Vụ việc gây rúng động dư luận diễn ra tại một quán bánh xèo miền Trung ở ở Ấp Đồn, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, khách đến ăn tại quán ăn nhiều lần chứng kiến 2 cậu bé nhân viên trong quán xuất hiện với những vết bầm tím, bà chủ quát nạt nhân viên nên đã thông tin lại cho phía báo chí.
Theo các phóng viên báo chí điều tra, sự việc dần được tiết lộ với những tình tiết rợn người. Nữ chủ quán Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sn 1986), quê ở tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu bạo hành 2 nhân viên cùng quê là T.Q.D. (sn 2005) và V.V.Đ. (sn 1999).
2 nhân viên T.Q.D và V.V.Đ kể thường xuyên bị bà chủ đánh đập, bạo hành vô căn cứ, trên người luôn có những vết bầm dập, sẹo thâm. Thậm chí, các em còn không được liên lạc về với gia đình vì bị chủ đập vỡ mất điện thoại. Dù có lý do hoặc không, D. và Đ. Đều phải chịu những trận đòn roi mỗi ngày, thậm chí bị chủ quán dùng dụng cụ cạo vảy cá đâm vào lưng, lấy dao đâm vào tay, bị bỏ đói nhiều ngày hoặc phải ăn đồ ăn thừa mà không được trả một đồng lương nào.
Em Đ kể lại với phóng viên: "Đánh em bằng chày đâm tiêu và bàn đinh, bàn đinh để đánh vảy cá. Tay em bị chém là do em đói bụng lắm, em ăn vụng một chén tương ớt, chị xách dao ra đánh em, chị đánh bằng lưỡi dao luôn đó, sau đó em được đưa lên Bệnh viên đa khoa huyện Yên Phong khâu".
Sau khi thông tin về vụ việc được báo chí đưa tin và gây sự chú ý lớn từ cộng đồng, Công an Tỉnh Bắc Ninh đã lập tức vào cuộc, chỉ đạo điều tra khẩn cấp sự việc như được thông tin.
Theo đó, ngày 22/11, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã ra lệnh tạm giữ khẩn cấp Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Chủ quán bánh xèo miền Trung để điều tra vụ việc. Tại cơ quan điều tra, vợ chồng chủ quán khai nhận những hành vi bạo hành dã man với 2 nam nhân viên trẻ tuổi, tuy nhiên lấy lý do là 2 em ăn cắp tiền và không làm được việc.
Bên cạnh đó, Cục Trẻ em cũng đã vào cuộc, chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh xác minh vụ việc, hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành và yêu cầu xử lý nghiêm hành vi bạo lực, bóc lột sức lao động của trẻ em.
Căn cứ tại Điều 19 vi phạm quy định về lao động chưa thành niên (Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). 1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cấu. 2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện pháp luật, b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy địng tại Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật lao động; c) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cầm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật lao động. b) Sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 164 của Bộ luật lao động. |