30/30 quận huyện, thị xã đều có người mắc
BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, hiện số ca mắc sốt xuất huyết đã có mặt tại 30/30 quận, huyện, thị xã, xã phường và thị trấn. Trong đó một số quận huyện ghi nhận ca mắc cao gồm: Đống Đa, Thanh Oai, Thanh Trì, Đan Phượng…
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới, do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát sau 3 – 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).
Tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, số lượng cơn bão sẽ kéo dài trong tháng 10, 11, 12, do đó, bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ kéo dài theo và dịch bệnh không chỉ đỉnh dịch vào tháng 10, mà có thể vào giữa tháng 10, tháng 11.
Bên cạnh đó, địa bàn thành phố rộng, quá trình đô thị hóa, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, nhiều khu đất trống... Do đó, nếu người dân chủ quan, lơ là, không có ý thức thì dịch bệnh sẽ bùng phát, khi xuất hiện dịch khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh.
“Nếu như chúng ta hiểu rõ về dịch bệnh sốt xuất huyết và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh của cơ quan y tế thì người dân hoàn toàn có thể phòng chống được dịch bệnh sốt xuất huyết”, ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bởi theo ông, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
“Người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước, không có bọ gậy, không có muỗi thì không có sốt xuất huyết”, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, qua theo dõi, trên 80% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là thể nhẹ, nếu người bệnh mắc sốt xuất huyết hiểu về bệnh, được theo dõi và tư vấn đúng thì sẽ hạn chế được bệnh diễn biến nặng.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, một số hộ gia đình vẫn chưa chủ động dọn vệ sinh sạch sẽ, qua kiểm tra vẫn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy...
Đồng thời, vẫn còn tình trạng một số người dân chủ quan, lơ là, khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết không báo cho cơ quan y tế mà tự điều trị dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, lưu ý sốt xuất huyết có 4 giai đoạn với triệu chứng khác nhau:
Giai đoạn ủ bệnh sẽ kéo dài trung bình từ 3-7 ngày. Virus Dengue tùy theo từng cơ địa và khả năng miễn dịch của từng người mà nhân lên dần dần, đến khi đủ số lượng sẽ gây ra nhiều triệu chứng cụ thể.
Giai đoạn sốt kéo dài từ khoảng 2-7 ngày và bắt đầu triệu chứng sốt kèm nhức đầu, đau họng, buồn nôn, người mệt mỏi và đặc trưng là sốt cao 39-40 độ C.
“Giai đoạn nguy hiểm diễn ra sau thời kỳ sốt, từ ngày thứ 3 đến ngày 7 của bệnh. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng người bệnh thường chủ quan do tình trạng sốt đã giảm đáng kể”, bác sĩ Hằng cho hay.
Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu nhiều, bạch cầu, tiểu cầu giảm sâu, ảnh hưởng đến khả năng đề kháng. Các triệu chứng xuất huyết bắt đầu xuất hiện rõ rệt như nốt chảy máu lấm tấm dưới da, chảy máu cam... Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa...
Giai đoạn phục hồi là khi tiểu cầu tăng dần, nhịp tim và huyết động ổn định. Người bệnh đi tiểu nhiều, có cảm giác thèm ăn và khát nước.
Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết
PGĐ CDC Hà Nội nhấn mạnh, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động dọn sạch trong nhà mình, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh, nơi công cộng, đường làng ngõ xóm, không có dụng cụ chứa nước, không có ổ bọ gậy, không có muỗi, không có dịch bệnh sốt xuất huyết.
“Đơn giản, mỗi ngày, mỗi người chỉ cần bỏ ra 5-10 phút chủ động loại trừ ổ bọ gậy, cũng như tất cả dụng cụ trong nhà, các phế thải không dùng đến cần thu gom, tiêu hủy; dụng cụ dùng chứa nước cần cất không để nước ứ dọng; bể chứa nước cần có nắp đậy kín và thường xuyên thả cá vào bồn nước và các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy; phế thải ngoài vườn, nơi công cộng như lốp xe, vỏ hộp nhựa, túi bóng... cần thu gom xử lý triệt để”, ông Khổng Minh Tuấn hướng dẫn.
Hay như với những hộp nhựa, xốp đựng thức ăn rất nhiều trong xã hội hiện đại, ông Tuấn cho rằng những thứ này nếu không được thu gom, xử lý mà vứt bừa bãi, thì sau cơn mưa, nước mưa ứ đọng trong đó, muỗi đẻ trứng, xuất hiện bọ gậy, sẽ có nguy cơ xảy ra sốt xuất huyết...
Bên cạnh việc “loại trừ ổ bọ gậy” sẽ duy trì được bền vững phòng chống sốt xuất huyết, theo ông Tuấn, người dân cần phải ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Khi mắc bệnh, có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết cần thông báo ngay cho y tế cơ sở để cán bộ y tế nắm bắt được thông tin và có những tư vấn, hướng dẫn phòng và điều trị kịp thời...
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
Người bệnh cần thường xuyên đo nhiệt độ để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt. Khi sốt, bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, dễ mất nước.
Trẻ em mắc sốt xuất huyết cần bổ sung 1,5 lít nước trong ngày, với người lớn thì khoảng hai lít, có thể uống nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc nước cháo loãng với muối.
Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt. Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton. Nếu sốt trên 38,5 độ C phải uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi lần uống cách nhau 4-6 tiếng.
BS Hằng cũng lưu ý, tuyệt đối không cho người mắc sốt xuất huyết uống nước ngọt màu đỏ, vì gây nhầm lẫn với hiện tượng chảy máu dạ dày nếu bị nôn.
Người bệnh nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát, đồng thời tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.
Ngoài ra, bệnh nhân sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý đến việc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả khi ngừng sốt vẫn phải tái khám.
Trong trường hợp người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu như: vật vã, lừ đừ, li bì hoặc buồn nôn, đau bụng dữ dội, chảy máu mũi, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào, tay chân lạnh, khó thở, tiểu ít... cần nhập viện ngay.
Nguồn: Infonet