Giải Trí

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc: “Nhạc chế nhảm nhí là sự phỉ báng âm nhạc”

Minh Anh - 27/09/2022 18:30 GMT+7

Xoay quanh câu chuyện nhạc chế, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ quan điểm gay gắt, cho rằng đó là sự phỉ báng.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bất ngờ có bài đăng chia sẻ quan điểm về những bài nhạc chế. Theo anh, thời gian gần đây việc nhạc chế xuất hiện khá nhiều với những ngôn từ không phù hợp. Thậm chí là trên các chương trình truyền hình cũng có hiện tượng trên.

nguyen-van-chung-1

Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng mấy đứa học sinh, hoặc hội chợ, nhưng bây giờ nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí gameshow về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với mình, đó là sự phỉ báng âm nhạc!

Mình chỉ nói về nghề, không nói về người. Một người nhạc sĩ, viết nhạc là công việc, là đam mê, nhưng lên tiếng để bảo vệ những giá trị chuẩn mực trong âm nhạc là trách nhiệm. Điều đó thể hiện rõ lập trường làm nghề và cái tâm của mình với nghề. Vì thế, các bạn vui lòng comment dưới góc độ tranh luận quan điểm, không hạ nhục người khác”.

Bài đăng trên của nam nhạc sĩ thu hút sự quan tâm của nhiều người với những ý kiến tranh luận trái chiều. Một số người ủng hộ Nguyễn Văn Chung, đặc biệt là giới nhạc sĩ đồng tình với ý kiến của anh.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận cư dân mạng cho rằng Nguyễn Văn Chung đang quan trọng hóa vấn đề lên. Việc sử dụng nhạc chế không mang mục đích hạ bệ bất kỳ ai, thậm chí còn giúp nhạc gốc trở nên viral hơn.

nguyen-van-chung-3

Với những ý kiến của cộng đồng mạng, Nguyễn Văn Chung cũng đã có bài đăng phản biện, làm rõ ý kiến của mình. Tác giả “Chiếc khăn gió ấm” cho rằng:

“Thật ra nếu ai có khả năng đọc hiểu thì sẽ thấy rằng status hôm qua của mình chỉ nói về 2 vấn đề:

- Một số bài nhạc chế có nội dung nhảm nhí.

- Sự dễ dãi của bộ phận kiểm duyệt, sự buông lỏng quản lý của cơ quan văn hoá chứ không hề chê bai nhạc chế hay những ai làm nhạc chế! 

Ai cũng thích tiếng cười, trong âm nhạc đôi khi cũng cần sự hài hước vì nó mang lại sự vui vẻ cho mọi người. Những danh hài khi xưa đôi khi cũng hát nhạc chế để phục vụ cho tiểu phẩm của họ mang lại tiếng cười cho khán giả. Có một thầy giáo trẻ cũng chế khá nhiều bài nhạc được viral nhằm mục đích giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hào hứng vui vẻ hơn nhớ bài hơn. Đó là 1 điều rất quý. Tuy nhiên, sự hài hước và sự nhố nhăng phản cảm là hoàn toàn khác nhau. Phải có 1 chuẩn mực cho việc đó, đó là ý thức và văn hóa cần có đối với 1 người nghệ sĩ.

nguyen-van-chung

Bên cạnh đó, việc ca hát vui chơi hội nhóm không thành vấn đề, nhưng để xuất hiện hẳn trên truyền hình và lan tràn trên các nền tảng là điều không nên đối với một nghệ sĩ có lượng fan đông đảo và có sức ảnh hưởng. Vì thế, vai trò và trách nhiệm của bộ phận kiểm duyệt, hay đúng hơn là những nhà lãnh đạo văn hóa rất quan trọng. Hơn nữa, mỗi quốc gia đều có 1 sự tự hào về văn hoá riêng, như Nhật luôn tự hào về văn hóa Anime của họ, tương tự Việt Nam chúng ta cũng tự hào về văn hóa dân tộc mình. Thử tưởng tượng lớp trẻ Nhật cũng chế 1 bài hát về bộ truyện tuổi thơ Thần đồng đất Việt: “Trạng Tí lấy Dần Béo rồi đẻ ra Hợi” hoặc trong truyện Tấm Cám: ”Tấm lấy Cám đẻ ra Gạo Lứt” rồi lý do là “chế ra hát cho vui thôi chứ có ảnh hưởng đến ai đâu” thì các bạn sẽ cảm thấy như thế nào?

Mình vẫn để tất cả các comment trong status trước của mình để chứng tỏ rằng hậu quả của những bài nhạc chế nhảm nhí gây ảnh hưởng xấu đến lớp trẻ như thế nào. Chính tả thì sai, câu văn thì lủng củng, quan điểm thì lệch lạc, không thể tranh luận bằng lý lẽ và kiến thức mà chỉ có thể dùng những ngôn từ để chửi bới và hạ nhục người khác khi không cùng quan điểm”.

Hiện, phát ngôn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẫn gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội, mỗi bên có một quan điểm và lý lẽ riêng.

Tin phổ biến