Ông Siu Quý - Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật TP HCM - cho biết cố họa sĩ phát hiện khối u gan đã lâu, sau đó di căn qua thận. Sau thời gian điều trị ở bệnh viện Đại học Y Dược, hai ngày trước, ông được bác sĩ trả về nhà. Tang lễ tổ chức tại nhà riêng ở quận 11, sau đó linh cữu được an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9.
Họa sĩ Siu Quý cho biết đến cuối đời, sức sáng tác dồi dào của Trương Hán Minh vẫn khiến nhiều họa sĩ trẻ ngưỡng mộ. Vài tháng trước khi giãn cách, anh đến thăm nhà họa sĩ, ông giới thiệu bức tranh thủy mặc dài nhiều mét, được xếp vào hàng kỷ lục. Ngôi nhà ông được ví như một "bảo tàng tranh", trưng bày vô số tác phẩm của ông suốt 50 năm sáng tác. "Ông ra đi khi nhiều dự định nghệ thuật còn dang dở", Siu Quý nói.
Trương Hán Minh sinh năm 1951 tại TP HCM, gia đình thuộc dân tộc Hoa, là bậc thầy thủy mặc trong nước lẫn thế giới. Niềm đam mê hội họa ngấm vào ông những ngày còn học tiểu học. 17 tuổi, ông thọ giáo thầy Lương Thiếu Hằng - một họa sĩ tranh thủy mặc nổi tiếng của họa phái Lĩnh Nam, từ Hong Kong sang Việt Nam mở trường tư thục.
Chủ đề chiếm số lượng lớn trong các tác phẩm của ông là tranh phong cảnh quê hương, sơn thủy hữu tình của Việt Nam. Ông vẽ từ ruộng bậc thang đến rừng đước, từ hồ Gươm đến phố cổ Hội An. Tranh ông thường được giới hội họa đánh giá không cầu kỳ mà trang nhã, hàm súc, đậm triết lý nhân sinh với hình ảnh chim bay, bướm lượn, cá lội, muôn hoa khoe sắc. Ông còn tiên phong dùng nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc minh họa thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họa sĩ thường sử dụng lối điểm bút như vẽ mây trên núi, khói sương phủ rừng cây.
Trương Hán Minh quan niệm, tranh thủy mặc phải chú trọng năm thứ: bút, mực, hình, thần và màu. Trong một bài phỏng vấn, ông từng nói: "Cùng là bút lông (làm từ lông ngựa, dê, chó sói), phải biết vẽ hoa cần bút gì, vẽ sơn thủy cần bút gì. Mực của tranh thủy mặc là mực nho mài, không sửa được. Hình là cái cốt để gửi ý, trước khi hạ bút phải biết mình vẽ cái gì, gửi gắm điều gì. Thần là cái chủ yếu làm tranh sống động. Màu là chỉ trong một nét mực đen, cao thủ phải thể hiện được bảy màu". Theo ông, giấy vẽ tranh thủy mặc là loại giấy xuyến chỉ rất mỏng, dễ rách, lem dễ thấm nên người vẽ cần làm chủ mực và kỹ thuật bồi tranh.
Năm 2010, ông vẽ bức Phú quý trường xuân, dài 4,1 m, cao 1,25 m trong nửa tháng. Tác phẩm đoạt kỷ lục là "Bức tranh thủy mặc về hoa dài nhất Việt Nam". Từ năm 1977 đến năm 2013, khoảng 200 bức tranh thủy mặc của ông được đấu giá từ thiện. Năm 2013, ông được công nhận kỷ lục Việt Nam và châu Á là "Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất". Ông có trên 70 lần tổ chức triển lãm bán tranh gây quỹ từ thiện trong nước và tại Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Nhật, Pháp..., trong đó nhiều bức được đấu giá hàng tỷ đồng. Ông là Ủy viên ban chấp hành Hội mỹ thuật TP HCM, Hội trưởng Hội Mỹ Thuật người Hoa TP HCM, tham gia công tác tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM.