Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tại TP Hồ Chí Minh vừa cứu sống nhiều trẻ thừa cân béo phì mắc sốt xuất huyết trở nặng. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì mắc sốt xuất huyết trở nặng, phải thở máy chiếm tỷ lệ cao trong số các trẻ mắc sốt xuất huyết.
Bé gái mới 7 tuổi nhưng đã nặng 56kg, gấp đôi so với thông thường, bé mắc sốt xuất huyết và nhanh chóng rơi vào sốc trở nặng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, trong số trẻ mắc sốt xuất huyết nặng có tới 80 - 90% là thừa cân béo phì, vì thế, các bác sĩ lưu ý quý phụ huynh cần hết sức lưu ý trong giai đoạn hiện nay.
Khoa hồi sức cấp cứu hiện có 4 trẻ mắc sốt xuất huyết nặng thì cả 4 trẻ đều là thừa cân béo phì. Nhiều trẻ phải thở máy. Điều này là sự khác biệt so với mọi năm khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.
Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì dễ chuyển sốc cao hơn trẻ thông thường, chiếm tỷ lệ 15%.
Các bác sĩ khuyến cáo, dịch sốt xuất huyết đang nóng, số ca mắc mới, trở nặng và tử vong tăng rất cao so với các năm trước, do đó, các gia đình cần tích cực phòng bệnh và cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm để trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì?
Bổ sung nhiều nước
Người bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng điển hình là sốt cao kèm mất nước nên việc bù nước là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, người thân nên cho người bệnh uống thêm các loại nước trái cây, nước ép như nước cam, canh, nước ép bưởi, nước dừa vì các loại quả này có chứa nhiều vitamin C và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng, giúp cho thành mạch máu khỏe hơn; và từ đó tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm.
Ăn cháo loãng, súp
Cảm giác chán ăn, miệng đắng khi bị sốt là dấu hiệu dễ thấy nhất, gây khó chịu cho người mắc bệnh, đặc biệt là trẻ con. Lời khuyên tốt nhất dành cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là nên ăn thức ăn các loại cháo loãng, soup để dễ hấp thu và có nhiều dưỡng chất.
Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết mà đang trong giai đoạn bú mẹ, người mẹ cần cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Khi cho trẻ ăn, bé nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống thêm nước, không nên cho trẻ ăn dồn dập.
Cho trẻ ăn bù sau khỏi bệnh
Khi trẻ đã hết sốt và khỏi bệnh thì bố mẹ nên cho trẻ ăn uống bình thường và nên cho ăn bù để bổ sung chất dinh dưỡng trong thời gian bé bị ốm và hạn chế tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng sau này.
Do ốm nên khẩu vi của bé thay đổi, bố mẹ cần kiên trì nấu các món ăn để bé ăn thấy ngon miệng và ưu tiên các món ăn giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất và các loại hoa quả giàu vitamin như cam, quýt ...
Nước ép từ các loại rau
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên bổ sung thêm các loại nước ép rau quả tươi như cà rốt, dưa chuột và các loại rau lá để tăng cường khả năng miễn dịch, giảm đau cho người bệnh nhờ các loại có chứa vitamin và khoáng chất cần thiết.
Bài viết tham khảo: Bộ y tế, VTV