Kinh nghiệm nuôi cá cảnh từ A đến Z
Muốn nuôi được cá cảnh, bạn cần phải nắm trong tay đầy đủ những kiến thức cơ bản về cách lựa chọn và chăm sóc chúng. Cùng Sao Daily tìm hiểu kinh nghiệm nuôi cá cảnh từ A đến Z, phù hợp cho người mới bắt đầu.
1. Chọn loại cá cảnh muốn nuôi
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại cá cảnh khác nhau. Tùy theo từng loại sẽ có kích thước, giá tiền cũng như cách chăm sóc khác nhau. Nếu như đã xác định được loại cá cảnh muốn nuôi, bạn cần phải tìm hiểu một số đặc tính của giống loài ấy:
- Tìm hiểu tập tính, đặc điểm của loại cá muốn nuôi để xem mình có thích hợp và đủ thời gian để có thể chăm sóc chúng hay không. Có những loại cá rất dễ nuôi như cá vàng, nhưng cũng có những loại đòi hỏi sự chăm sóc kỹ lưỡng ví dụ như cá rồng.
- Nếu bạn muốn nuôi nhiều loại cá khác nhau trong cùng một bể thì cần tìm hiểu để chọn được các loài có thể chung sống được với nhau, tránh để xảy ra việc cá lớn nuốt cá bé.
- Nếu bạn định trồng cây thủy sinh để bể cá thêm sống động thì không nên nuôi các loại cá cảnh ăn thực vật. Điều này sẽ khiến bể cá mất đi vẻ đẹp của nó.
- Có những loại cá có thể nuôi riêng lẻ từng con nhưng có loại phải nuôi theo từng đôi, theo bầy đàn với số lượng lớn.
- Đặc biệt với những người nuôi cá theo phong thủy thì cần tìm hiểu thêm về màu sắc cá hợp với từng hướng nào theo cách đặt bể cá.
2. Kinh nghiệm nuôi cá cảnh - Chọn bể cá phù hợp
Sau khi đã chọn được loại cá cảnh muốn nuôi, bước tiếp theo bạn cần tìm mua được bể có có kích thước phù hợp với không gian ngôi nhà cũng như kích thước, hình dạng của cá.
Bạn có thể chọn mua những bể cá bán sẵn hoặc đặt làm theo ý muốn của mình. Hiện bể cá thường có 3 kích cỡ phổ biến là: Bể 60cm (60×30×30cm) thích hợp để nuôi các loại cá nhỏ như cá thủy sinh; bể 90cm (90×45×45cm) thích hợp với các loại cá có chiều dài trung bình như cá tài phát, hồng két,...; bể 120cm (120×45×45cm) tương thích với những loại cá lớn như cá rồng, cá mỏ vịt,...
Tùy thuộc vào vị trí bạn muốn đặt bể cá để căn cứ vào đó chọn được loại bể có hình dáng phù hợp. Bạn cần chú ý thêm tới số lượng cá muốn nuôi, tránh việc đặt bể bé mà số lượng cá nhiều sẽ dẫn tới việc cá bị thiếu oxy. Ngoài ra theo kinh nghiệm làm bể cá cảnh thì tùy thuộc vào đó là cá nước ngọt hay nước mặn, cây thủy sinh muốn trồng trong bể cũng có cách chọn bể khác nhau.
3. Nước nuôi cá cảnh
Môi trường nước là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc cá cảnh có thể phát triển khỏe mạnh hay không. Nguồn nước nuôi cá phải là nước sạch, đảm bảo an toàn, trong nước không được chứa các tạp chất hay các hóa chất độc hại.
Nguồn nước dùng để nuôi cá hiện nay đa phần là được lấy từ nước máy. Tuy nhiên trong nước máy có chứa nhiều chất sát khuẩn, đặc biệt là chất clo có thể gây hại cho cá, 95% nguyên nhân cá chết thường đến từ việc bị nhiễm clo có trong nước. Vì thế, cần xử lý hết clo rồi mới dùng nước để nuôi cá:
- Lấy lượng nước vừa đủ với bể cá vào chậu hay bồn lớn, không đậy nắp, đặt chậu ở nơi khô ráo, thoáng mát và để trong vòng hơn 24 tiếng để nước tự bốc hơi hết clo.
- Nếu bạn không có thời gian thì có thể mua dung dịch khử clo có bán tại các cửa hàng cá cảnh, chỉ cần nhỏ khoảng 5 giọt cho 20 lít nước, đợi sau 5 phút là có thể sử dụng nước cho bể cá ngay. Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng cách này.
Nếu bạn muốn dùng nước giếng thì trước hết cần làm sạch phèn bằng cách sử dụng than hoạt tính để lọc. Bên cạnh đó bạn dùng thêm sủi oxy để tăng nồng độ pH cho nước.
Bạn cần chú ý độ pH thích hợp cho từng loại cá như sau: Đối với cá cảnh nước ngọt thì pH thích hợp là từ 6,5 – 8; đối với cá cảnh biển là từ 8,1 – 8,3.
4. Ánh sáng, nhiệt độ và oxy trong bể cá
- Ánh sáng:
+ Đặt bể cá ở nơi thoáng mát, rộng rãi nếu như bể là cố định. Với những bể cá để bàn thì để ở nơi rộng thoáng nhưng tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Thiếu ánh sáng, ở nơi bí bách lâu ngày có thể làm cá bị bệnh nhưng bị ánh sáng quá mạnh chiếu vào hay chịu tác động gió, mưa,...thì cũng ảnh hưởng không tốt đến cá.
