Mẹo

Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà giúp bà con nông dân hốt bạc triệu

Linh An - 19/01/2022 11:44 GMT+7

Chỉ cần với một số vốn không quá lớn cùng với các kỹ thuật chăm sóc lươn đúng cách là đã có thể đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi rồi. Cùng Sao Daily tìm hiểu các điều cần lưu ý trong kỹ thuật nuôi lươn nhé!

Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà

1. Kỹ thuật xây bồn nuôi lươn

Việc đầu tiên khi bà con muốn nuôi lươn là phải nghiên cứu địa điểm nuôi. Thông thường lươn sẽ được nuôi trong bồn và có 2 hình thức là bồn có bùn và bồn không bùn. Sau đây, bà con hãy theo dõi kỹ thuật xây bồn để cho lươn sinh sống theo 2 hình thức trên đây nhé.

1.1. Xây bồn có bùn

Lươn là một loài động vật máu lạnh nên khi xây dựng bồn nuôi, bà con cần phải lựa chọn khu đất cao ráo, kín gió và có thể cung cấp được nguồn nước với chất lượng tốt. Với việc xây bồn nuôi này thì không đòi hỏi chi phí quá cao, bà con chỉ cần xây dựng bồn nuôi với diện tích khoảng từ 10 - 30m², chiều cao mỗi bồn từ 1 - 1,3m và phủ bên trên các lớp nilon không thấm nước là đã có một chiếc bồn nuôi rồi.

ky-thuat-nuoi-luon
Bồn nuôi lươn. Nguồn: Internet

Sau khi xây dựng được bồn nuôi cơ bản xong, bà con hãy đổ đất vào trong bùn. Hãy lưu ý rằng lượng đất phải chiếm khoảng từ 1/2 - 2/3 diện tích bể để lươn có đủ diện tích cư trú trong đó. Tiếp theo, bà con hãy đổ nước có chiều sâu khoảng 20 - 30cm, bà con không nên để nước quá sâu nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lươn. Ngoài ra, vì lươn là một loài động vật ưa bóng tối nên bà con có thể thả thêm một chút bèo lục bình xuống bể nuôi hoặc trồng các cây xung quanh để tạo bóng râm cho lươn phát triển.

ky-thuat-nuoi-luon
Thả thêm bèo lục bình xuống bể nuôi lươn. Nguồn: Internet

1.2. Xây bồn không bùn

Với xây bồn không bùn, chúng ta sẽ mất công hơn so với bồn có bùn. Bà con phải xây bể xi măng bên trong ốp gạch men hoặc lót bạt (để tránh lươn bị trầy xát) hay để tiết kiệm chi phí hơn bà con có thể đóng cọc tre xung quanh rồi lót bạt phía dưới để tạo thành bể nuôi. Bể nuôi nên được thiết kế hình chữ nhật, diện tích khoảng từ 6 - 20m², chiều cao khoảng 0,7 - 1m, trên bờ tường viền các gờ bằng gạch tàu để đề phòng lươn thoát ra ngoài.

ky-thuat-nuoi-luon
Xây dựng bể nuôi không bùn. Nguồn: Internet

Bồn nuôi nên được chọn ở nơi yên tĩnh, có bóng mát, hạn chế bể nuôi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm tăng nhiệt độ nước, gây ảnh hưởng không tốt đến lươn. Hệ thống cung cấp và thoát nước phải hoạt động tốt. Và để nâng cao chất lượng bồn nuôi, bà con nên làm mái che hoặc trồng giàn cây ở trên để che nắng mưa cho lươn, đảm bảo điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho lươn.

Bà con lưu ý rằng bể lươn phải được làm dốc về phía cống thoát nước, tránh ứ đọng nước quá nhiều trong bể cũng như dễ dàng đưa thức ăn thừa và chất bài tiết của lươn ra bên ngoài hơn. Cống thoát nước phải được làm bằng ống nhựa chắc chắn có kích thước nhỏ hơn của lươn hoặc phải được bọc lưới chắn lại để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước. Hệ thống cấp nước nên được để sát đáy bể và đối diện cống thoát nước để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát.

Về giá thể cho lươn cư trú thì gồm 3 khung tre/gỗ đặt chồng lên nhau, chiếm khoảng 1/3 diện tích bể, gồm các thanh tre/gỗ được đóng song song cách nhau 10cm. Khung trên cùng của giá thể được được đan thêm các dây nilon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn. Và nếu là bể mới xây, giá thể phải được ngâm trước ít nhất 1 tuần và phải thay nước trong bể hằng ngày.

ky-thuat-nuoi-luon
Giá thể nuôi lươn. Nguồn: Internet

2. Kỹ thuật chọn lươn giống

Công đoạn tiếp theo trong kỹ thuật nuôi lươn là bà con phải chọn được con giống tốt. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con các tiêu chí để đánh giá thế nào là một giống lươn đạt chất lượng nhé.

ky-thuat-nuoi-luon
Kỹ thuật chọn giống lươn. Nguồn: Internet

Về cơ bản, lươn có 3 loại được phân chia theo màu sắc:

- Loại thứ 1, đặc trưng bởi màu vàng sẫm có khả năng sinh trưởng tốt nhất.

- Loại thứ 2, đặc trưng là màu vàng xanh sẽ cho chất lượng kém hơn.

- Loại thứ 3, lươn có màu xám tro có chất lượng kém nhất.

Vì vậy khi đi chọn mua con giống, bà con nên chọn giống lươn có màu vàng sẫm để nâng cao chất lượng con giống, giúp đạt hiệu quả chăn nuôi cao hơn.

