Mẹo

Hướng dẫn chạy xe côn tay: Kỹ năng làm chủ tốc độ cho người mới

Linh An - 03/01/2022 11:00 GMT+7

Bên cạnh xe ga và xe số thì hiện nay xe côn tay là lựa chọn của những bạn trẻ đam mê tốc độ, yêu thích những trải nghiệm mới trên đường đi. Với những hướng dẫn chạy xe côn tay được giới thiệu qua bài viết sau đây, bạn sẽ nắm được những nguyên tắc khi chạy xe và có kỹ năng làm chủ tốc độ.

1. Xe côn tay là gì?

Xe côn tay, hay còn có tên khác là xe ambraya tay, là loại xe sử dụng hệ thống đóng ngắt ly hợp bằng tay, cụ thể là ở bên trái tay lái xe có cần côn, bóp vào để ngắt và thả ra để đóng ly hợp. Loại xe này có nhiều ưu điểm về hiệu suất và tốc độ tốt hơn xe ga và xe số bình thường, tuy nhiên nó cũng đòi hỏi ở người sử dụng sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cả hai tay và chân khi điều khiển xe. 

huong-dan-chay-xe-con-tay
Xe côn tay - Ảnh: CafeBiz

Xe côn tay thường phổ biến ở những dòng xe thể thao, phân khối lớn. Vì thế mà tất cả các xe tham gia các giải đua xe moto chuyên nghiệp đều là mẫu xe côn tay. Khi đã đi quen dòng xe này thì nó cũng không khác gì so với xe ga hay xe số bình thường, mà bộ động cơ mạnh mẽ của nó còn chinh phục nhiều bạn trẻ có đam mê tốc độ và yêu thích những mẫu xe có thiết kế thể thao khỏe khoắn. 

Ngoài ra, xe côn tay còn có cùng nguyên lý hoạt động với bộ côn của xe ô tô. Vì thế, đây là một lợi thế cho những người đã quen lái xe này khi học lái ô tô sẽ nhanh hơn so với những người khác. Mẫu xe côn tay phổ biến ở Việt Nam hiện nay là dòng Exciter của Yamaha. Ngoài ra còn một số dòng khác như Axelo, Raider của Suzuki hay Winner, MSX125 của Honda,...

2. Hướng dẫn chạy xe côn tay cho người mới

2.1. Khởi động xe

Theo kinh nghiệm đi xe côn tay, khi không sử dụng xe trong khoảng thời gian từ 2 - 3 tiếng trở lên thì lượng dầu nhớt trong xe sẽ chảy hết xuống dưới bình chứa. Vì thế khi khởi động xe trở lại, bạn không nên đi ngay lập tức mà hãy vặn máy rồi để xe tự nổ ở chế độ ga nhỏ rồi sau đó mới tăng dần ga lên để chạy. Việc làm này sẽ giúp nhớt lưu thông ở khắp các chi tiết trên xe, bôi trơn cho chúng để khi chạy động cơ sẽ êm hơn, không có các tiếng kêu lạch cạch. 

huong-dan-chay-xe-con-tay
Khởi động xe - Ảnh: Internet

Một mẹo nhỏ cho những ai mới sử dụng xe côn tay là nên để ga-răng-ti (mức ga tối thiểu để cho xe tự hoạt động mà chúng ta không cần vặn tay ga) lớn hơn một chút so với bình thường. Khi đã đi quen thì lại điều chỉnh về mức độ cân bằng. Ngoài ra thì chúng ta cần dừng xe một lúc như chờ đèn đỏ mà xe không có ga-răng-ti thì có nghĩa là xe của bạn có thể đang thiếu lượng xăng đi vào buồng đốt của xe máy. 

Vì thế mà chúng ta cần điều chỉnh ga-răng-ti để đảm bảo sự hoạt động cũng như chất lượng cho xe, tránh những sự lãng phí không cần thiết. Dựa theo tình trạng xe, bạn có thể điều chỉnh bộ phận vít chỉnh gió theo nguyên tắc gió nhiều (mở rộng ốc gió) thì xăng đi vào ít, nếu theo nguyên tắc gió ít (đóng ốc gió) thì xăng ngược lại sẽ đi vào nhiều hơn.

2.2. Hướng dẫn chạy xe côn tay: Thao tác bóp côn

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi đi xe côn tay và cũng là cách đi xe côn tay không chết máy đó là phải ngắt côn nhanh và nhả côn từ từ và đều tay. Những người mới làm quen với loại xe này thường mắc những lỗi phổ biến như lúc chuyển số trên xe thường nhả côn ra quá nhanh khiến xe bị giật, thậm chí là bốc đầu. Ngược lại nếu nhả côn ra quá chậm thì xe có thể bị chết máy.

huong-dan-chay-xe-con-tay
Thao tác bóp côn - Ảnh: Internet

Những lỗi này thường xảy ra là do bạn chưa biết nên nhả côn ở đoạn nào thì thích hợp để xe chạy. Để làm quen, bạn nên dành nhiều thời gian luyện tập đi xe ở những nơi vắng người qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Trước khi nổ máy, hãy chắc chắn rằng xe của bạn đã về số 0. Sau đó, bạn nổ máy xe, bóp côn hết cỡ và dẫm cần số về phía trước để vào số 1. Tay trái từ từ thả côn chậm rãi cho đến khi bạn thấy xe bắt đầu có dấu hiệu di chuyển thì vặn nhẹ tay ga và bắt đầu xuất phát.