+ Có thể sử dụng đèn chiếu sáng cho cá 8 tiếng vào ban ngày, 4 tiếng thì bạn lại tắt đi 1 lần khoảng 30 phút. Vào buổi tối thì bạn tắt đèn đi để cá có thể nghỉ ngơi.
- Nhiệt độ:
+ Cá cảnh ưa thích sống ở trong nước có độ ấm vừa phải, bạn nên duy trì nhiệt độ nước ở mức 26 - 28 độ C để cá có điều kiện sống tốt nhất. Nếu chênh lệch vài độ thì cũng không sao.
+ Đặc biệt với những người nuôi cá cảnh ở miền Nam thì không cần quá để tâm đến nhiệt độ nước, tuy nhiên với những người ở miền Bắc có mùa đông lạnh thì cần chú ý đến việc giữ nước ấm. Bạn sử dụng máy sưởi cho bể cá và theo dõi nhiệt độ nước qua nhiệt kế để có những điều chỉnh kịp thời.
- Oxy:
+ Cần bật máy lọc oxy cho bể cá 24/24, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng khí trong lành cho cá.
+ Nếu bể cá nhà bạn có kích cỡ lớn hơn 60cm thì bạn nên đầu tư thêm một máy lọc nước để có hiệu quả lọc tốt hơn. Đặc biệt với những bể cá lớn, từ 200cm trở lên thì nên lắp bộ lọc tràn.
5. Chế độ thức ăn
Tập tính của cá là thấy mồi là đớp, thế nên cho dù nó đã no nhưng khi thấy thức ăn vẫn sẽ bơi lên để tranh đồ. Điều này khiến nhiều người hiểu lầm là cá vẫn còn đói nên tiếp tục cho ăn, việc này có thể dẫn tới cá bị bội thực quá mà chết.
Theo những chia sẻ về cách chăm sóc cá cảnh, tốt nhất bạn chỉ nên cho cá ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Nếu bạn có việc mà lỡ quên cho cá ăn 1, 2 ngày thì nó cũng vẫn chưa chết. Cần cho liều lượng thức ăn vừa đủ, không quà nhiều cũng không quá ít để tránh gây ảnh hưởng.
Ngày đầu tiên bạn mua cá về chưa cần cho cá ăn vội mà bắt đầu từ hôm sau mới cho ăn. Tùy theo loại cá bạn nuôi mà có thể chọn nhiều loại thức ăn cho nó: Thức ăn khô (đóng gói), thức ăn tươi sống như ấu trùng, sâu, thịt gà, thịt bò,...
Cá có thể để thừa thức ăn, lắng xuống đáy bể, đặc biệt việc sử dụng thức ăn tươi sống có thể gây ô nhiễm nước, ảnh hưởng tới không gian sống và là một trong những nguyên nhân khiến cá bị bệnh. Vì thế bạn cần vệ sinh bể cá và thay nước thường xuyên.
6. Cách thay nước bể cá
Khi thay nước cho bể cá, để tránh việc làm cá sốc nhiệt cũng như do chênh lệch độ pH thì nước ở trong bể cá và nước bên ngoài khi thả cá vào tạm phải tương đương nhau.
Sau khi đã vớt hết cá ra, bạn sử dụng ống nhựa xiphong hoặc ống bơm nước nhựa bằng tay (có thể tìm mua ở các cửa hàng bán cá cảnh) để hút thức ăn dư thừa và các chất thải, cặn bã ở dưới đáy hồ, sau đó mới đổ nước mới vào.
Trong quá trình thay nước thì bạn cũng lưu ý, không nên hút hết sạch nước cũ ra mà ta chỉ nên hút khoảng 30 - 50% lượng nước cũ, để lại một ít và cho nước mới vào. Việc làm này nhằm tránh trường hợp cá bị thay đổi đột ngột mà sốc nước, thậm chí là stress dẫn tới bỏ ăn mà chết.
7. Cách thả cá vào bể
Như đã nói ở trên, cá có thể bị sốc nước khi gặp phải sự thay đổi hay chênh lệch về môi trường nước đột ngột. Vì thế, khi mua cá về, bạn không nên thả ngay cá vào bể mà nên ngâm cả túi đựng cá vào trong bể từ 15 - 20 phút, sau đó bạn mở miệng túi ra và múc nước từ trong bể đổ vào túi cá để cá có sự thích nghi dần.
Sau đó mở rộng miệng túi, từ từ hạ túi vào trong bể, để cá dễ dàng tự bơi ra hoặc bạn nhẹ nhàng cầm đáy túi kéo lên, tránh để cá giật mình. Tuyệt đối không đổ ào cá vào trong bể nếu bạn không muốn nhìn thấy cá “phơi bụng” mấy ngày sau.
Với những kinh nghiệm nuôi cá cảnh được chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đã biết thêm những kiến thức về cách nuôi, chăm sóc những chú cá cưng của mình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.
>> Phương pháp trồng rau thủy canh trong thùng xốp đơn giản mà cực kỳ hiệu quả
>> Từ vụ chó Pitbull cắn chết người: Những kinh nghiệm cần biết để nuôi giống chó này