Ngoài ra, khi chọn lươn, bà con cũng cần chú ý đến kích cỡ của lươn con để có thể thả nuôi được tốt nhất. Khối lượng phù hợp sẽ là từ 40 - 60 con/kg, kích thước lươn phải đồng đều với nhau và tất cả phải khỏe mạnh. Bà con nên thả nuôi lươn với mật độ từ 60 - 80 con/m² là tốt cho sự sinh trưởng của lươn nhất.

3. Kỹ thuật cho lươn ăn

Đây là một bước rất quan trọng, quyết định đến chất lượng phát triển của lươn. Vì vậy bà con cần hết sức chú ý.

3.1. Thức ăn nuôi lươn

Về thức ăn cho lươn thì có 2 dạng chính là thức ăn tự nhiên và thức ăn công nghiệp.

- Thức ăn tự nhiên cho lươn thì bà con có thể áp dụng các loại thức ăn mà lươn yêu thích như giun đất, giun quế, ngao, sò, ốc, hến,...và các loại cá tạp khác.

ky-thuat-nuoi-luon
Thức ăn tự nhiên của lươn. Nguồn: Internet

Theo nhiều chia sẻ cho rằng, giun đất là loại thức ăn giúp lươn tăng trọng rất nhanh. Thường thì cứ 4 - 6kg giun quế sẽ giúp tăng 1kg lươn. Vì vậy, bà con có thể tự nuôi lấy giun quế để tiết kiệm chi phí hoặc đến các trang trại nuôi giun quế để mua về làm thức ăn cho lươn. Đây là một loại thức ăn an toàn, chi phí rẻ mà hiệu quả lại cao, bà con nên áp dụng theo nhé.

- Thức ăn công nghiệp của lươn: hiện nay trên thị trường thì chưa có một loại thức ăn nào chuyên dụng dành cho lươn cả. Nhưng vì do nhu cầu của người nuôi quá cao nên mọi người thường dùng thức ăn công nghiệp của cá da trơn để thay thế. Nếu không bà con có thể dùng thức ăn của các loại cá khác cũng được, nhưng hãy chọn loại thức ăn có độ đạm từ 30 - 35%. Đây là mức độ đạm phù hợp với sự phát triển của lươn nhất.

ky-thuat-nuoi-luon
Thức ăn công nghiệp cho lươn. Nguồn: Internet

3.2. Cách cho lươn ăn hiệu quả

Để đạt được hiệu quả cao nhất, bà con nên cho lươn ăn đủ dinh dưỡng, đủ liều lượng, đúng thời điểm và đúng vị trí.

- Đủ liều lượng: Bà con nên cân đếm lượng thức ăn vừa đủ dựa trên số lượng lươn. Bà con không nên cho lươn ăn quá nhiều thức ăn, như vậy thức ăn dư thừa sẽ làm bẩn nước, gây tắc nghẽn cống thoát nước.

- Đủ dinh dưỡng: Về thức ăn cho lươn, bà con nên ưu tiên dùng thức ăn tự nhiên, tươi sống, xay nhuyễn để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho lươn nhất. Thức ăn công nghiệp chỉ là phụ, bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng thôi, bạn không nên phụ thuộc hoàn toàn vào nó.

- Đúng thời điểm: Thời điểm cho lươn ăn tốt nhất là vào 4 - 6h sáng. Sau 2 tuần nuôi thì bà con có thể cho ăn thêm vào ban ngày nhưng với liều lượng ít hơn. Vào giữa hoặc cuối năm thì lươn thường ăn nhiều hơn, vì vậy tần suất cho lươn ăn cũng phải được tăng lên.

- Đúng vị trí: Lươn có đặc tính là nhớ vị trí chỗ kiếm ăn, khi tới giờ ăn chúng sẽ tự động tập trung vào chỗ kiếm ăn quen thuộc. Vì vậy bà con nên cho lươn ăn một chỗ cố định để dễ kiểm soát đàn lươn hơn.

ky-thuat-nuoi-luon
Cách cho lươn ăn hiệu quả. Nguồn: Internet

4. Kỹ thuật vệ sinh bồn

Với lươn mới thả, bạn nên thay nước 7 ngày 1 lần. Sau đó, khi lươn đã nuôi được 2 tháng thì bà con phải thay nước 4 ngày 1 lần. Nếu không làm như vậy, nước trong bể sẽ bị bẩn, lươn sẽ bị chết hoặc mắc một số bệnh như lở loét, nhiễm trùng,...gây thiệt hại cho người nuôi.

ky-thuat-nuoi-luon
Thường xuyên vệ sinh bồn nuôi lươn. Nguồn: Internet

Người nuôi cần chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ trong bể nước (không quá 30 độ C) khi thay nước hoặc sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Bà con nên thường xuyên tắm muối, bổ sung thêm vitamin C chống sốc cho lươn khi thay nước trong bể nhé.

Trên đây là một số kỹ thuật nuôi lươn giúp lươn có thể phát triển một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Chỉ cần bà con quyết tâm, chăm chỉ chăm sóc đàn lươn, chắc chắn nó sẽ mang lại một kết quả xứng đáng, không phụ công nuôi thả.  Chúc bà con sẽ thành công với những kỹ thuật trên nhé!

>> Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cảnh từ A đến Z cho người mới bắt đầu

>> Hướng dẫn cách trồng rau thủy canh trồng ống nhựa tại nhà