Các dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ
Bất cứ ai cũng có thể phơi nhiễm với virus đậu mùa khỉ. Tổ chức y tế thế giới WHO cho biết, thời gian ủ bệnh của loại virus này thường kéo dài từ 5 đến 21 ngày. Các dấu hiệu ban đầu khi virus xâm nhập cơ thể gồm các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, gần giống triệu chứng của bệnh cảm cúm như mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức các cơ, sưng hạch bạch huyết.
Sau khi trải qua giai đoạn này, người bệnh sẽ thấy những thay đổi rõ rệt trên da, biểu hiện trong khoảng 1- 3 ngày kể từ khi sốt. Ban đầu là phát ban gồm những nốt mụn nhỏ, đỏ có thể gây đau, tập trung nhiều ở vùng mặt và tứ chi và sau đó là mụn nước và mụn mủ.
Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ có thể gây ra biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm mô não cho những người mắc phải. Ngày 3/10 vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP. HCM, điều này càng khiến mọi người cần cảnh giác hơn. Một số biện pháp hiệu quả dưới đây có thể áp dụng trong việc phòng ngừa căn bệnh này.
- Tự cách ly khi thấy những biểu hiện của bệnh. Trong trường hợp tự thấy bản thân có những triệu chứng nghi ngờ của đậu mùa khỉ cần nên cách ly, tránh tiếp xúc với người thân hay đến những nơi đông người để tránh lây lan nguồn bệnh ra cộng đồng. Liên hệ bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được tư vấn chữa trị kịp thời.
- Tránh tiếp xúc với những người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc gần cần đeo đồ bảo hộ để phòng tránh, sau tiếp xúc cần vệ sinh, khử khuẩn đúng cách theo quy định.
-
Khi ra đường hoặc đến những nơi đông người cần sử dụng khẩu trang để ngăn chặn virus có thể từ không khí xâm nhập vào.
-
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các bề mặt, đồ dùng cá nhân, đặc biệt là những đồ dùng chung. Virus đậu mùa khỉ có thể bám trên các bề mặt, vật dụng vì thế, nếu sử dụng chung đồ với người nhiễm bệnh, tỷ lệ bị mắc là rất cao.
-
Không nên tiếp xúc với các động vật có nguy cơ nhiễm virus chẳng hạn như xác động vật, động vật đang bị bệnh, chó mèo hoang, động vật hoang dã và một số loài gặm nhấm khác.
- Thực hiện đúng quy trình vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, cồn hoặc chất khử khuẩn. Đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh dụi tay lên mắt, mũi, miệng. Ăn chín uống sôi và hạn chế các loại thực phẩm tươi sống hay các loại thịt tái để tránh nguy cơ mắc bệnh. Duy trì thói quen tập thể dục để tăng cường sức đề kháng.
Những việc làm trên tuy không khó nhưng hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus đậu mùa khỉ. Mỗi người cần xây dựng tinh thần tự giác, chủ động thực hiện để góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.