Theo thông tin trên báo Thanh Niên, ngày 22/12, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ TT-TT tổ chức, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như ca sĩ, diễn viên...
"Phong sát" là từ được bắt nguồn từ showbiz Trung Quốc, được hiểu là những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức sẽ bị nhà nước cấm hoạt động như cấm biểu diễn, cấm lên sóng, cấm hoạt động trên mạng xã hội, xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình..... Trong vài năm qua, showbiz Trung Quốc đã chứng kiến nhiều vụ "phong sát" ồn ào như Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy hay Phạm Băng Băng, Lý Dịch Phong,...
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục PT-TH-TTĐT) cho biết thêm, thông qua kinh nghiệm quản lý hoạt động nghệ sĩ tại Hàn Quốc và Trung Quốc, Bộ TT-TT đang tích cực phối hợp với Bộ VH-TT-DL và sẽ triển khai vấn đề này trong thời gian tới. Đặc biệt, trong năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm trên mạng internet. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng.
Trao đổi trên Zing, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết thêm, hiện tại mức phạt đối với các nghệ sĩ vi phạm trên môi trường mạng xã hội vẫn chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, các nghệ sĩ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng hoặc 10-15 triệu đồng.
Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, trong thời gian tới, các nghệ sĩ khi quảng cáo sai phạm, vi phạm về phát ngôn trên mạng xã hội ngoài việc xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, chẳng hạn khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây cắt sóng, cấm biểu diễn.
Trước đó, nhiều người đã đề xuất cơ quan quản lý nên "phong sát" các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống khi có liên tiếp nhiều nghệ sĩ Việt mắc phải sai phạm.
Theo báo Người lao động, năm 2021, Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) chuẩn bị được ban hành dành nhiều nội dung về quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trên báo chí, mạng xã hội, yêu cầu minh bạch từ thiện, không quảng cáo sai sự thật.
Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh Bộ quy tắc ứng xử chỉ có giá trị định hướng hành vi của nghệ sĩ, chứ không có các chế tài như luật, hoàn toàn không phải là công cụ để "trừng trị" những vi phạm pháp luật của nghệ sĩ.
Hiện nay, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia đề ra luật cấm sóng, phong sát khắt khe nhất với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức. Ví dụ: Ngô Diệc Phàm bị phán 13 năm tù vì tội hiếp dâm, Triệu Vy, Phạm Băng Băng bị phong sát lạnh, Lý Dịch Phong bị gạch tên ra khỏi showbiz vì mua dâm, đời tư thác loạn,...
Tại Hàn Quốc, Seungri (BIGBANG) bị xử 1 năm 6 tháng tù với 9 tội danh trong đó có tham ô, đánh bạc, môi giới mại dâm,...Mới đây nhất, đài KBS của Hàn Quốc đã ra lệnh cấm sóng các nghệ sĩHa Jung Woo, Don Spike, Kim Sae Ron, Kwak Do Won và Shin Hye Sung vì vi phạm scandal nghiêm trọng như lái xe trong tình trạng say rượu, chống đối cảnh sát, có ý định bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông.