1. Cách lựa giống hoa và đất trồng sao cho tốt
Nếu bạn muốn cây hoa của mình phát triển tốt thì đầu tiên bạn phải chọn được những giống hoa tốt, chuẩn bị đất trồng phù hợp với hoa.
1.1. Cách lựa giống cây hoa hồng
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều giống cây hoa hồng khác nhau từ hàng ngoại nhập cho đến hàng nội địa. Bạn có thể dựa vào sở thích của bản thân hoặc nhờ người bán hàng tư vấn về đặc điểm của các giống hoa để chọn mua những loại phù hợp.
Tuy nhiên, cho dù là loại giống hoa nào thì cũng sẽ có những cách trồng phổ biến như gieo từ hạt, giâm cành, tách bụi hay ươm cây. Nếu như bạn chưa có kinh nghiệm trồng hoa nhiều thì bạn nên chọn những cây non được chủ vườn ươm sẵn. Những cây này phải mập mạp, tươi tốt, có cành lá nhiều thì tỉ lệ sống sẽ cao hơn, ít tốn thời gian so với trồng từ hạt.
1.2. Chuẩn bị đất để trồng hoa hồng
Đất để trồng hoa hồng tốt là đất tơi xốp, có độ thoát nước để nước không bị ứ đọng gây hỏng rễ hoa. Người trồng có thể mua đất sẵn ở vườn bán cây hoặc trộn đất ở nhà với các loại phân hữu cơ đã hoai mục như trùn quế, xơ dừa, phân gà... để đất xốp hơn. Công thức trộn đất được đánh giá tốt nhất là: 50% đất sạch, 20% trấu hun, 30% phân trùn quế. Ngoài ra, bạn đừng quên xử lý mầm bệnh trong đất bằng biện pháp bón lót với vôi, phơi ải từ trước 7 - 10 ngày nhé.
1.3. Chọn chậu trồng hoa
Bạn nên chọn chậu có kích cỡ phù hợp với độ lớn của cây hoa. Nếu là cây hoa trưởng thành, thân lớn, nhu cầu nước nhiều thì bạn nên chọn chậu to là thích hợp để cung cấp độ ẩm cho cây tốt hơn. Còn nếu chỉ để trồng những cành giâm mới mọc rễ, còn yếu thì bạn nên chọn những chậu nhỏ để lượng nước tưới cho cây sẽ vừa đủ. Nếu là chậu to, khi tưới cây bị ngậm nước sẽ gây hỏng rễ hoa.
Bạn nên chọn chậu có chân, có đáy chậu không áp sát mặt đất để cây thoát nước được tốt hơn.
2. Cách trồng hoa hồng
Trồng hoa hồng không phải là một việc đơn giản. Làm sao để trồng cây không bị chết, cây nhanh ra hoa, hoa nở nhiều. Bạn hãy theo dõi cách trồng hoa hồng đúng chuẩn dưới đây nhé.
- Nếu trồng cây rễ trần thì bạn nên ngâm trong xô nước một vài giờ trước khi trồng. Còn nếu là cây hoa ươm sẵn trong chậu thì bạn nên tưới nước kỹ lưỡng trước khi chuẩn bị luống trồng.
- Khi trồng, bạn cho một lớp than hoa rồi một lớp xơ dừa ở dưới đáy chậu giúp tạo độ thoáng, thoát nước nhanh hơn. Đồng thời, lớp xơ dừa cũng giúp giữ một phần nước ở dưới đáy chậu để đề phòng cho những ngày nắng nóng, cây thiếu nước.
- Lớp đất đầu tiên cho vào chậu, ấn chặt. Tiếp đến bạn đổ đầy đất vào chậu. Bạn mở một lỗ rộng và sâu, đặt cây hoa hồng vào và tiếp tục lấp đất sao cho bao trùm rễ cây. Lớp đất cao cách 4-5cm miệng chậu hoa là được.
- Nếu cây hoa nằm trong bầu nilon thì đặt cây nằm nghiêng trong chậu, dùng dao bén rạch đứt bao nilon từ trên xuống dưới để tách cây khỏi bầu. Sau đó, bạn đặt nhẹ nhàng cây xuống giữa chậu, rồi lấy đất lấp xung quanh. Bạn ấn đất cho chặt để cố định cây, nhưng đừng ấn quá mạnh sẽ làm đứt rễ non của cây hoa nhé.
- Khi trồng xong, bạn tưới cho cây 1 chút nước. Sau đó, dùng vài que tre nhỏ, dài khoảng 40 - 50cm, một đầu cắm sâu xuống đất, một đầu hướng về thân hay cành cây hoa hồng, cột chặt cây với que tre để giúp cây đứng thẳng, vững vàng hơn, không bị bật gốc.
- Bạn nên để chậu cây trồng ở nơi có nhiều ánh sáng. Khi cây được chiếu sáng đủ 8 tiếng một ngày thì cây sẽ sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, hoa nở nhiều hơn.
3. Cách chăm sóc hoa hồng
Nếu muốn cây hoa hồng của bạn được phát triển tốt thì phải bỏ công chăm sóc thật kỹ. Cách chăm sóc hoa hồng không phải là chuyện đơn giản mà rất cần nhiều sự tỉ mỉ và cẩn thận. Nào, bạn hãy xem chăm sóc hoa hồng cần những bước gì nhé.
