Mẹo

Loại thuốc người bệnh sốt xuất huyết nên tránh dùng

Tú Anh - 21/09/2022 09:23 GMT+7

Bệnh sốt xuất huyết đang là mối quan tâm của người dân trong nước.

Câu hỏi: Bố mẹ tôi vừa bị sốt xuất huyết khoảng một ngày nhưng không có triệu chứng. Hiện họ đang bị sốt nhẹ và đau mỏi người. Tôi nên sử dụng loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào cho bố mẹ?

Trả lời:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC):

Mọi người nên tìm hiểu kỹ về các triệu chứng, biến chứng khi bị nhiễm trùng sốt xuất huyết. Trong trường hợp một người nào đó trong gia đình bạn bị nhiễm bệnh, điều quan trọng là phải lưu ý các triệu chứng. Người bệnh cần có thời gian để nghỉ ngơi, luôn bổ sung nước và chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Các loại thuốc hỗ trợ như thuốc hạ sốt, giảm đau nhức cơ và đau khớp nên có sẵn trong nhà và sử dụng khi xuất hiện triệu chứng. Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng này là acetaminophen hoặc paracetamol.

Virus Dengue gây sốt xuất huyết ảnh hưởng đến các tiểu cầu chịu trách nhiệm đông máu (cầm máu) làm tăng xu hướng chảy máu ở người bệnh. Trong khi đó, các loại thuốc chống viêm không steroid NSAID như aspirin và ibuprofen cũng có tác dụng tương tự. Cả hai điều này kết hợp với nhau có thể khiến người bệnh chảy máu quá mức, dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết. Khi tình trạng này xảy ra, người bệnh cần nhập viện và điều trị y tế trong tình trạng khẩn cấp.

Tương tự, thuốc chống đông máu (hay thuốc làm loãng máu) cũng có thể có gây chảy máu với người bị sốt xuất huyết. Ngoài ra, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng sốt xuất huyết không biến chứng.

Sốt xuất huyết nặng là biến chứng có thể gây tử vong do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy giảm các cơ quan.

Các dấu hiệu cảnh báo trong giai đoạn này bao gồm: Đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, thở nhanh, chảy máu lợi hoặc mũi, mệt mỏi, bồn chồn, gan to và có máu trong chất nôn hoặc phân.