Thuở niên thiếu ngây thơ, trong trẻo
Như Ý (Châu Tấn thủ vai) trong "Hậu cung Như Ý truyện" ban đầu có tên là Thanh Anh, nàng là cháu gái của Nghi Tu Hoàng Hậu. Sau khi cô mẫu qua đời, nàng không còn gia thế nên đến nương nhờ Sùng Khánh Hoàng thái hậu (Ô Quân Mai) và được bà ban tên là Như Ý.
Thanh Anh cách cách cùng Tứ A Ca Hoằng Lịch (Hoắc Kiến Hoa) vốn là thanh mai trúc mã. Đến năm mười sáu, mười bảy tuổi, nàng được định trở thành phúc tấn của Tam A Ca Hoằng Thời nhưng bị từ hôn. Lúc này, Hoằng Lịch đã "lừa" Thanh Anh đến buổi tuyển tú, tự ý trao cho nàng ngọc như ý để nàng trở thành đích phúc tấn. Thế nhưng do Ung Chính đế ngăn cản nên Thanh anh chỉ có thể trở thành trắc phúc tấn.
Có lẽ, thời điểm còn trong vương phủ chính là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất cuộc đời Như Ý. Nàng cùng Bảo thân vương Hoằng Lịch trải qua một tình yêu tinh khiết tựa sương mai. Hắn gọi nàng là Thanh Anh muội muội, nói rằng nàng là người thông minh, cương trực và hiểu hắn nhất, luôn nói những lời thẳng thắn.
Tiến cung cùng bao cạm bẫy, trắc trở
Khi Bảo thân vương Hoằng Lịch đăng cơ trở thành vua Càn Long cũng chính là lúc những sóng gió bắt đầu. Như Ý bị Cao thị lấn át, Hoàng hậu nghi kị, Ngọc Nghiên âm thầm ném đá giấu tay, cô mẫu lại là cái gai trong mắt của Thái hậu. Như Ý vốn là một người yêu tự do, không muốn tranh giành ân sủng nhưng nàng lại chấp nhận chịu đựng mọi tranh đấu trong hậu cung chính là bởi câu nói "Nàng yên tâm" và cái nắm tay ấm áp của hoàng thượng.
Càn Long lúc ấy lại chưa đủ mạnh mẽ, vẫn còn bị Thái hậu chi phối nên không thể bảo vệ được người mình yêu. Để giúp Như Ý không thở thành tâm điểm trong hậu cung, Càn Long đã cố tình xa cách, lạnh nhạt. Nhưng như vậy vẫn không giúp Như Ý tránh khỏi rắc rối. Nàng bị vu oan, hãm hại hết lần này đến lần khác rồi cuối cùng bị đày vào lãnh cung. Trong ba năm bị giam trong lãnh cung, Như Ý vẫn luôn kiên cường sống tiếp. Nàng tin tưởng Càn Long, hay đúng hơn là tin tưởng thiếu niên Hoằng Lịch sẽ không bỏ rơi nàng.
Để rồi cuối cùng Như Ý cũng đợi được ngày rời khỏi lãnh cung, quay trở lại làm Nhàn phi. Sau đó nàng được sắc phong Hoàng quý phi và rồi ngồi lên vị trí kế hậu. Những tưởng hai người có thể đứng bên cạnh nhau, thâm tâm tương hợp đến hết đời nhưng thực chất đây lại là bắt đầu của một bi kịch.
Bi kịch hôn nhân, kết thúc cuộc đời trong cô độc
Khi Như Ý lên làm hoàng hậu, mọi thứ đều không giống như lúc trước nữa. Thiếu niên Hoằng Lịch của nàng cũng không còn, thay vào đó là một Càn Long đế uy quyền tột bậc. Khi Như Ý mất đi dứa con mới lọt lòng, thay vì nhận được sự an ủi từ phu quân thì nàng lại phải chịu đau đớn, tủi nhục một mình. Đó cũng là lúc Như Ý nhận ra tình nghĩa phu thê mà Thanh Anh mà Hoăng Lịch từng bồi đắp nay đã chỉ còn là quá khứ.
Không chỉ có vậy, Như Ý còn bị Càn Long nghi ngờ là có tư tình với Lăng Vân Triệt (Kinh Siêu). Mặc cho nàng giải thích hết lời, Càn Long vẫn không mảy may tin tưởng, ghen tuông mù quáng và bắt nàng phải chịu giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng điều khiến Như Ý thất vọng tột cùng chính là khi Càn Long rạo rực kể về tình yêu dành cho Hàn Hương Kiến (Lý Thấm).
Ngôi vị Hoàng hậu - thứ mà mọi phi tần chốn hậu cung đều mong muốn đang đè nén, bóp chết trái tim nàng từng ngày. Giây phút nhận lấy cái tát từ Càn Long, Như Ý biết mình không thể tiếp tục nhẫn nhịn được nữa. Nàng quyết tâm cắt tóc đoạn tình ngay trước mặt hoàng đế. Câu nói cuối cùng của Như Ý đến Càn Long thể hiện nỗi tiếc thương đầy chua xót cho đoạn tình cảm thời niên thiếu: "Thần thiếp bầu bạn với hoàng thượng nhiều năm, nay xin cắt tóc đoạn tuyệt gửi Thanh Anh và Hoằng Lịch đã xa".
Cuối cùng, Như Ý kết thúc cuộc đời trong khi bị giam lỏng tại Dực Khôn Cung. Sau khi nàng qua đời, Càn Long không ban thụy hiệu, cũng chẳng lập bài vị cho nàng. Có chăng đây là sự giải thoát tốt nhất cho nàng, thành toàn mong ước được tự do của nàng. Và từ đó đến cuối triều đại nhà Thanh, người ta cũng không thấy bất kì một phi tần nào mang họ Ô Lạt Na Lạp thị nữa.
>>>> Xem thêm: 8 phim cung đấu Hoa ngữ hấp dẫn nhất cho các mọt phim