Mẹo

Top món ăn ngon Tây Bắc nao nức lòng du khách không thể bỏ qua

Linh An - 10/02/2022 14:44 GMT+7

Phong vị ẩm thực nơi đây với top món ăn ngon Tây Bắc nức tiếng gần xa cũng là một điểm thu hút không ít khách du lịch tới tham quan. Cùng hòa mình vào thiên đường đặc sản nơi núi cao tổ quốc ngay bây giờ.

Những món ăn ngon Tây Bắc không thể bỏ qua

1. Thịt trâu, thịt lợn gác bếp

Đặc sản thịt trâu, thịt lợn gác bếp từ lâu đã là một món ăn nổi tiếng của vùng Tây Bắc. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này tại rất nhiều tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Tuy nhiên nhiều người vẫn thích hương vị của thịt gác bếp được đồng bào dân tộc làm ra tại Điện Biên hơn cả.

mon-an-ngon-tay-bac
Thịt trâu, thịt lợn gác bếp là đặc sản nổi tiếng - Ảnh: Vietsense Travel

Để làm ra được món thịt gác bếp ngon, chất lượng nhất, người dân chọn lựa kỹ lấy phần thịt ở vai, nạc lưng của trâu, lợn rồi đem rửa sạch, sau đó cẩn thận để lọc bỏ hết gân ở thịt thì miếng thịt gác bếp thành phẩm khi ăn mới không bị dai, khó nuốt. Công đoạn tẩm ướp gia vị chính là bước quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng cho món thịt trâu, thịt lợn gác bếp nơi đây. Miếng thịt được thái dọc thớ, sau đó được ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát (một loại gia vị riêng của Tây Bắc) và để yên khoảng 2 - 3 tiếng.

mon-an-ngon-tay-bac
Những miếng thịt được thái dọc thớ rồi đem tẩm ướp - Ảnh: Măng Rừng

Sau đó lấy que xiên và để sấy trên than củi, cần chú ý để thịt vừa chín tới, có độ săn mà không quá khô sẽ làm mất đi vị ngọt của thịt. Miếng thịt là sự hòa quyện giữa hương khói bếp thoang thoảng, vị cay thơm nồng của mắc khén, ớt gừng cùng cái dai dai, đậm vị của thịt trâu, thịt lợn. Trong cái tiết trời lạnh giá của mùa đông này mà được thưởng thức món thịt gác bếp nhấm nháp cùng rượu ngô thơm ngọt thì còn gì bằng.

2. Thắng cố

Thắng cố cũng là một món ăn nổi tiếng mỗi khi nhắc tới đặc sản của vùng Tây Bắc. Đây là món ăn của người H’mông, sau đó thì được du nhập sang đến dân tộc Kinh, Dao, Tày. Từ “thắng cố” là biến âm từ “thoảng cố” theo tiếng của người Mông nghĩa là “nồi nước”. Đây là từ chỉ chính xác cách thức nấu của món ăn này, tất cả nguyên liệu đều được cho vào một nồi nước hay chảo to để đun sôi lên.

mon-an-ngon-tay-bac
Thắng cố ban đầu là món ăn của người H’mông - Ảnh: Flynow

Thịt nấu thắng cố ban đầu theo truyền thống chỉ sử dụng thịt ngựa nhưng hiện nay thì người ta cho thêm cả thịt bò, thịt trâu và thịt lợn, đồng thời cho cả lục phủ ngũ tạng của chúng như lòng, tim, gan, tiết,...cùng xương để ninh cho thêm ngọt nước. Tất cả được rửa sạch, luộc cho chín kỹ và ướp với các gia vị như muối, thảo quả, quế chi, hoa hồi, sả, địa liền, hạt dổi, gừng,...Sau đó, chúng được cho vào một cái chảo to sâu lòng, ninh thật nhừ trong hàng tiếng đồng hồ.

mon-an-ngon-tay-bac
Tất cả nguyên liệu được cho vào chảo to ninh nhừ - Ảnh: Wikipedia

Một số người khi mới ăn thì có thể chưa quen với cái mùi vị của thắng cố nhưng một khi nếm thử thì có thể sẽ bị chinh phục ngay bởi cái vị ngọt mềm, thịt thơm ngon, dai dai nhưng không hề bị ngấy. Vào mùa đông mà cầm trên tay một bát thắng cố nóng hôi hổi, sóng sánh nước và thưởng thêm một chén rượu ngô đượm chút cay tê đầu lưỡi thấy ấm nóng cả người.

3. Pa Pỉnh Tộp

Pa Pỉnh Tộp hay còn gọi là cá suối nướng, là món ăn dân dã nhưng hương vị cũng không kém phần độc đáo của người Thái, người Mường. Tuy phương pháp nấu chỉ đơn giản là đặt lên thanh tre và nướng trên lửa than cho đến khi chín tới nhưng thứ tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn khiến nhiều người nhớ mãi không quên này chính là ở công đoạn chọn nguyên liệu và tẩm ướp.

mon-an-ngon-tay-bac
Món Pa Pỉnh Tộp - Ảnh: Internet

Cá được chọn thường là những con cá bản to như cá chép, cá trôi, cá trắm,..., có trọng lượng vừa phải từ 1kg - 1,5kg. Để chế biến Pa Pỉnh Tộp thì ta cần loại bỏ hết vảy cá, mổ dọc theo sống lưng đảm bảo được tính thẩm mỹ và bỏ hết ruột, rửa sạch rồi để cho ráo nước. Sau đó, khía những đường song song dọc theo mình cá và bắt đầu tẩm ướp gia vị: Gừng, sả, ớt tươi nướng nghiền nát, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng băm nhỏ và chắc chắn không thể thiếu gia vị đặc trưng Tây Bắc - mắc khén.

