Bị can Nguyễn Phương Hằng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo khoản 2 điều 331 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Song tịch có ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ án?
Trong quá trình điều tra, Công an TP.HCM đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật… cho bị can này trong các lần livestream không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đời tư nhiều cá nhân, trong đó có nữ ca sĩ Vy Oanh.
Đến nay, CQĐT vẫn đang tiếp tục lấy lời khai, điều tra mở rộng để xem xét có hay không vai trò đồng phạm của một số cá nhân, và chủ kênh YouTube: Đặng Anh Quân, Nguyễn Đình Kim, Ha Lee, Hoàng Nhi, Anh nông dân, Điền Võ Vlog.
Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn đang xác minh, làm rõ hành vi “vu khống”, “làm nhục người khác” của bị can Nguyễn Phương Hằng theo đơn tố cáo của bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).
Liên quan đến việc điều tra, xử lý bị can Nguyễn Phương Hằng, hiện cơ quan chức năng cũng đang xác minh lý lịch tư pháp đối với bị can (việc lập lý lịch tư pháp bị can là hoạt động điều tra để làm rõ về lai lịch, nhân thân người thực hiện hành vi phạm tội - PV). Theo đó, bị can Nguyễn Phương Hằng sinh ngày 26.1.1971, từng mang tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, bị can Nguyễn Phương Hằng đang có 2 quốc tịch, là Việt Nam và Cộng hòa Cyprus.
Việc bị can Nguyễn Phương Hằng mang 2 quốc tịch, trong đó có quốc tịch nước ngoài có ảnh hưởng đến quy trình tố tụng hay kết quả điều tra vụ án hay không? Luật sư (LS) Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết trước tiên theo điều 3 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: BLTTHS có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo LS Nghiêm, điều 3 cũng quy định hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội (tức có quốc tịch nước ngoài - PV) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Trường hợp, người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
“Như vậy, theo quy định nêu trên, người có 2 quốc tịch mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam đến mức có thể xử lý hình sự thì sẽ căn cứ vào quy định của BLTTHS Việt Nam để xử lý”, LS Bùi Quang Nghiêm nhấn mạnh, và phân tích thêm: “Người Việt Nam phạm tội mà mang 2 quốc tịch, trước hết vẫn được xác định là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng bộ luật Hình sự Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội. Bị can Nguyễn Phương Hằng mang 2 quốc tịch và khi cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam có đủ căn cứ xác định Nguyễn Phương Hằng phạm tội và bản thân bị can Hằng không thuộc trường hợp được miễn trừ theo quy định tại khoản 2 điều 5 của bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan tố tụng sẽ áp dụng bộ luật Hình sự của Việt Nam để xử lý”.
Bị can Nguyễn Phương Hằng có bị dẫn độ?
Sau khi có thông tin bị can Nguyễn Phương Hằng có quốc tịch Cộng hòa Cyprus, nhiều bạn đọc thắc mắc liệu bị can này có bị dẫn độ về Cộng hòa Cyprus để xử lý hay không? LS Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho hay theo quy định tại điều 32 luật Tương trợ tư pháp 2007: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.
LS Hậu phân tích nếu quốc gia của công dân phạm tội có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ. Như vậy, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước xử lý, tuy nhiên không phải trong mọi trường hợp đều có thể bị dẫn độ.
“Cụ thể, khoản 1 điều 35 luật Tương trợ tư pháp quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp: Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam; Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác; Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam; Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị; Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định về người có thể bị dẫn độ”, LS Hậu dẫn giải các quy định.