1. Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp chiết cành
Bất kì một phương pháp nhân giống nào cũng sẽ đều có những ưu điểm và hạn chế. Bạn hãy tìm hiểu thật kỹ lưỡng để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất nhé.
- Ưu điểm: Phương pháp này giúp giữ được đặc tính của cây mẹ. Hơn hết nó còn rất dễ làm, đơn giản và tỉ lệ thành công cao. Đặc biệt, nếu chiết cành cây trồng sẽ mau ra hoa hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng.
- Nhược điểm: Hệ số nhân giống của phương pháp này không cao, tuổi thọ của cây ghép cũng không dài. Ngoài ra, phương pháp này còn ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của cây mẹ.
2. Quy trình kỹ thuật chiết cành bằng bầu đất
2.1. Đối tượng chiết và dụng cụ cần thiết
- Thông thường phương pháp này được sử dụng để nhân giống các loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi,...nhưng trừ một số cây khó ra rễ ra thì không nên sử dụng phương pháp này.
- Dụng cụ chiết: Chúng ta cần một số dụng cụ cần thiết như sau:
2.2. Chọn cây và cành chiết
- Về vấn đề chọn cây: bạn nên chọn những cây đã ra quả được từ 3 - 5 năm, chọn những cây có năng suất cao, ổn định và có chất lượng tốt, cây mẹ phải sinh trưởng tốt và không có sâu bệnh.
- Chọn cành chiết: bạn không nên chọn cành già, các cành ở thấp, cành mọc trên ngọn, cành bị sâu bệnh hoặc cành vượt. Bạn tốt nhất nên chọn cành ở giữa tầng tán phơi ra ngoài ánh nắng, cành mập, đường kính từ 1 - 1,5cm, vỏ cây màu không quá xanh mà cũng không quá thẫm. Tốt nhất thì bạn nên chọn những cành bánh tẻ để chiết. Chiều dài cành cây từ 40 - 60cm và nên có 2 nhánh cây trở lên. Trong phương pháp này, cành nhỏ thì sẽ dễ ra rễ hơn, sinh trưởng tốt hơn so với cành to. Nhưng nếu sử dụng cành quá nhỏ thì cành cũng sẽ dễ bị gãy, không mang nổi bầu chiết.
2.3. Thời vụ chiết
Thời gian chiết cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chuyện thành bại của quá trình chiết. Vì vậy các bạn phải đặc biệt chú ý nhé. Chúng ta sẽ chia thời gian chiết thành 2 vụ chính:
- Vụ xuân hè: chiết vào tháng 3 và tháng tư
- Vụ thu đông: chiết vào tháng 9
Trước khi chiết bạn cần chăm sóc cây mẹ từ 1 - 2 tháng để đảm bảo cây mẹ sinh trưởng khỏe mạnh, nhựa trong cây lưu thông tốt, như vậy cành chiết sẽ nhanh ra rễ hơn.
2.4. Kỹ thuật chiết
Trong kỹ thuật chiết, các bạn cần đảm bảo đúng quy trình để cành chiết có thể phát triển tốt, nhanh ra rễ hơn. Sau đây sẽ là quy trình chiết cành một cách chi tiết nhất, các bạn hãy lưu ý nhé.
- Bước 1: Khoanh vỏ
Bạn dùng dao sắc khoanh tròn cành chiết ở 2 đầu cách nhau từ 3 - 5cm, cách gốc cành từ 10 - 15cm. Tiếp theo, bạn dùng mũi dao bóc vỏ vùng đã khoanh. Bạn dùng dao cạo sạch chất nhờn trên mặt gỗ để loại bỏ lớp tế bào thượng tầng. Sau đó, bạn dùng giẻ lau sạch vết cắt. Hoặc để đơn giản bạn có thể dùng kéo khoanh vỏ kép là dụng cụ chuyên dụng dành để cắt hai đường vỏ cây cùng một lúc rất dễ dàng.
- Bước 2: Chuẩn bị đất bó bầu
Cùng với việc chọn cành, bạn phải chọn đất thật tốt để bó cành nữa. Bạn có thể dùng đất bùn hoặc đất vườn phơi khô, đập nhỏ rồi trộn lẫn với phân chuồng hoai mục, trấu bổi hay rơm rác, rễ bèo cây,...để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho đất, kích thích cành ra rễ nhanh hơn.
Hỗn hợp đất bầu phù hợp nhất là 2/3 đất và 1/3 các nguyên liệu thêm kể trên và được làm ẩm đến 70% độ ẩm bão hòa. Một bầu đất thường có đường kính từ 6 - 8cm, trọng lượng từ 150 - 300g, chiều cao từ 10 - 12cm. Bạn không nên làm bầu quá to vì cây sẽ không cung cấp đầy đủ nước sẽ làm bầu đất bị khô, chặt bí sẽ khó làm cành ra rễ.
- Bước 3: Chiết cành
Bạn nên chọn chiết vào những hôm trời nắng để thuận tiện cho quá trình chiết hơn. Đầu tiên, bạn dùng dao sắc khoanh vỏ và không nên cắt vào phần gỗ. Bạn nên bố trí khoanh vỏ vào buổi sáng và tùy vào từng loại cây khác nhau mà thời gian bó bầu cũng khác nhau. Ví dụ các loại cây nhiều nhựa và mủ như hồng xiêm, trứng gà thì bạn nên phơi nắng tối thiểu 7 ngày sau đó mới bó bầu. Còn với các giống cây ít nhựa hơn cây có múi, nhãn hoặc vải,...thì bạn nên phơi nắng tối thiểu 2 - 3 ngày sau đó mới tiến hành bó bầu.
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ như đất bó bầu, giấy nilon, dây bó,...Bạn dùng nguyên liệu đã chuẩn bị, giàn đất mỏng đều để đủ bó xung quanh cành. Sau đó bạn dùng giấy nilon quấn xung quanh bầu đất, lấy dây buộc chặt 2 đầu túi bầu sao cho bầu chiết không xoay tròn là được.
- Bước 4: Cắt cành chiết
Sau khi chiết được khoảng 45 - 60 ngày, tùy thuộc vào mùa vụ và giống cây ăn quả khác nhau mà chúng ta quan sát rễ cây mọc ra. Khi rễ đã chuyển từ màu trắng nõn sang màu vàng ngà hoặc hơi xanh thì cũng là lúc bạn có thể cưa cành chiết để ươm ở vườn.
- Bước 5: Hạ bầu chiết
Trước khi hạ bầu chiết bạn cần cắt bớt những lá già hoặc lá bị sâu và một phần lá non. Mật độ giâm cành chiết là 20 x 20cm hoặc 30 x 30cm. Bạn không nên giâm cành chiết quá dày vào nhau vì sẽ khiến rễ và mầm cành phát triển kém, khi bứng đi trồng sẽ khó khăn hơn. Trước khi hạ bầu, bạn xé bỏ lớp nilon, dùng đất màu lấp cách cổ bầu từ 3 - 5cm. Sau đó bạn cần tưới đẫm nước và nên che bớt 50% ánh sáng tự nhiên. Hằng ngày cành chiết nên được tưới nước 2 lần. Sau từ 10 - 15 ngày thì bạn chuyển sang chế độ từ 1 - 2 ngày tưới nước 1 lần tùy theo độ ẩm của đất bầu. Còn sau khi hạ bầu từ 15 - 20 ngày, bạn bỏ bớt mái che để cây quen dần với ánh sáng tự nhiên. Đến ngày thứ 30 thì bạn bắt đầu tưới nước phân đã ngâm kỹ và chăm sóc như cây non. Sau khi giâm cành chiết từ 45 - 60 ngày thì bạn có thể đem cây non đi trồng được rồi.
Một số lưu ý chung khi chiết cành:
- Bạn nên chọn cành bánh tẻ (không quá non hoặc quá già) để chiết
- Bạn hãy để nhiều lá nhất có thể vì lá nhiều thì nhựa sẽ nhiều và sẽ nhanh ra dễ hơn. Đối với tất cả các loại cây, bạn không nên vặt bỏ lá khi chiết.
- Bạn không được bó bầu kín mít và không chiết cành khi lá còn non
- Bạn nên khoanh vỏ có bề rộng lớn hơn đường kính cành chiết một chút.
- Bạn nên đợi một vài ngày cho vết cắt khô nhựa rồi mới bó bầu để tránh vết cắt bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến kết quả quả cành chiết.
3. Phương pháp chiết cành Air layer
Trên đây là quy trình chiết bằng bầu đất theo cách truyền thống. Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn thêm cho các bạn một phương pháp chiết mới có tên là Air layer. Đây là một phương pháp chiết hiện đại và cũng có kết quả đáng kinh ngạc không kém so với cách truyền thống mà chúng ta vẫn hay biết đáy.
- Bước 1: Bạn lột vỏ cành như phương pháp chiết bầu đất ở trên. Bạn nhớ phải cạo sạch lớp màng mỏng bên dưới bởi đó là tầng sinh mô có khả năng chữa lành vết cắt của cây.
- Bước 2: Bạn bôi thuốc kích thích ra rễ (có thể dùng N3M bán ở các cửa hàng thuốc thực vật) và đợi 2 ngày cho vết cắt khô.
- Bước 3: Bạn dùng một cái khay nhựa đặt vào bên dưới chỗ khoanh vỏ. Sau đó bạn cố định khay lại với cành chiết và trải một lớp xơ dừa có trộn B1 lên khay.
- Bước 4: Sau một thời gian, rễ sẽ ra rất nhiều và việc tiếp theo là bạn chỉ cần đem cây đi trồng thôi.
Trên đây là kỹ thuật chiết cành chi tiết, đơn giản mà lại hiệu quả cao giúp cành chiết nhanh ra rễ nhất. Nếu bạn đang có ý định tìm một phương pháp nhân giống cây trồng nhà mình thì không nên bỏ lỡ bài viết này đâu nhé. Chúc các bạn thành công với các phương pháp trên nhé!
>> Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng giúp cây nhanh ra hoa nhất