Mẹo

6 mẹo chữa tắc tia sữa an toàn, hiệu quả mẹ bỉm sữa nên biết

Linh An - 20/01/2022 14:00 GMT+7

Đối với nhiều mẹ bỉm sữa, sau khi trải qua cơn đau đẻ quặn thắt thì với những người nuôi con bằng sữa mẹ còn phải đối mặt với một nỗi ám ảnh khác là tắc tia sữa. Cùng Sao Daily tìm hiểu ngay 6 mẹo chữa tắc tia sữa an toàn, hiệu quả qua bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân gây tắc tia sữa

1.1. Tắc tia sữa là gì?

Ở vị trí phía sau quầng vú ở các mẹ bỉm sữa có một xoang chứa sữa. Các tia sữa đi theo những đường ống dẫn trong bầu ngực sẽ đổ đầy xoang này và dưới lực bú, mút của con trẻ mà sữa sẽ chảy ra ngoài.

Nếu trên dòng chảy này xảy ra một vấn đề nào đó khiến lòng ống dẫn bị tắc nghẽn, bịt lại thì sữa sẽ không có đủ không gian mà thoát ra ngoài. Sữa vẫn sẽ không ngừng được tạo ra, khi chảy đến chỗ tắc thì sẽ bị gián đoạn tại đó, theo thời gian lượng sữa ngày càng nhiều sẽ tạo ra một hòn cục to, sờ vào thấy cứng, sưng đau trên bầu ngực do sữa đã đông kết lại.

chua-tac-tia-sua
Ngực bị tắc tia sữa - Ảnh: Lợi sữa mommy

Hiện tượng sữa mẹ không thể thoát ra ngoài, bị tắc nghẽn lại ở bên trong các ống dẫn sữa gây khó khăn cho con trẻ khi bú, mẹ cũng phải chịu đựng những cơn đau, khó chịu nơi bầu ngực chính là bệnh tắc tia sữa. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở những bà mẹ mới sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm trong việc cho con bú.

Tắc tia sữa tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu mẹ không được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì có thể mắc phải một số bệnh lý khác nghiêm trọng hơn như: Bị viêm dẫn đến nhiễm trùng tuyến vú, áp xe vú, u xơ tuyến vú,...Bệnh này diễn ra lâu dài thì mẹ còn có nguy cơ bị mất hẳn sữa, không thể cho con bú và phải nuôi con bằng sữa ngoài.

1.2. Nguyên nhân gây tắc tia sữa

Tắc tia sữa có thể do nhiều nguyên nhân:

- Cơ địa: Sau khi sinh, tùy cơ địa từng người mà có người đã gặp ngay tình trạng tắc tia sữa. Sữa về nhiều nhưng bé không thể bú được gì mấy. Điều này khiến bầu ngực bạn căng cứng, khó chịu và có thể bị sốt nhẹ.

- Mẹ không cho bú thường xuyên: Vì một số nguyên nhân mà bạn không cho con bú thường xuyên, đúng cữ hoặc không dùng máy để hút sữa ra từ 5 tiếng đến 1 ngày khiến lượng sữa tồn đọng nhiều, gây ra tắc tia sữa.

- Sữa mẹ dư thừa: Sữa mẹ nhiều nhưng bé không bú hết, mẹ cũng không hút hết sữa ra khi bé đã bú no, cứ để đấy khiến sữa ứ đọng, gây ra tắc nghẽn. 

chua-tac-tia-sua
Trẻ không bú hết sữa mẹ có thể gây tắc tia sữa - Ảnh: Vinmec

- Ngực chịu áp lực: Khi mới sinh bạn nên chọn loại áo ngực rộng rãi, tạo sự thoải mái cho bầu ngực, không nên vì làm đẹp mà mặc loại áo bó sát hoặc quá chật. Điều này tạo áp lực lớn cho bầu ngực, gây ra tắc các tuyến sữa. Nếu mẹ hay địu con trước ngực hoặc có thói quen nằm úp sấp thì cũng có thể gây ra tình trạng tương tự.

- Stress: Nhiều người xuất hiện tình trạng stress sau sinh. Tâm trạng không tốt làm chậm việc sản xuất hormone oxytocin - hormone hỗ trợ tiết sữa, gây ảnh hưởng tới việc sản xuất sữa. Khi mẹ stress thì sữa không thể ra nhiều, mẹ lại tiếp tục stress, một vòng lặp như vậy cứ diễn ra. 

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác: chế độ ăn, nhiễm trùng vùng ngực, cảm lạnh…

1.3. Dấu hiệu khi tắc tia sữa

Tắc tia sữa có thể xảy ra ngay khi cho con bú lần đầu sau sinh hoặc kể cả khi đã cho con bú được một thời gian, mẹ không cho bú đúng cách thì vẫn gặp tình trạng này như bình thường. Khi mới bị tắc tia sữa thì các dấu hiệu chưa rõ ràng, nó tiến triển từ từ nhưng ở một số người thì các biểu hiện lại xảy ra rất nhanh chóng:

chua-tac-tia-sua
Dấu hiệu khi tuyến sữa bị tắc - Ảnh: Mẹ khỏe bé vui

- Mẹ sờ vào bầu ngực thấy hiện tượng cứng ở một số khu vực, cùng với đó bầu ngực trở nên ngày càng căng tức khó chịu, đau nhức, nóng bất thường.

- Vùng đầu ngực của mẹ có thể nổi lên các khối tròn gồ ghề kích thước khác nhau, sờ vào thấy đau và cứng.

- Mặc dù ngực rất căng nhưng lượng sữa tiết ra lại rất ít, dù mẹ đã dùng máy hút sữa nhưng sữa cũng không ra thêm.

- Một vài trường hợp có mẹ còn có những biểu hiện nặng như như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu,…

2. Các cách chữa tắc tia sữa

2.1. Cho con bú thường xuyên

Đây là cách chữa tắc tia sữa đơn giản nhất nhưng lại có hiệu quả tốt, con chính là “bác sĩ” chữa trị cho mẹ. Nếu bầu ngực không quá đau, bạn nên cho con bú ở bên bị tắc trước, lực hút của con có thể sẽ giúp khai thông các tuyến sữa bị tắc.

chua-tac-tia-sua
Cho con bú thường xuyên - Ảnh: Vinmec

Hãy cởi hết áo ngực ra khi cho con bú để sữa có thể lưu thông một cách tốt nhất, mẹ có thể đặt một chiếc khăn nhúng qua nước ấm lên bên trên bầu ngực để làm ấm ngực. Nếu mẹ thường xuyên cho con bú ở một tư thế ví dụ như ngồi thì hãy thử đổi sang tư thế nằm xuống cho bú để lực hút của trẻ tác động tới nhiều vùng khác nhau trong bầu ngực hơn. 

Trong khi con bú mẹ đừng quên kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng bầu ngực theo chuyển động tròn bắt đầu từ vị trí tắc nghẽn rồi tiến dần ra phía trước. Đây là kỹ thuật thông tắc tia sữa rất hiệu quả.

2.2. Chườm ấm

Chườm ấm cũng là một biện pháp điều trị tắc tia sữa được nhiều người áp dụng. Mẹ sử dụng túi chườm ấm hoặc chai nước ấm, lưu ý nhiệt độ nước không cần nóng quá, nếu không có thể gây bỏng ngực.

chua-tac-tia-sua
Chườm ấm ngực - Ảnh: MamiBuy

 Dưới tác dụng của nước nóng, nơi sữa bị tắc tạo thành cục có thể tan dần, từ đó khai thông lại dòng chảy, tạo điều kiện cho các tia sữa mới chảy ra thuận lợi. Trong khi chườm, mẹ có thể kết hợp với các động tác massage nhẹ nhàng tại vùng có hiện tượng căng cứng để làm tăng hiệu quả chữa trị và tình hình tắc sữa nhanh chóng được cải thiện hơn.

