Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Một trong những biến chứng của sốt xuất huyết là chảy máu cam. Vậy sốt xuất huyết chảy máu cam có nguy hiểm không? Người bệnh cần phải xử lý như thế nào khi xuất hiện triệu chứng này?
1. Chảy máu cam khi bị sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm do virus có tên Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết có hai triệu chứng điển hình là sốt và xuất huyết. Theo đó, tình trạng chảy máu khi sốt xuất huyết có thể là các hiện tượng như chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm dập da, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết âm đạo...
Khi bị sốt xuất huyết, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ bị sốt từ 2-5 ngày. Sau đó, mạch máu bị tổn thương, gây ra hiện tượng chảy máu, trong đó chảy máu cam là một biểu hiện.
Xuất huyết là một trong những biểu hiện của bệnh, cảnh báo cơ thể đang bước vào giai đoạn nguy hiểm. Bên cạnh các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, gan to, nề mi mắt... thì biểu hiện xuất huyết thường dễ dàng nhận thấy.
Cụ thế, xuất huyết xuất hiện ở các vị trí khác nhau như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, có kinh nguyệt trước hạn hoặc kinh nguyệt kéo dài, xuất huyết nội tạng. Cụ thể, xuất huyết niêm mạc bao gồm chảy máu chân răng, chảy máu cam, đi tiểu ra máu.
Như vậy, chảy máu cam khi bị sốt xuất huyết là một triệu chứng cảnh báo nguy hiểm. Các bác sĩ cho biết, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết chảy máu cam có thể dẫn tới những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
2. Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chảy máu cam
Thông thường, bệnh nhân sốt xuất huyết bị chảy máu cam hay chảy máu ở các vùng khác trên cơ thể khi đã hạ sốt. Cần lưu ý, tình trạng này có thể xảy ra ở cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhẹ hay nặng.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chảy máu cam khi bị sốt xuất huyết là do cơ thể bị giảm tiểu cầu hoặc do các rối loạn tiểu cầu.
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm đông máu, giúp duy trì liên kết các mạch máu, tránh gây vỡ mạch máu. Trong khi đó, người bệnh mắc sốt xuất huyết thường có tình trạng sốt kéo dài, nhiễm toan chuyển hóa. Vì thế, giảm tiểu cầu và rối loạn máu đông là khó tránh khỏi.
3. Sốt xuất huyết chảy máu cam có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết chảy máu cam là dấu hiệu nguy hiểm, bệnh nhân không được chủ quan vì có thể gặp những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, với những bệnh nhân bị sốt xuất huyết mà xuất hiện tình trạng chảy máu cam, cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi sức khỏe. Nếu không điều trị và xử lý đúng cách, có thể dẫn tới tình trạng người bệnh bị sốc, mất nước, thiếu máu.
Tuy nhiên, bệnh nhân bị chảy máu cam khi mắc sốt xuất huyết cũng không nên quá lo lắng, hoang mang vì những biểu hiện của cơ thể khi bị sốt xuất huyết như sốt, mệt mỏi, chảy máu cam đau đầu... thông thường là những giai đoạn cơ thể đang tự kháng lại bệnh.
Sở dĩ, khi người bệnh sốt xuất huyết bị chảy máu cam cần theo dõi là vì chảy máu liên tục có thể gây nên các biến chứng như xuất huyết nặng, cơ tim bị vỡ, vỡ hồng cầu, đông máu nội mạch lan tỏa, cô đặc máu... Trong khi đó, tình trạng thiếu máu kéo dài dẫn tới hiện tượng tụt huyết áp nghiêm trọng, hôn mê và nguy hiểm hơn, có thể đột quỵ.
4. Điều trị chảy máu cam sốt xuất huyết như thế nào?
Như vậy, bệnh nhân không được chủ quan nếu bị sốt xuất huyết chảy máu cam bởi đây là một trong những dấu hiệu nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời, đúng cách. Cần lưu ý, tình trạng chảy máu cam khi sốt xuất huyết không thể điều trị tại nhà.
Khi xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân cần tới ngay cơ sở y tế để theo dõi và xét nghiệm. Với những bệnh nhân bị chảy máu nhiều, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch điện giải, truyền máu, bổ sung lượng tiểu cầu cần thiết...
Bên cạnh đó, tùy vào từng người bệnh, các bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp như dùng thuốc corticoid chống viêm, trợ tim và theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để đề phòng biến chứng sốc nặng với thuốc có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.
Bệnh nhân bị chảy máu cam khi mắc sốt xuất huyết cần tuyệt đối lưu ý không xông hơi hoặc xông lá bởi vì việc làm này có thể gây thoát nước, mất nước, từ đó dẫn tới sốt xuất huyết ngày càng nặng.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý, bệnh nhân sốt xuất huyết chảy máu cam nên tránh các loại thuốc như aspirin, naproxen sodium, ibuprofen... bởi vì những loại thuốc này là những loại thuốc ức chế khả năng đông máu khiến chảy máu cam thêm nặng.
Trên đây là những giải đáp về tình trạng "sốt xuất huyết chảy máu cam có nguy hiểm không?". Có thể nói, nếu người bệnh sốt xuất huyết xuất hiện các triệu chứng chảy máu, nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, theo dõi chống sốc, dự trù tình huống chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam