Đời Sống

Hà Nội: Tưởng sốt sau tiêm vaccine Covid-19, người đàn ông không ngờ mắc sốt xuất huyết

Hương Ly - 01/07/2021 14:45 GMT+7

Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân hiện đã ổn định và được xuất viện.

Ngày 1/7, PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trung tâm đang điều trị một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, nhưng ban đầu tưởng rằng chỉ là phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19.

benh nhan sot xuat huyen
PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BVCC)

Cụ thể, ngày 18/6, anh H.M.T., 37 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Sau tiêm, anh có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau cơ. Ban đầu, anh nghĩ do những phản ứng sau tiêm nên tự theo dõi tại nhà. Đến ngày thứ 3, anh T. hết sốt, xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi…

Bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, kết quả xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết: truyền dịch, hạ sốt, truyền tiểu cầu...

Sau 6 ngày điều trị, hiện sức khỏe của anh T. đã ổn định và được xuất viện.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, nhiều người lo lắng trước dịch Covid-19 và những phản ứng sau tiêm vaccine nên khi xuất hiện triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau mỏi người,..) đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị... Chuyên gia khẳng định, điều này là sai lầm.

trieu chung sot xuat huyet
Hình ảnh ban đỏ trên bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: BVCC)

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo: Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như sốt, đau mỏi cơ. Do đó, người dân cần hết sức chú ý và các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

 1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

 2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

 3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Gia đình đã đồng ý an táng quân nhân Trần Đức Đô vào chiều nay