2.3. Mẹo chữa tắc tia sữa bằng lược

Đây là một kinh nghiệm chữa tắc tia sữa trong dân gian đã được nhiều mẹ áp dụng và chia sẻ. Khi thấy ngực có hiện tượng bị tắc sữa, mẹ nên dùng một chiếc lược dày và bắt đầu chải từ chân bầu ngực cho tới đầu ti. 

chua-tac-tia-sua
Dùng lược chải - Ảnh: tealife.vn

Dưới lực của động tác chải, các vùng sữa bị tắc sẽ được tác động để tan dần ra, không còn gây ứ đọng cho ngực mẹ nữa. Để việc điều trị có hiệu quả cao hơn thì mẹ nên chườm nóng ngực trước khi dùng lược chải mẹ nhé.

2.4. Đắp ngực bằng đu đủ xanh

Đu đủ xanh là loại quả rất tốt cho các mẹ bỉm sữa, không chỉ có thể chế biến thành nhiều món ăn giúp mẹ thêm lợi sữa mà còn được dùng để chữa tắc nghẽn sữa hiệu quả. 

chua-tac-tia-sua
Đắp ngực bằng đu đủ xanh - Ảnh: Phu Nu Today

Mẹ chỉ cần tìm mua đu đủ non, rửa sạch rồi gọt vỏ, thái thành từng lát mỏng. Sau đó, đem đu đủ đi làm nóng bằng cách hơ trên bếp lửa (mẹ chỉ cần hơ để đạt độ nóng vừa phải, không cần hơ quá lâu). Dùng một chiếc khăn mỏng bọc những lát đu đủ đó vào và đắp lên ngực, chú ý chườm ở những vùng bị sưng, cứng.

Trong khi đắp mẹ cũng kết hợp với massage nhẹ nhàng để nâng cao hiệu quả điều trị.

2.5. Dùng lá đinh lăng

Có nhiều bài thuốc dân gian từ lá đinh lăng dùng để khai thông nơi vùng sữa bị tắc được nhiều bà mẹ tin dùng. Áp dụng các bài thuốc này cũng sẽ giúp bạn không bị chán khi phải dùng đi dùng lại một món nhiều lần: Uống nước đinh lăng, ăn cháo giò nấu với đinh lăng, canh sườn non hầm với đinh lăng,...

chua-tac-tia-sua
Uống nước đinh lăng - Ảnh: Internet

Cách uống nước đinh lăng thì phổ biến nhất. Bạn cần chuẩn bị lá, cành cây đinh lăng rửa sạch và nồi để đun. Sau đó, bạn cho đinh lăng vào nồi với lượng nước vừa với số lượng lá, đun sôi lên rồi chắt lấy nước để uống. 

Bạn có thể tận dụng chỗ lá đinh lăng đó để nấu tiếp một lần nữa vì ở lượt nấu thứ hai trong đinh lăng vẫn còn lưu lại nhiều dưỡng chất. Bạn nên uống đinh lăng khi còn ấm và uống xen kẽ với nước lọc. 

2.6. Dùng bắp cải

Dùng bắp cải để chữa tắc tia sữa có thể sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng đây lại là một cách được áp dụng nhiều trong dân gian. 

chua-tac-tia-sua
Đắp lá bắp cải lên ngực - Ảnh: Nhà thuốc Long Châu

Bạn cắt ra 4 đến 5 lá bắp cải xanh, rửa sạch và gọt đi phần cọng cứng trên lá. Sau đó ngâm bắp cải trong nước muối pha loãng từ 2 đến 3 phút rồi vớt ra, cho vào nồi nước vừa đun sôi. Lấy lá ra và đợi một lúc cho bớt nóng thì đắp trực tiếp lên bầu ngực bị đau và sưng. Bạn cũng kết hợp với việc massage nhẹ nhàng.

Khi lá đã nguội thì thay bằng lá khác và tiếp tục thực hiện như trên.

Trên đây là những kinh nghiệm chữa tắc tia sữa được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng, rất an toàn cho sức khỏe và đem lại hiệu quả chữa trị cao. 

>> Chia sẻ kinh nghiệm mua đồ sơ sinh cực kỳ thiết thực dành cho các mẹ bỉm sữa

>> Mẹo cho trẻ sơ sinh đi máy bay cực hữu ích mẹ bỉm sữa nên bỏ túi ngay