"Hành Trình Công Lý" là bộ phim truyền hình Việt Nam được remake lại từ series phim pháp luật, chính kịch "The Good Wife" của Mỹ. Với phần phim đầu tiên vào năm 2009, "The Good Wife" kết thúc với 7 mùa phim vô cùng thành công. Bộ phim còn từng giành được đến 5 giải Emmy danh giá.
"The Good Wife" bản Mỹ là câu chuyện xoay quanh Alicia Florrick (Julianna Margulies), từng là một nữ luật sư tài năng nhưng cô đã nghỉ việc từ 15 năm trước để chăm lo cho gia đình. Nhưng khi scandal mại dâm và tham nhũng của ông chồng lộ ra, cô đã quyết tâm trở lại với công việc và từng bước khôi phục lại danh tiếng luật sư của mình.
Với thành công của những bản làm lại trước đó, "Hành Trình Công Lý" được rất nhiều khán giả mong chờ. Tuy nhiên, khi vừa mới lên sóng, bộ phim lại nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi khác xa nguyên tác.
Nội dung lê thê, dài dòng
Nhân vật nữ chính của "Hành Trình Công Lý" là Phương (do Hồng Diễm thủ vai), một người phụ nữ dịu dàng, luôn vun vén tốt gia đình nhỏ của mình trong hơn 10 năm qua. Thế nhưng, Hoàng (Việt Anh đóng) - chồng cô lại ngoài tình và còn dính vào án tham nhũng. Thế là cô quyết định quay trở lại với nghề luật sư để tìm ra chân tướng.
Trong phiên bản "The Good Wife" Mỹ, quá khứ của nữ chính cũng như biến cố hôn nhân đổ vỡ được thuật lại rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tập đầu tiên. Những tập sau đó đều tập trung vào cau chuyện trong hiện tại.
Thế nhưng, tuy gắn mác là phim pháp luật, chính kịch nhưng "Hành Trình Công Lý" không khác gì những bộ phim hôn nhân, gia đình trước đó của Việt Nam. Phim mất đến 9 trong tổng số 45 tập để diễn giải về cuộc sống hôn nhân của Phương. Cô chính thức quay lại công ty luật vào cuối tập 9.
Tình tiết vô lý, thiếu kiến thức về nghề luật sư
Dù là một bộ phim lấy đề tài về luật pháp nên "Hành Trình Công Lý" lại khuyết thiếu kiến thức nghiêm trọng về nghề nghiệp luật sư. Phương - người được mệnh danh là một nữ luật sư nổi tiếng trong quá khứ giờ đây lại luôn làm việc theo cảm tính. Qua những vụ án mà cô đảm nhận, có thể thấy Phương quá dễ đồng cảm với những người có hoàn cảnh giống mình.
Đặc biệt là trong vụ án đầu tiên, khi mà cô đã phản bội thân chủ mình để giúp hai mẹ con giành được tài sản. Hành vi này là không thể chấp nhận được, Phương có thể sẽ bị thân chủ kiện ngược lại và làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như danh tiếng của văn phòng luật mà cô đang làm việc.
Bên cạnh đó, hành động cảm ơn trên mạng của hai mẹ con được Phương giúp đỡ cũng rất thiếu thực tế. Bởi theo nguyên tắc thì những thông tin này sẽ không được phép tiết lộ cho công chúng.
Nhân vật thiếu chiều sâu
Trong phiên bản Mỹ, nhân vật ông chồng là một chính trị gia với đầu óc mưu lược, thường xuyên làm quân sư cho vợ. Tuy nhiên Hoàng lại chỉ là một doanh nhân, anh ta không đảm nhiệm bất kỳ vai trò quan trọng nào giúp vụ án được làm sáng tỏ.
Người luôn bên cạnh giúp đỡ, đồng hành với Phương lại là Quân - người đồng nghiệp tại văn phòng luật. Mặc dù vậy, nhân vật này cũng được khai thác một cách rất hời hợt, khán giả không hề biết gì về quá khứ của anh, cũng như động cơ để Quân tích cực giúp Phương như thế. Anh lúc nào cũng xuất hiện với một nụ cười trên môi, mà người xem cũng không biết anh cười vì cái gì.
Và đương nhiên ta cũng không thể bỏ qua Phương, nhân vật chính của phim. Nếu trong hai phiên bản vô cùng thành công của Mỹ và Hàn, nữ chính là một luật sư mạnh mẽ, sắc sảo thì Phương lại quá cảm tính. Cô vẫn chưa thể hiện dược năng lực của một luật sư.
Với những thiếu sót như vậy, "Hành Trình Công Lý" đã gây thất vọng toàn tập, nhất là với những khán giả yêu thích nguyên tác "The Good Wife".