Mẹo

Những điều cấm kỵ khi đi chùa bạn cần nhớ rõ để tránh mắc sai lầm

An Nhiên - 13/11/2021 09:22 GMT+7

Đi chùa cầu bình an luôn là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh từ nghìn đời của người Việt Nam. Tuy nhiên có những điều cấm kỵ khi đi chùa không phải ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu các lưu ý nếu đi chùa thông qua bài viết này để tránh mắc sai lầm.

1. Nên đi chùa vào giờ nào?

Lễ chùa xuất phát từ trong cái tâm của mỗi người, mình thành tâm hướng Phật, hướng thiện, cầu bình an cho gia đình và cũng là một cách để tìm lại sự thanh thản cho bản thân. Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh đi lễ chùa vào một số giờ nhất định:

- Không đi lễ khi nhà chùa đang cúng thí thực, cúng cô hồn. Thời gian cúng cô hồn thường là vào giờ Dậu, từ 17h - 19h. 

- Không đi chùa vào lúc 12h trưa hoặc đêm muộn. Nếu không thể đi lễ vào buổi sáng, bạn có thể tới chùa vào buổi tối. Khi đi vào thời gian này nhiều người lo sợ rằng lời cầu nguyện của mình sẽ không linh nghiệm hoặc gặp phải điều xui xẻo. Thực tế, Quan niệm này là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu trước giờ đóng cửa của nhà chùa để không làm lỡ việc đi lễ của gia đình.

Nhung-dieu-cam-ky-khi-di-chua-1
Nên đi chùa vào giờ nào? - Ảnh: Ancu.me

Nếu có thể, bạn hãy đi lễ chùa vào buổi sáng, đặc biệt nếu bạn biết được lịch đọc kinh cầu an trong ngày của các nhà sư và phật tử thì đi vào thời gian này cũng rất tốt.

Ngoài ra, mọi người cũng nên đi lễ chùa vào các ngày tốt, ngày đẹp theo quan niệm dân gian và yếu tố phong thủy ví dụ như mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.

2. Những điều cấm kỵ khi đi chùa: Không vào chùa bằng cửa chính

Bạn không nên đi cửa chính vào chùa, thay vào đó hãy đi bằng cửa bên. Nguyên nhân là bởi cổng chính vào chùa còn gọi là cổng Tam quan, theo quan niệm ngày xưa đây là cửa chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương.

Nhung-dieu-cam-ky-khi-di-chua-2
Không đi cửa chính vào chùa - Ảnh: Xwatch Luxury

Vì thế, bạn chỉ nên đi vào bằng cửa phụ bên phải gọi là cửa Giả quan và đi ra bằng cửa bên trái là cửa Không quan. Tuy nhiên, bạn cần phải bước qua bậu cửa và không được dẫm lên nó để không phạm phải tội bất kính với bề trên. 

3. Không đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường

Một trong những điều cần biết khi đứng khấn tại Phật đường là nên đứng chếch sang một bên bàn thờ thay vì đứng thẳng hướng của bàn thờ. Việc đứng hoặc quỳ khấn chính giữa như vậy được coi là một điều cấm kỵ.

Nhung-dieu-cam-ky-khi-di-chua-3
Không đứng chính giữa Phật đường - Ảnh: VnDoc.com

Bên cạnh đó, bạn không đi cắt ngang qua những người đang quỳ lạy. Nếu muốn quỳ xuống để làm lễ cũng không nên lựa chọn vị trí ở đằng sau những người đang đứng thắp hương. Tốt nhất, bạn hãy đợi một lúc cho bớt đông rồi mới tiến hành làm lễ.

4. Không đi giày dép vào Phật đường, Tam bảo

Đi giày dép vào khu vực Phật đường, Tam bảo là một trong những điều kiêng kỵ khi lễ chùa. Bởi đây là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, tuyệt đối không được gây náo loạn hay làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của chùa. Nhiều nhà chùa đã có biển chỉ dẫn phải để giày dép bên ngoài mới được đi vào trong.

Ngoài ra, bạn cũng không nên nhai trầu hoặc hút thuốc tại Phật đường và Tam bảo. Nếu cho trẻ con đi cùng thì nên trông cẩn thận, không để chúng chạy nhảy lung tung, sờ mò hoặc gây ồn ào tới việc hành lễ của người khác. 

5. Không chạm, sờ vào tượng Phật

Nhiều người quan niệm rằng chạm tay vào tượng Phật hoặc dùng tiền để xoa tượng Phật có thể đem lại bình an, may mắn, sức khỏe cho bản thân. Tuy nhiên đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. 

Nhung-dieu-cam-ky-khi-di-chua-5
Không sờ tay vào tượng Phật - Ảnh: Giác Ngộ

Những hành vi này không chỉ phá hỏng, làm nhiễu loạn không khí linh thiêng nơi cửa Phật mà còn khiến tượng Phật bị trắng hoặc đen bóng ở một số chỗ.

6. Có nên đi chùa vào ngày “đèn đỏ”?

Bị hành kinh có nên đi chùa hay không là điều được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Từ lâu theo quan niệm của dân gian, phụ nữ khi đến kỳ nên tránh việc lễ chùa, đền miếu hay kể cả việc thực hiện thờ cúng tại gia. Thậm chí, những công việc trọng đại cũng không nên thực hiện trong ngày “đèn đỏ”.

Tuy nhiên, nếu có ý thức cẩn thận thì vẫn có thể đi chùa vào những ngày này. Chỉ cần bạn chú ý hơn đến việc vệ sinh chân tay, thân thể sạch sẽ rồi mới đi lễ và thắp hương thì sẽ không phạm phải những điều cấm kỵ khi đi chùa.

7. Những điều cấm kỵ khi đi chùa: Ăn mặc lịch sự, kín đáo

Trong những năm qua xảy ra không ít vụ việc các cô gái trẻ ăn mặc quá hở hang, phản cảm khi đi lẽ chùa. Đáng nói, chùa là nơi linh thiêng, không được gây sự tạp uế tới Phật đường, vì thế bạn cần chú ý đến cách ăn mặc để phù hợp với thuần phong mỹ tục. 

Khi đến chùa hành lễ, bạn nên chọn những bộ đồ với màu sắc nhã nhặn, lđồ dài, kín cổ, giản dị, trang nhã. Nếu bạn mặc quần ngố hoặc váy thì phải dài quá đầu gối, không nên mặc quần áo quá ngắn, lòe loẹt, xuyên thấu...

Nhung-dieu-cam-ky-khi-di-chua-6
Ăn mặc lịch sự khi tới chùa - Ảnh: PYS Travel

Trên đây là những điều cấm kỵ khi đi chùa để bạn có thể tránh phạm sai lầm, giữ được phúc đức và không mắc lỗi bất kính với các bậc bề trên. Hy vọng nội dung trong bài có thể giúp bạn bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích về việc lễ chùa.

>>> Tin xem thêm: Mẹo nhỏ nhưng “có võ” giúp bạn đi máy bay không bị say