3.1. Chăm sóc hoa hồng bằng phân bón
Bón phân cho cây là một công đoạn không thể thiếu trong quá trình chăm sóc cây hoa. Phân bón sẽ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà trong đất không có cho hoa, giúp cây sinh trưởng một cách tốt nhất. Sau khi trồng từ 3-5 ngày thì bạn nên phun phân bón lá để cây ra lá nhiều hơn, quang hợp tạo chất dinh dưỡng cho cây. Từ 10 - 15 ngày thì bạn bón phân hạt Dynamic, phân dơi quanh gốc rồi tưới nước để cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Kết hợp xen kẽ định kỳ 1 tháng 1 lần, bạn nên bón phân cho cây. Hãy nhớ rằng tuyệt đối không tưới phân lên cây, như vậy hoa sẽ mau tàn.
3.2. Tưới nước
Cây hoa hồng là cây ưa nước nên bạn cần thường xuyên tưới nước cho cây để cung cấp đủ ẩm cho cây phát triển. Bạn nên dùng vòi nhẹ tưới cho cây vào mỗi buổi sáng. Vào các ngày nắng gắt, bạn tưới cho cây nhiều lần hơn, thêm 1 lần vào buổi chiều muộn, tránh nụ hoa còn ướt để qua đêm sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh phát triển. Bật mí với bạn rằng nước vo gạo rất tốt để tưới cây đó vì trong đó có rất nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể tận dụng nước vo gạo để tưới nước cho cây, giúp cây phát triển tốt hơn.
3.3. Điều kiện ánh sáng
Hoa hồng phù hợp những nơi nhiều nắng, thoáng gió. Bạn chú ý chọn nơi trồng hoa hồng, nên là những nơi có hướng sáng mặt trời chiếu vào buổi sáng hoặc nắng chiếu xuyên. Không nên đặt chậu cây ở nơi nắng quá gắt, sẽ khiến cây bị héo.
3.4. Cắt tỉa cành hoa
Khi cây đã phát triển, nhiều cành lá xanh tốt thì bạn nên cắt bớt những cành lá héo vàng, bị hư. Khi cắt bạn cần cắt bấm ngọn thêm 2 tầng lá để tạo cho cây có sức đâm nhánh mới, từ mỗi đầu nhánh sẽ mọc ra những nụ hoa mới.
Bạn nên cắt chừa lại 3 lá, đếm từ dưới chỗ lá bánh tẻ lên trên (chỗ đầu cành). Nhánh hồng còn lại sẽ ra chồi mới nhanh hơn đó.
3.5. Phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây hoa hồng
Phòng ngừa sâu bệnh là bước không thể thiếu nếu muốn cây hoa phát triển tốt nhất. Sau đây sẽ là một số bệnh thường gặp ở hoa hồng và cách chăm sóc cây phù hợp.
- Bệnh đốm đen: biểu hiện của bệnh là lá vàng, rụng hàng loạt, trên lá xuất hiện những đốm đen.
Cách chăm sóc: làm vệ sinh xung quanh vườn, tránh đọng nước trên lá, nên tưới nước vào buổi sáng sớm. Thuốc đặc trị cho bệnh này là Daconil 500 SC, Đồng oxyclorua 30 BTN.
- Bệnh gỉ sắt: lá bệnh có nốt lấm tấm màu cam hoặc đỏ gạch như màu gỉ sắt. Bệnh gây rụng lá, đôi khi ảnh hưởng đến cả hoa.
Cách chăm sóc cây bị bệnh là thu dọn toàn bộ lá bị bệnh, sau đó phun thuốc Plantvax, Bavistin,... để chữa bệnh này.
- Bệnh phấn trắng: vị trí thường thấy là trên các lá non, các lá bánh tẻ. Chúng phát triển rất nhanh làm lá biến dạng, thân khô dẫn đến chết cây.
Cách chăm sóc: dùng thuốc Kasuran, Derosal,... chữa bệnh này rất hiệu quả. Ngoài ra bạn có thể cắt hủy cành lá bị bệnh, bón thêm Kali để tăng sức chống chịu bệnh cho cây.
- Bệnh rệp: rệp có màu xanh nhạt hoặc đỏ, tập trung ở ngọn, cành hoa, nụ hoa khiến cây bị mất chất dinh dưỡng, kém phát triển.
Cách chăm sóc: dùng một miếng bông thấm nước và nhẹ ốp miếng bông vào ngọn cây có rệp, rệp sẽ dính vào miếng bông đó, bạn chỉ cần lấy nó ra thôi. Bạn làm liên tục như vậy từ 3-5 ngày là sạch bóng rệp trên cây đó. Nếu trong trường hợp quá nhiều rệp, bạn có thể dùng thuốc Supaside 40 ND nồng độ 0,15% để loại bỏ bệnh này.
Trên đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng đúng chuẩn nhất. Bạn hãy lưu lại để nâng cao tay nghề của mình, trồng ra những bông hoa hồng thật đẹp nhé.
>> Tăng 200% năng suất với kỹ thuật trồng ớt chỉ thiên siêu đơn giản