Sốt xuất huyết khởi đầu bằng cơn sốt cao liên tục, kéo dài 2-7 ngày và phát ban giống như sởi, sau đó đau nhức toàn thân.
Trong khi chưa có vaccine cũng như thuốc đặc trị thì giải pháp phòng ngừa, điều trị bằng liệu pháp tự nhiên, cổ truyền có tác dụng tích cực, giúp bệnh nhân hồi phục và ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
1. Thảo dược trị sốt xuất huyết
1.1 Hoàng cầm: Có hoạt tính kháng khuẩn, hạ sốt, có công dụng trị sốt cao kéo dài và trường hợp chảy máu. Ngày uống 6-15g dạng thuốc sắc hoặc bột.
1.2 Nụ hòe: Các hoạt chất rutin và quercetin trong nụ hòe có tác dụng tăng cường sức bền và giảm tính thấm của mao mạch, làm hồi phục tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương. Rutin còn có tác dụng trực tiếp làm co mao mạch và cầm máu. Nụ hòe và rutin được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết.
Ngày dùng 6-20g nụ hòe sao vàng, sắc nước uống hoặc hãm uống như chè.
1.3 Cỏ nhọ nồi: Có tác dụng cầm máu do làm tăng lượng prothrom bin trong máu, giống như cơ chế tác dụng của vitamin K, và tác dụng ức chế nhiều loài vi khuẩn gây bệnh. Nhọ nồi thường được dùng làm thuốc bổ máu, cầm máu bên trong và bên ngoài.
Mỗi ngày dùng 20g cây khô sắc thuốc uống, hoặc 30-50g cây tươi giã vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
1.4 Trắc bá: Có tác dụng ức chế một số loài vi khuẩn và virus gây bệnh, có hoạt tính cầm máu theo cơ chế tác dụng làm đông máu giống như vitamin K và có tác dụng gây co mạch. Trắc bá còn được dùng làm trị sốt và thuốc cầm máu trong một số trường hợp chảy máu.
Ngày dùng 6-12g lá trắc bá (trắc bá diệp) hoặc nhân hạt (bá tử nhân).
1.5 Dành dành: Có tác dụng kháng khuẩn, thường được dùng để chữa sốt. Quả dành dành sao đen có tác dụng cầm máu, lương huyết. Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
1.6 Kim ngân: Có tác dụng kháng khuẩn khá mạnh đối với nhiều loài vi khuẩn gây bệnh và hạ sốt, được dùng làm thuốc trị nhiễm khuẩn và sốt.
Ngày dùng 4-6g hoa hay 10-16g cành (cả lá) dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
1.7 Sinh địa: Còn có tên là địa hoàng, thục địa (sinh địa đã chế biến), có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, bổ máu, sinh huyết dịch; được dùng điều trị các trường hợp chảy máu, bệnh sốt có triệu chứng lưỡi đỏ thẫm và khát, ban ở da.
Ngày dùng 9 -15g địa hoàng sống hoặc thục địa.
1.8 Liên kiều: Liên kiều và các hoạt chất forsythosid A, C và D, có tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều loài vi khuẩn gây bệnh. Tinh dầu hạt liên kiều ức chế sự phát triển của virus cúm. Liên kiều có tác dụng hạ sốt rõ rệt và được dùng chữa phong nhiệt cảm sốt.
Ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc.
1.9 Mạch môn: Có tác dụng kháng khuẩn, cầm máu; được dùng điều trị sốt cao và các trường hợp chảy máu.
1.10 Bạch truật: Có tác dụng ức chế một số loài vi khuẩn và virus gây bệnh, còn được dùng chữa sốt trong các trường hợp sốt ra mồ hôi.
Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột.
1.11 Cỏ tranh: Rễ cỏ tranh có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, kháng khuẩn.
Ngày dùng 20g, sắc nước uống.
1.12 Lá tre: Được dùng chữa cảm sốt, ra nhiều mồ hôi. Ngày dùng 20g sắc uống.
2. Bài thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết
Thành phần: Lá khế 16g, lá dâu, sắn dây, mã đề, sinh địa, lá tre, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang, trong thời gian có dịch
Trong 10 trường hợp bị sốt xuất huyết chỉ 1-3 trường hợp trở bệnh nặng: Nôn ra máu, đau bụng, nôn mửa, tiểu ra máu, vã mồ hôi, mạch nhanh, tụt huyết áp và có biến chứng phải được nhập viện và điều trị tại bệnh viện.
7/10 trường hợp được điều trị ngoại trú và được tái khám theo dõi mỗi ngày cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh.
Người dân cần lưu ý, khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Nguồn: Bộ Y Tế