mon-an-ngon-tay-bac
Những con cá bản to được chọn để làm Pa Pỉnh Tộp - Ảnh: Wikipedia

Gia vị không chỉ được xoa khắp mình cá mà còn được nhồi vào trong bụng để thịt cá thấm đẫm mùi vị và dậy nên hương thơm nao nức lòng người. Khi ướp được một lúc thì người ta mới đem cá kẹp vào những thanh tre và nướng trên than hồng đến khi chín đều. Khi ăn một miếng Pa Pỉnh Tộp cảm nhận ngay cái vị ngọt béo của cá hòa quyện với các vị chua, ngọt, cay nồng từ các gia vị tan trên đầu lưỡi, hương thơm dậy mùi rất riêng khiến du khách nhớ mãi không quên.

4. Sâu chít Điện Biên

Nghe tới sâu thì có thể nhiều người sẽ cảm thấy sợ hãi nhưng loại sâu chít này lại cực kỳ có lợi cho sức khỏe và được nhiều người ưa chuộng để bồi bổ cho cơ thể. Sâu chít là đặc sản chỉ riêng Tây Bắc mới có, loại sâu này chỉ được tìm thấy ở trong thân cây chít (một loại cây thường mọc hoang). Tuy nhiên không phải cây nào cũng có sâu mà chỉ những cây nào quan sát thấy không ra hoa, bị héo úa, có mùn đùn ra từ thân cây thì cây đó mới có sâu bên trong.

mon-an-ngon-tay-bac
Sâu chít - Ảnh: Cây thuốc.org

Khi chẻ đôi cây chít dọc theo thân thì sâu chít sẽ lộ ra, những con sâu có màu vàng óng đẹp mắt, béo tròn núng nính nếu muốn ngâm rượu thì sẽ được thả trực tiếp vào bình rượu luôn mà không cần trải qua thêm bước ngâm tẩm gì và cũng không cần ngâm thêm thảo dược nào để tránh làm giảm tác dụng của rượu sâu chít. Hương vị của rượu này trái với suy nghĩ của nhiều người rằng sẽ khó uống mà ngược lại thì nó rất thơm, có vị ngọt dịu. Ngoài ra sâu chít còn có thể dùng để chế biến ra thành các món ngon như nấu cháo ăn bồi bổ cơ thể hiệu quả.

mon-an-ngon-tay-bac
Sâu chít ngâm rượu - Ảnh: Rượu làng Vọc

Một số công dụng của loại sâu này đối với sức khỏe con người đã được nghiên cứu ra có thể kể đến như: Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, tăng cường tiêu hóa, bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý ở cả nam giới và nữ giới,...

5. Lợn cắp nách

Lợn cắp nách là một giống lợn lai giữa lợn rừng và lợn Mường, còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như lợn lửng, lợn ri,...Sở dĩ nó có cái tên đặc biệt như vậy là bởi chúng có kích thước nhỏ bé, chỉ nặng khoảng 10 - 20kg, người dân tại các vùng cao có thể dễ dàng cho vào gùi, xách tay hay thuận tiện hơn là cắp ngay vào nách đem ra chợ bán. Lợn cắp nách thường được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên ở ven rừng, chính vì vậy mà thịt của chúng rất chắc, bì dày lại ít mỡ nên ăn cực kỳ ngon miệng.

mon-an-ngon-tay-bac
Lợn cắp nách được chăn thả tự nhiên ven rừng - Ảnh: Kenh14

Lợn cắp nách ngon nhất là khi nuôi được 10 tháng, khi ấy thịt đạt độ ngọt, thơm, khi ăn da giòn nhai sần sật thích mê. Thường thì trước khi được đem đi lọc thịt để chế biến món ăn thì chúng sẽ được làm sạch, mổ moi và mang đi thui bằng rơm hoặc bã mía cho thơm để bì có màu vàng ruộm đẹp mắt mà thịt cũng săn lại hơn.

mon-an-ngon-tay-bac
Vị thịt lợn cắp nách ngọt thơm, da giòn sần sật - Ảnh: Du lịch Phú Quốc Kiên Giang

Giống lợn này có thể được chế biến ra nhiều món đa dạng, cùng với cách tẩm ướp với các gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc tạo ra hương vị khó quên với những ai đã một lần nếm thử, ví dụ như thịt ba chỉ, thịt mông dùng để hấp, thịt từ vai trở lên dùng vào món nướng, thịt thủ nấu giả cầy,...Ngon nhất chính là món lợn cắp nách quay nguyên con, lớp bì lợn giòn tan, bên trong thịt lại nạc mềm xen lẫn lớp mỡ mỏng, nóng hôi hổi ngọt thơm vị thịt.

mon-an-ngon-tay-bac
Lợn cắp nách quay - Ảnh: PasGo

Trên đây là top món ăn ngon Tây Bắc cùng những đặc sản có một không hai, những hương vị đặc biệt khiến các du khách phải lưu luyến muốn ăn mãi không thôi. Nếu có dịp đến thăm mảnh đất với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng nơi vùng cao này thì đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ăn ngon Tây Bắc nức tiếng gần xa này nhé.

>> Độc đáo những món ăn vặt từ bánh tráng làm say lòng giới trẻ

>> Kinh nghiệm ăn buffet không bao giờ sợ lỗ