Khi đã đi quen thì bạn sẽ tự biết được nên thả tay côn ở khoảng nào để xe chuyển động, đồng thời cũng vặn được tay ga phù hợp theo.

2.3. Điều chỉnh cấp số phù hợp với tốc độ

Điều này có nghĩa là bạn đi xe với tốc độ nào thì bạn cần để số phù hợp với tốc độ đó. Tốc độ càng nhanh, càng cao thì phải để số lớn, ngược lại tốc độ chậm, bé thì để số nhỏ. Nếu để số không tương thích với tốc độ chạy thì có thể sẽ gây hại tới động cơ xe. Ví dụ như chạy tốc độ lớn mà để số bé thì xe bị ghì máy, mà chạy tốc độ chậm bạn lại để số quá to thì xe có thể giật, chết máy.

huong-dan-chay-xe-con-tay
Điều chỉnh cấp số - Ảnh: Internet

Bạn nên điều chỉnh theo các cấp số như sau:

- Từ 0 – 10 km/h đi với số 1.

- Từ 10 – 30 km/h đi với số 2.

- Từ 30 – 50 km/h đi với số 3.

- Từ 50 – 80 km/h đi với số 4.

- Từ Trên 80 km/h đi số 5 hoặc số 6.

2.4. Thao tác sang số/về số

Xe côn tay được thiết kế với hộp số vuông, nếu bạn muốn điều chỉnh số khi chạy thì bạn cũng đạp như khi đi xe số. Tuy nhiên quy tắc khi sang số ở xe côn tay hơi khác so với xe số bình thường, đòi hỏi người điều khiển xe phải luyện tập nhiều thì mới có thể nhuần nhuyễn được. 

Đa số xe côn tay có 4 số, một số loại có thể có đến 6 số và bạn cần lưu ý ở dòng xe này chỉ có cần đạp chứ không có cần lùi. Đặc biệt, số 1 nằm ở dưới cùng, sau đó đến số N (số 0) sẽ nằm ở giữa số 1 và số 2, tiếp tục là số 3, 4, 5, 6. Khi không sử dụng xe thì bạn luôn phải để xe về số 0. Vì thế, để vào số đối với xe côn, bạn cần thực hiện như sau:

- Từ số 0:

+  Bạn có thể ghi nhớ câu cửa miệng sau: “1 đạp – 2, 3, 4, 5, 6 móc” có nghĩa là: Đạp mạnh xuống về phía trước để vào số 1 trước, sau đó mới móc mạnh lên để vào số 2, 3, 4, 5, 6.

- Từ số 1:

+ Móc nhẹ để vào số 0, móc mạnh dứt khoát tránh trường hợp bị kẹt lại ở số 0 để vào số 2.

huong-dan-chay-xe-con-tay
Thao tác sang số/về số ở xe côn tay - Ảnh: Internet

Trong khi sang số, bạn cần thực hiện các bước sau:

- Bóp tay côn.

- Vặn nhẹ tay ga, giảm tốc độ để không bị giật xe.

- Móc số lên đến đúng số bạn cần chạy theo thứ tự như trên.

- Nhả côn từ từ và thêm ga để bắt đầu chạy lại bình thường.

- Thực hiện các bước này khi sang số từ số 2 trở lên.

Để về số thì các bạn cũng thực hiện tương tự như khi sang số. Tuy nhiên thay vì móc số lên thì bạn sẽ đạp số về số bạn muốn. Lưu ý là ở đây bạn có thể móc/đạp nhiều số một lần cùng lúc khi bóp côn và hạ ga. Nếu bạn mới đi và chưa thành thạo thì có thể sang số/về số từng số một để đảm bảo an toàn.

2.5. Cách chạy xe tay côn lên dốc

Đối với những người mới chạy xe tay côn nói riêng và cả những người đã chạy lâu thì việc phải đi lên dốc có thể không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên nếu nhớ được nguyên tắc sau đây và luyện tập thường xuyên thì đây sẽ không còn là một điều quá khó khăn nữa:

huong-dan-chay-xe-con-tay
Đi xe côn tay lên dốc - Ảnh: Oxii.vn

- Khi đi lên dốc cao: Bạn hãy vặn nhỏ tay ga và về số tùy theo tốc độ đó. Khi càng lên cao thì để số càng thấp, sau đó từ từ nhả côn và vặn tay ga đều, không quá mạnh hay quá nhẹ để dễ điều khiển rồi đi lên tới đỉnh.

- Khi xe dừng ở ngay chân dốc không lấy đà được: Lúc này bạn cần vào số 1 ngay khi khởi động xe và vặn ga thật mạnh để đi qua dốc. Sau khi đã vượt qua rồi thì bạn lại nhả ga ra ngay và đi như bình thường.

Trên đây những hướng dẫn chạy xe côn tay dành cho những người mới bắt đầu. Đi xe côn tay không quá khó nhưng bạn cần dành nhiều thời gian để luyện tập thì mới có thể nhuần nhuyễn và luyện thành những kỹ năng, phản xạ để xử lý những tình huống xảy ra trên đường. 

>> Cách xếp hành lý gọn nhất để mang "cả thế giới" cùng du lịch

>> Chữa lẹo mắt: 6 mẹo xử lý đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhanh chóng