Mục lục
Thông tin về bộ phim "Tòa Án Vị Thành Niên" -
Thể loại: Pháp luật, hình sự, chính kịch
Đạo diễn: Hong Jong Chan
Biên kịch: Kim Min Seok
Diễn viên: Kim Hye Soo, Kim Mu Yeol, Lee Sung Min, Lee Jung Eun, Lee Yeon, Hwang Hyun Jung, Shim Dal Gi, Kim Joon Ho, Song Duk Ho
Số tập: 10 tập
Thời lượng: 70 phút/tập
Ngày phát sóng: 25/02/2022
Kênh trình chiếu: Netflix
Nội dung phim "Tòa Án Vị Thành Niên"
Tòa Án Vị Thành Niên (Juvenile Justice) là một bộ phim xoay quanh những vụ án của tội phạm chưa đủ tuổi trưởng thành. Nhân vật trung tâm của phim là thẩm phán Shim Eun Seok (Kim Hye Soo), người mới được bổ nhiệm đến làm việc tại Tòa án vị thành niên tại Quận Yeonhwa.
Shim Eun Seok là một thẩm phán ưu tú, gai góc và cực kỳ căm ghét tội phạm, nhất là tội phạm vị thành niên. Thậm chí, cô còn được gọi là "Judge Max" vì luôn đảm bảo rằng những tội phạm chưa thành niên đi qua phòng xử án của cô ấy nhất định bị tuyên án mức tối đa nhất có thể.
Vốn dĩ người ta hay nói trẻ em là búp trên cành, là sự trong sáng, tinh túy nhất của cuộc sống đầy ô tạp này, nhưng chính vì thế nên khi chúng phạm tội lại càng chứng tỏ sự độc ác, tàn nhẫn và máu lạnh của một đứa trẻ khủng khiếp hơn người lớn rất nhiều.
Thế nhưng, chúng ta cũng cần phải ngẫm lại một chút. Một đứa trẻ sinh ra vốn rất vô tư, không hề có 1 chút tạp niệm nào, giống như trang giấy trắng. Vậy ai là người vẽ lên tờ giấy trắng đó những điều xấu xa?
Trái ngược với cô, thẩm phán Cha Tae Joo (Kim Mu Yeol đóng) lại rất thân thiện, ấm áp và luôn có một góc nhìn rất khác về các vụ án trẻ vị thành niên. Cùng nhau, cả hai sẽ xử lý những vụ án hóc búa, tìm ra ai là kẻ sát nhân thực sự.
Hai người cũng là đại diện cho hai luồng tư tưởng của xã hội thực tế, người cho rằng phải dùng sự răn đe nghiêm khắc, phải dùng sự trừng phạt thích đáng cho hành vi sai trái, người lại muốn dùng sự giáo dục, bao dung và cải tạo để cứu vớt những đứa trẻ lầm lỡ kia.
Trailer phim "Tòa Án Vị Thành Nhiên"
3 lý do bạn không nên bỏ qua "Tòa Án Vị Thành Niên"
Nội dung dựa theo một số vụ án có thật tại Hàn Quốc
Trên hầu khắp các quốc gia trên thế giới đều đã từng xảy những vụ phạm tội của những người dưới 16 hoặc 18 tuổi. Tuy nhiên, đa phần các thủ phạm đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà thường chỉ bị đưa vào trại cải tạo vài năm. Nhưng thực ra, người lớn đã nhiều lần khiếp sợ khi có rất nhiều vụ cưỡng bức, tra tấn dã man đến giết người, phân thây,... đều do trẻ vị thành niên thực hiện.
Để người xem có cái nhìn kỹ hơn, bằng nhiều khía cạnh khác nhau về tội phạm vị thành niên, các phiên tòa trên "Tòa án vị thành niên” đều được xây dựng dựa trên hàng loạt những vụ án chấn động Hàn Quốc vào thời điểm xảy ra.
Hai tập đầu phim tái hiện án mạng "Tiểu học Incheon" xảy ra vào ngày 29/03/2017 tại Incheon (Hàn Quốc). Hai học sinh vị thành niên đã tham gia giết và phân xác một bé 8 tuổi thành nhiều mảnh. Các cảnh phim dựng lại hiện trường và quá trình gây án thu hút người xem bởi tính chất man rợ.
