1. Tìm địa chỉ mua xe máy cũ uy tín
Đầu tiên bạn hãy xác định được tài chính để dành mua xe của mình là bao nhiêu rồi sau đó mới xác định được xe mà mình muốn mua thuộc loại nào, hãng gì, độ cũ mới bao nhiêu phần trăm. Tiếp theo bạn cần tìm kiếm những địa chỉ có sẵn hàng loại xe đấy. Lưu ý rằng đừng chọn những nơi quá xa nơi mình ở.
Cách tốt nhất để đảm bảo được chất lượng cho xe máy cũ là bạn nên mua từ người thân, người có quen biết hoặc nhờ họ giới thiệu địa chỉ mua mà họ biết chắc được chất lượng. Bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn và nắm rõ được nguồn gốc, quá trình sử dụng của chiếc xe.
Trong trường hợp bạn không hỏi được người thân thì bạn có thể lên mạng tìm địa chỉ bán xe ở khu vực xung quanh nơi mình ở, đến tận nơi để xem xét cũng như hỏi thăm về độ uy tín của cửa hàng. Đừng chọn những cửa tiệm nhỏ, xập xệ dù giá xe ở đấy có thể rẻ hơn những chỗ khác.
2. Kiểm tra tổng thể chiếc xe và các chi tiết phụ tùng tại cửa hàng xe
Nếu như bạn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, cách tốt nhất là hãy rủ người quen có hiểu biết về xe đi cùng. Họ sẽ tư vấn cho bạn về ưu, nhược điểm của xe cũng như phát hiện ra được những khuyết điểm mà có thể người bán cố tình giấu đi.
Ngoài ra, dựa theo kinh nghiệm mua xe máy cũ Sao Daily tổng hợp được, bạn cũng có thể tự mình kiểm tra những đặc điểm sau đây:
2.1. Kiểm tra tổng thể chiếc xe
Đừng để bị vẻ ngoài với lớp sơn trông có vẻ mới cóng đánh lừa. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì việc hô biến một chiếc xe cũ nát thành một chiếc xe sáng bóng, đẹp đẽ chẳng có gì là khó cả. Hãy chú ý kiểm tra kỹ những chi tiết sau:
- Một chiếc xe cũ còn tốt đó là các chi tiết, thành phần trên xe bao gồm: thân xe, vỏ xe, khung gầm, động cơ…phải có độ cũ/mới giống nhau, đồng bộ cùng một thương hiệu, tức là thân xe của Wave thì động cơ cũng phải là của Wave.
- Nước sơn trên xe thì phải đồng đều màu. Nếu bạn thấy chỗ sơn không được mịn, sờ thấy những vết sần thì có thể xe đã bị sơn lại.
Kiểm tra kỹ điều này giúp bạn xác định được xe có bị tráo linh kiện hay xảy ra vấn đề gì khiến xe phải thay linh kiện hay không.
2.2. Kiểm tra các chi tiết, phụ tùng xe
- Động cơ xe
Động cơ là phần quan trọng nhất của chiếc xe và cũng là nơi khó kiểm tra nhất. Bạn hãy để ý những đặc điểm sau để biết xe còn vận hành tốt không:
+ Bề mặt những con ốc trên cụm xi-lanh và trên lốc hộp số đối với xe số, trên bộ côn với xe ga không móp méo hay độ mới phải giống với tổng thể chiếc xe.
+ Khởi động dễ dàng, khi để ga-răng-ti thì động cơ không tắt giữa chừng, tiếng nổ đều và không bị giật (ga-răng-ti là mức ga tối thiểu để xe máy có thể nổ tại chỗ khi chờ đèn đỏ hay khi tắc đường không di chuyển được).
+ Với xe số, sang số phải dễ dàng, hộp số không bị kẹt khi tăng hay giảm số. Với xe ga, động cơ nổ ngay và tăng đều khi kéo ga, không có tiếng động lạ.
+ Vặn tay ga hết cỡ xem có khói dày và nặng mùi xăng không. Nếu có thì động cơ này hoạt động không tốt.
+ Kiểm tra xem có vết rò rỉ nào ở động cơ hay không.
- Điện, ắc quy
+ Đừng ngại yêu cầu người bán tháo cốp, mở yên để đảm bảo hệ thống điện, ắc quy, IC, đi-ốt nạp vẫn vận hành tốt.
