Vào những ngày thời tiết nóng bức, điều hòa là vật “cứu nguy” giúp mọi người hưởng không khí mát lạnh, giải tỏa cơn nóng. Tuy nhiên, với gia đình có em bé thì khi dùng điều hòa cần chú ý nhiều vấn đề khác nhau.
1. Các mẹo dùng điều hòa cho gia đình có trẻ nhỏ
1.1. Chỉnh nhiệt độ điều hòa thích hợp cho bé
Dù nhiệt độ ở ngoài trời có nóng đến đâu bạn cũng không nên chỉnh nhiệt độ của điều hòa quá thấp vì dễ xảy ra hiện tượng sốc nhiệt. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, mức nhiệt độ lý tưởng được các chuyên gia khuyến cáo là từ 26 - 28 độ C.
Người lớn có thể cảm thấy nhiệt độ này chưa đủ mát, tuy nhiên với trẻ nhỏ, khả năng điều chỉnh thân nhiệt của bé chưa hoàn chỉnh nên đây là nhiệt độ lý tưởng.
Với mức nhiệt trên thì sự chênh lệch so với bên ngoài là khoảng 6 - 7 độ C, nằm trong phạm vi an toàn. Cách giữ ấm cho trẻ khi nằm điều hòa cũng rất quan trọng. Bạn cần cho trẻ mặc quần áo dài tay mỏng, đắp chăn, với trẻ sơ sinh thì bố mẹ lưu ý cho con mặc đủ quần áo dài, mang bao tay, tất, đội mũ và đắp chăn.
1.2. Mẹo dùng điều hòa cho nhà có trẻ nhỏ: Chú ý hướng gió của điều hòa
Khi bố mẹ đặt con nằm trong phòng điều hòa cần lưu ý xem hướng gió của điều hòa nhà mình ở đâu để đặt bé, tránh việc gió từ điều hòa thổi thẳng vào người bé. Trẻ em với hệ thống hô hấp nhạy cảm, nhiều trẻ còn có cơ địa yếu nên dù bạn đã trang bị cho con đủ quần áo ấm nhưng bé vẫn dễ mắc phải các bệnh liên quan tới đường hô hấp như viêm mũi, viêm phổi, dị ứng đường hô hấp,...Đặc biệt nếu hướng gió thổi thẳng vào các vị trí mẫn cảm trên người bé như đầu, ngực và bụng.
Vì vậy khi lắp điều hòa, bạn nên chú ý đến vấn đề này và lắp ở vị trí trên cao, miệng gió không hướng thẳng vào giường ngủ. Bạn có thể chọn những nhãn hiệu điều hòa có thiết kế đảo cánh quạt gió, khi bật cho bé thì để ở chế độ quay và để tốc độ quạt gió thấp nhất.
1.3. Không cho trẻ nằm điều hòa quá lâu
Theo các chuyên gia, để trẻ khỏe mạnh thì bạn không nên để trẻ trong phòng điều hòa 24/24 hoặc trong thời gian quá lâu. Bố mẹ chỉ nên cho trẻ nằm tối đa từ 2 - 3 tiếng, sau đó để trẻ ra ngoài, tiếp xúc với nhiệt độ bình thường khoảng 15 - 30 phút, đồng thời mở hết cửa sổ, cửa ra vào phòng.
Đây là cách để đẩy hết không khí tù đọng ra ngoài, tiến hành việc lưu thông không khí thoáng đãng, sạch sẽ hơn, không để phòng thiếu ánh nắng khiến môi trường ẩm mốc, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Ngoài ra bạn cần chú ý tới quy tắc 3 phút khi bắt đầu cho trẻ từ trong phòng điều hòa ra ngoài, tránh việc để bé sốc nhiệt: Tắt điều hòa và mở cửa phòng, cho bé chơi ở khu vực gần cửa, khi thấy nhiệt độ giữa hai bên không còn chênh lệch quá nhiều thì mới đưa bé ra khỏi phòng.
Thông thường việc này diễn ra trong khoảng thời gian 3 phút là đủ, bạn không nên đột ngột đưa con ra ngoài, có thể dẫn đến việc bé bị cảm cúm, sốt, ho,...