Baek Seong U, người đã thú nhận tội ác của mình tỏ vẻ bất cần khi cậu ta tin rằng với độ tuổi 13 và giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần phân liệt thì sẽ không bị phạt tù dù đã có hành vi giết người. Qua đó cũng thể hiện những câu hỏi chủ chốt cho toàn bộ phim: Liệu những đứa trẻ vị thành niên phạm tội nghiêm trọng có đáng được khoan hồng và đưa đi cải tạo? Hay chúng cần nhận hình phạt thích đáng cho hành vi của mình?
Phần cuối của “Tòa án vị thành niên” cũng có đề cập đến một vụ án có thật từng xảy ra vào ngày 08/10/2015. Đó là vụ việc 2 học sinh ném gạch từ trên tầng cao xuống để thử thực hành bài tập vật lý về trọng lực nhưng đã gây ra cái chết cho một người phụ nữ 55 tuổi. Bởi cả hai đều là học sinh tiểu học nên cuối cùng đã không bị kết án.
Bên cạnh đó, vụ án nữ sinh bị cưỡng hiếp tập thể có thật xảy ra vào năm 2004 cũng được tái hiện chân thực qua "Tòa án vị thành niên”. 41 nam sinh cùng cưỡng bức một nữ sinh 14 tuổi trong suốt 11 tháng, chúng còn quay clip để đe dọa nạn nhân không được nói cho bất kỳ ai. Bởi những kẻ tham gia cưỡng hiếp đều không nhận tội, chúng đã suýt được thoát án do đang trong độ tuổi vị thành niên.
Kịch bản giàu tính nhân văn
Tuy được xây dựng từ những vụ án có thật về những đứa trẻ, thể hiện một mặt tối khốc liệt của con người nhưng kịch bản của "Tòa án vị thành niên” (Juvenile Justice) lại có cách xử lý rất nhân văn và đầy tinh tế. Các thẩm phán không dồn những đứa trẻ phạm tội vào bước đường cùng để đưa ra phán quyết mà cũng đặt mình vào vị trí của chúng, tìm ra nguyên nhân dẫn trẻ vị thành niên vào con đường phạm tội.
Và người lớn cũng đảm đương một phần trách nhiệm cực lớn cho những hành vi sai lệch của con trẻ. Trong độ tuổi vị thành niên, cái độ tuổi cần sự quan tâm, dẫn lối chỉ đường của người lớn nhất thì bọn trẻ lại bị bỏ rơi. Người lớn vì mải mê đeo đuổi những cuộc kiếm tiền, danh lợi đã vô tâm với những đứa con của mình.
Bên cạnh đó, “Tòa án vị thành niên” còn thể hiện rõ nét nỗi đau của các nạn nhân cùng gia đình. Nỗi đau ấy dường như đã khắc rất sâu, không cách nào xóa được, cũng không tài nào quên đi.
Dàn diễn viên thực lực
Vai chính thẩm phán Shim Eun Seok được giao cho Kim Hye Soo vốn đã là một diễn viên thực lực với diễn xuất xuất thần trong nhiều phân cảnh. Kim Hye Soo đã lột tả thành công một vị thẩm phán có vẻ ngoài lạnh lùng, quyết liệt nhưng đó chỉ là vỏ bọc để che giấu những nỗi đau tận cùng bên trong. Mặc dù các vai tội phạm vị thành niên đều là những vai diễn đầy sức nặng và gây ám ảnh nhưng dàn diễn viên trẻ vẫn thể hiện rất tốt và tròn vai.
>>>Xem thêm: Review "Dưới Bóng Trung Điện" - màn lột xác ấn tượng của chị đại Kim Hye Soo.
Chính bởi diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên đã khiến cho “Tòa án vị thành niên” trở thành một bộ phim cực kỳ đáng xem, mang đầy hơi thở đời sống và đẫm nước mắt vị tha.
>>>> Xem thêm: 3 lý do bạn không nên bỏ qua "Công tố viên quân sự Doberman"