+ Xe khởi động dễ dàng, còi và xi nhan vẫn hoạt động khi không nổ máy thì ắc quy xe còn tốt. Bên cạnh đó nếu còi khó bấm hay tiếng kêu yếu thì nghĩa là bộ điện đã xảy ra vấn đề.
- Bộ phận giảm xóc
+ Kiểm tra bộ phận giảm xóc trước bằng cách bóp chặt phanh trước rồi nhún mạnh. Nếu phát ra tiếng kêu lọc cọc nghĩa là chất lượng giảm xóc đã yếu hoặc đã bị chảy dầu.
+ Với giảm xóc sau, có thể kiểm tra bằng cách chở thử từ 2 - 3 người, khi xe chạy nếu không có tiếng kêu lạ, xe chạy êm thì chứng tỏ chất lượng còn tốt.
- Kiểm tra lốp xe
+ Kiểm tra xem lốp cũng có cùng độ mới/cũ với tổng thể xe hay không. Vành mâm xe nếu bị xước nhiều thì đồng nghĩa với việc lốp đã thay nhiều lần.
+ Nếu lốp bị mòn phần giữa thì nghĩa là xe chủ yếu chạy lộ trình thẳng, đường đẹp.
+ Nếu lốp bị mòn phần rìa thì xe hay phải rẽ nhiều hoặc đã dùng được một thời gian dài.
- Cảm giác khi lái
+ Hãy yêu cầu để chạy thử xe trước khi quyết định nên mua chiếc này hay không. Theo những kinh nghiệm chia sẻ khi mua xe máy cũ, một chiếc xe còn tốt phải tạo cho bạn cảm giác cân bằng, yên tâm khi lái.
+ Hãy thử xe tại những đoạn đường thật bằng phẳng để có đánh giá đúng nhất về độ êm ái, cân bằng, các bộ phận của xe có vận hành và phối hợp với nhau tốt khi chạy hay không.
3. Kiểm tra giấy tờ xe
Để xe được đảm bảo chất lượng tốt nhất bạn hãy tìm mua xe chính chủ. Hãy yêu cầu chủ xe cho xem giấy đăng ký xe, hóa đơn mua xe, chứng minh thư và đối chiếu thật kỹ xem những thông tin này có khớp với nhau hay không.
Trong trường hợp bạn không mua được xe chính chủ thì hãy yêu cầu người bán xe cho xem giấy mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương. Điều này để đảm bảo rằng bạn không bị lừa mua xe ăn cắp hay xe vẫn đang trong thời gian trả góp.
Ngoài ra hãy mang theo một tờ giấy trắng và bút chì để thao tác lấy mã số khung và mã số máy trên xe rồi đối chiếu xem có khớp với thông tin trên giấy tờ. Hãy nghiên cứu và nhớ kỹ một vài đặc điểm của giấy tờ xe theo quy chuẩn hoặc có thể mang trực tiếp một giấy tờ xe mẫu đến để kiểm tra xem giấy tờ tại cửa hàng có thật hay bị làm giả.
Đừng quên hỏi thật kỹ các thông tin cũng như giấy tờ liên quan tới chế độ bảo hành, bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi cho bản thân.
4. Mặc cả để có giá tốt nhất
Điều quan trọng là bạn phải nắm được mức giá tiêu chuẩn dựa theo phần trăm mới và mức độ tốt của các phụ tùng xe. Hãy tham khảo từ những người có kinh nghiệm mua xe cũ hoặc những người sửa xe lâu năm, khi ấy bạn sẽ không bị “hớ” khi mua.
Thường thì người bán sẽ đẩy giá cao lên, nếu bạn thấy giá đấy quá cao, không hợp lý thì hãy cứ trả giá xuống để có được mức giá tốt nhất. Tuy nhiên nếu như bạn thấy chủ xe đưa ra giá quá thấp so với giá trị xe thì bạn cũng nên cân nhắc vì có thể xe có vấn đề mà mắt thường không nhìn thấy được.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm được cách kiểm tra xe máy cũ khi mua, những lưu ý trong quá trình mua xe máy cũ.
>> Làm gì khi xe máy bị ngập nước: Cách xử lý an toàn và tiết kiệm chi phí
>> Hướng dẫn chạy xe côn tay: Kỹ năng làm chủ tốc độ cho người mới