1.4. Mẹo dùng điều hòa cho nhà có trẻ nhỏ: Duy trì độ ẩm trong phòng
Khi sử dụng điều hòa, không khí trong phòng thường lạnh, độ ẩm thấp nên tốc độ bay hơi nhanh hơn bình thường, khiến bề mặt da của chúng ta bị khô và cơ thể bị mất nước. Điều này cũng giống như việc vào mùa đông, bạn cảm thấy làn da khô ráp hơn bình thường, hay bị nứt nẻ da tay, da chân.
Độ ẩm thích hợp cho trẻ là từ 40 - 60%, vì thế nhiều cha mẹ thường đặt trong phòng ngủ của con một chậu nước nhỏ để cân bằng không khí, tăng độ ẩm trong phòng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc làm này là sai lầm.
Nguyên nhân là vì sau một ngày đặt thì mực nước trong chậu không có sự thay đổi nhiều, nước không bốc hơi tốt tạo độ ẩm cho phòng như bạn nghĩ. Hơn nữa nếu độ ẩm trong phòng quá cao sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, gây ra các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Nhiều gia đình cũng mua thêm máy phun sương, tuy nhiên với trẻ nhỏ thì việc này không hề tốt. Nếu trẻ hít phải nhiều hơi nước cũng ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Ngày nay có nhiều loại điều hòa có thêm khả năng tạo ẩm, hoặc tạo ion chăm sóc da thì độ ẩm trong phòng luôn được duy trì tốt. Ngoài ra, bạn có thể dùng một cái khăn ẩm lau phòng khi dùng điều hòa để tăng hiệu quả và độ an toàn.
1.5. Vệ sinh phòng và điều hòa thường xuyên
Đừng quên dọn dẹp vệ sinh thường xuyên để đảm bảo điều hòa hoạt động tốt nhất, đồng thời tránh việc các vi khuẩn, mầm bệnh trú ngụ lâu bên trong ảnh hưởng tới sức khỏe, hệ hô hấp của trẻ. Thời gian hợp lý để bạn tiến hành vệ sinh định kỳ là từ 3 - 6 tháng. Đặc biệt sau một thời gian dài không sử dụng điều hòa (ví dụ như qua mùa đông) thì việc vệ sinh này càng trở nên cần thiết.
Việc vệ sinh không gian phòng bật điều hòa cũng cần được lau dọn thường xuyên, không tạo môi trường cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Khi không sử dụng điều hòa thì bạn cần mở hết cửa để lưu thông khí, đón ánh nắng mặt trời.
2. Có nên cho trẻ sơ sinh dùng điều hòa?
Trẻ sơ sinh chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt nên thân nhiệt cơ thể thường nhạy cảm và dễ thay đổi. Nhiều bố mẹ không bật điều hòa cho trẻ sơ sinh vì lo rằng con còn non nớt, dễ bị nhiễm lạnh.
Tuy nhiên quan niệm này là sai lầm. Theo các chuyên gia, với trẻ sơ sinh sinh đủ tháng và có cân nặng từ 3,5kg trở lên đã có đủ lớp mỡ để giữ nhiệt cho cơ thể, vì thế có thể sử dụng được điều hòa, miễn là bố mẹ ủ đủ ấm cho con.
Đối với những trẻ sinh non, cân nặng dưới 3,5kg thì bố mẹ có thể đợi sau 1 - 2 tháng, theo dõi sự phát triển của trẻ để cho bé nằm điều hòa. Nhiều khi vì trẻ quá nóng nên sẽ quấy khóc, khó ngủ, nhiệt độ cao khiến trẻ hay ra mồ hôi, bị rôm sảy, ngứa ngáy. Nếu bố mẹ không bổ sung lại nước cho bé kịp thời thì cơ thể bé sẽ bị mất nước hoặc để mồ hôi trên người quá lâu khiến chúng thấm ngược lại vào cơ thể, dẫn tới việc bị cảm lạnh, ho, sốt,...
Hy vọng với những mẹo dùng điều hòa cho nhà có trẻ nhỏ được giới thiệu trên đây, bạn đã nắm được những kiến thức để sử dụng điều hòa, hợp lý, đúng cách, đảm bảo sức khỏe cho bé yêu. Nếu bạn còn biết thêm những phương pháp nào khác thì hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé.
>>> Nên đọc: Hâm nóng sữa mẹ bằng nước sôi có nên hay không? Những điều cần lưu ý