể câu chuyện hàm ý ví người mẹ gói bánh chưng là ê kíp làm Táo quân, còn người con trai hỗn láo 'ăn cháo đá bát' chê bánh chưng mẹ mình gói chính là những người chê bai Táo quân.
Nghệ sĩ vào vai Nam Tào này bóng gió "mắng" những khán giả, nhà báo "dám" chê Táo quân trong khi chắc chắn không biết… làm Táo quân, chê nhưng năm nào cũng… hóng đợi chương trình.
Giống như anh con trai vo gạo rửa lá dong cũng không biết nhưng năm nào cũng ngoác miệng ra chê bánh chưng mẹ gói, chê nhưng vẫn "hóng" và vẫn ăn "tụt lưỡi".
Tính đến thời điểm này bài viết của Xuân Bắc nhận về hàng nghìn lượt bình luận. Trong đó đa phần đều bày tỏ sự thất vọng, phẫn nộ và bức xúc trước câu chuyện mà nam nghệ sĩ này đăng tải.