Mẹo

Mẹo nhỏ nhưng “có võ” giúp bạn đi máy bay không bị say

An Nhiên - 10/11/2021 15:53 GMT+7

Cùng bỏ túi những mẹo đi máy bay không bị say được giới thiệu qua bài viết sau đây, để bạn có thể tạm biệt sự khó chịu và tận hưởng trọn vẹn chuyến hành trình.

Máy bay được đánh giá là phương tiện di chuyển nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nếu không đi quen, hành khách sẽ rất dễ bị say, chóng mặt, cơ thể nôn nao. Vì vậy, những phương pháp được giới thiệu trong bài có thể giúp bạn tạm biệt sự khó chịu thường gặp khi đi máy bay.

1. Nguyên nhân gây ra say máy bay

Say máy bay thuộc cùng một loại với say tàu xe, tuy nhiên nó ít phổ biến hơn 2 loại trên. Tình trạng này có thể xảy ra với người lần đầu đi máy bay hoặc đối tượng dễ bị say tàu xe. Thậm chí, tiếp viên và phi công cũng có thể bị say máy bay nếu đi vào vùng thời tiết xấu.

3 nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng say máy bay là:

- Người lần đầu đi: Do áp lực tâm lý khi lần đầu trải nghiệm một phương tiện mới, khiến cơ thể căng thẳng, lo lắng, hồi hộp quá mức. 

- Nguyên nhân phổ biến: Do áp suất trong máy bay có thể thay đổi đột ngột khi bay qua những độ cao và vùng không khí khác nhau, khiến cơ thể không kịp thích ứng và gây ra chóng mặt, ù tai.

- Nguyên nhân khác: Khi máy bay cất cánh và hạ cánh thường xảy ra sự rung lắc khiến bạn thấy buồn nôn.

Di-may-bay-khong-bi-say
Tiết lộ các mẹo đi máy bay không bị say.

Các dấu hiệu khi bị say máy bay là chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh... Những triệu chứng này khiến bạn mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm trạng, làm giảm sự hào hứng của các chuyến đi và khiến máy bay trở thành cơn ác mộng.

2. Hướng dẫn cách đi máy bay không bị say

2.1. Ăn nhẹ trước khi lên máy bay

Trước khi lên máy bay, bạn nên có một bữa ăn nhẹ để bụng không trong tình trạng trống rỗng. Tuy nhiên bạn không nên ăn những thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều đường hay carbohydrate bởi chúng sẽ gây cảm giác khó chịu khi máy bay cất cánh. 

Bạn cũng không nên ăn quá nhiều vì sẽ gây cảm giác trướng bụng. Hành khách chỉ nên ăn một gói xôi, bánh mì hoặc những thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, phomai,...

Di-may-bay-khong-bi-say-1
Ăn thức ăn giàu protein trước khi lên máy bay - Ảnh: Vinmec

2.2. Uống nhiều nước và không sử dụng đồ uống có cồn hay caffeine

Việc thay đổi áp suất không khí khi máy bay cất và hạ cánh có thể khiến bạn khát nước. Do đó, hãy kịp thời bổ sung nước cho cơ thể để không gây ra cảm giác mệt mỏi. Thông thường, trên các chuyến bay sẽ được phát một chai nước lọc hoàn toàn miễn phí.

Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng đồ uống có cồn hay caffeine trước khi bắt đầu lên máy bay. Bởi lẽ, nhóm đồ uống này có thể kích thích thần kinh, càng lên cao không khí càng loãng và rất khó có thể cân bằng lại thần kinh. 

Di-may-bay-khong-bi-say-2
Bổ sung nước cho cơ thể - Ảnh: VietNamNet

2.3. Đi máy bay không bị say với mẹo uống trà gừng

Bên cạnh việc là một gia vị, gừng còn là vị thuốc tự nhiên chống say máy bay và tàu, xe rất hiệu quả. Bạn có thể mang theo một vài lát gừng tươi và hỏi xin tiếp viên một cốc nước nóng. Nếu có dấu hiệu say, bạn hãy thả lát gừng vào cốc, đợi cho gừng hòa tan trong nước rồi thưởng thức.

Ngoài ra, hành khách có thể đặt một lát gừng to vào lòng bàn tay. Sau đó, bạn dùng khăn buộc để cố định vị trí của miếng gừng và giữ nguyên cho đến khi máy bay hạ cánh.

Di-may-bay-khong-bi-say-3
Uống trà gừng để chống say máy bay - Ảnh: Vinmec

2.4. Lựa chọn vị trí ngồi hợp lý

Với những người lần đầu tiên đi máy bay hoặc có tiền sử say máy bay, hãy lựa chọn chỗ ngồi hợp lý khi đặt mua vé. Bạn nên chọn mua vé ở những chỗ gần cánh máy bay hoặc gần cửa sổ. Việc lựa chọn vị trí ngồi có thể giúp bạn hạn chế được cảm giác buồn nôn.

Di-may-bay-khong-bi-say-4
Ngồi cạnh cửa sổ - Ảnh: VnExpress

2.5. Không đọc sách hay chơi điện tử

Nhiều người có thói quen giết thời gian bằng cách đọc sách hoặc chơi điện tử. Tuy nhiên, nếu là người hay bị say tàu xe thì bạn không nên làm điều này khi đi máy bay. 

Thay vào đó, bạn có thể nghe nhạc bằng tai nghe trên điện thoại, xem phim được chiếu trên máy bay hoặc nói chuyện với người bên cạnh. Điều này có tác dụng giúp hành khách phân tâm để quên đi những cơn say trong suy nghĩ.

Di-may-bay-khong-bi-say-5
Không nên đọc sách trên máy bay nếu bạn hay bị say

2.6. Điều chỉnh nhịp thở, đứng dậy đi lại nếu cảm thấy buồn nôn

Điều chỉnh nhịp thở là một trong những yếu tố quan trọng giúp làm giảm cảm giác say hoặc buồn nôn. Khi bạn cảm thấy cơn say đang kéo đến, việc hít thở nông và nhanh chỉ làm các triệu chứng say trở nên nặng hơn. Thay vào đó, hãy hít hơi chậm và sâu để cảm nhận tác dụng ngay tức thì.

Ngoài ra, bạn cũng có thể rời khỏi chỗ và đi lại một chút khi máy bay đã ổn định. Việc đứng dậy và vận động cũng sẽ giúp cơ thể cân bằng và làm giảm cảm giác chóng mặt.

Di-may-bay-khong-bi-say-6
Điều chỉnh nhịp thở - Ảnh: VnExpress

2.7. Sử dụng thuốc chống say

Ngoài các cách trên, bạn có thể sử dụng thuốc chống say trước khi lên máy bay 30 phút - 1 tiếng. Một số loại thuốc đang được bán trên thị trường là Dramamine, Bonine hay Aeron,... hoặc thuốc dạng sủi như Motilium, Peridys…

Một số loại thuốc có thể giới hạn độ tuổi, vì vậy, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc nhờ bác sĩ tư vấn để đảm bảo hơn.

Di-may-bay-khong-bi-say-7
Uống thuốc chống say máy bay - Ảnh: Thanhnien

Trên đây là những mẹo nhỏ giúp hành khách đi máy bay không bị say vừa an toàn vừa quan trọng. Tuy nhiên, dù áp dụng bất kỳ mẹo nào thì bạn vẫn cần giữ tinh thần thoải mái, thả lỏng, ổn định để có thể tận hưởng trọn vẹn chuyến hành trình của mình.

>>> Tin xem thêm: 2 cách làm nước rửa tay khô đơn giản tại nhà, phù hợp cho mọi đối tượng