Mẹo

Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đảm bảo dinh dưỡng, tăng cân ổn định

Linh An - 27/11/2021 14:30 GMT+7

Khi bé nhà bạn được 6 tháng tuổi cũng là lúc bé bắt đầu quá trình ăn dặm của mình. Với những người lần đầu làm bố, làm mẹ chắc chắn trong giai đoạn này gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi đảm bảo dinh dưỡng.

1. Vì sao nên cho bé ăn dặm vào lúc 6 tháng tuổi?

1.1. Nhu cầu về năng lượng của bé tăng

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng và các dưỡng chất hoàn hảo cho sự phát triển cả về trí não lẫn thể chất cho bé. Tuy nhiên sau 6 tháng đầu đời thì chỉ dùng sữa mẹ không đáp ứng đủ yêu cầu cho sự tăng trưởng của trẻ. Năng lượng từ sữa mẹ cung cấp khoảng 450 kcal/ngày, trong khi đó theo từng ngày lớn dần lên, trẻ cần khoảng gần 700 kcal/ngày và nhu cầu còn tiếp tục tăng nữa.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Nhu cầu về năng lượng của bé tăng - Ảnh: Sống Sạch Food

Vào thời điểm này, hệ thần kinh và tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh, đặc biệt là cơ nhai của bé đã đủ lực để có thể nhai và cắn thức ăn, hấp thụ được những thức ăn đặc hơn so với sữa mẹ. Nếu không tập cho bé ăn dặm trong giai đoạn này, rất có thể bé sẽ chậm phát triển hơn các bạn đồng trang lứa, thậm chí có nguy cơ còi xương, suy dinh dưỡng.

1.2. Dấu hiệu nhận biết ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi 

Một số dấu hiệu mẹ có thể nhận biết xem con trẻ đã sẵn sàng cho quá trình ăn dặm hay chưa:

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Dấu hiệu nhận biết bé sẵn sàng ăn dặm - Ảnh: Tin Tức VNShop

- Cân nặng của bé tăng gấp đôi so với khi mới sinh.

- Bé có thể tự ngồi dậy, giữ đầu thẳng mà không cần bố mẹ trợ giúp.

- Bé cho đồ chơi hoặc bất cứ đồ vật gì bé thấy vào miệng gặm hoặc cho tay vào miệng.

- Bé bắt đầu nhai những gì mà mẹ đút cho bé ăn.

- Bé biết đưa môi dưới về phía trước khi mẹ đưa thìa xúc đồ ăn tới gần miệng.

- Bé tỏ ra thích thú đối với bữa cơm gia đình.

Tuy nhiên bố mẹ cũng lưu ý rằng quá trình ăn dặm nên bắt đầu khi bé 6 tháng tuổi và kết thúc sau 24 tháng. Bởi nếu như kéo dài thì bé sẽ chỉ quen ăn thức ăn dạng nhuyễn, khó hoặc ăn chậm các dạng thức ăn khác. Từ đó có thể sẽ gây khó khăn cho bé khi đi học vì ở trường sẽ phải ăn theo chế độ khác.

2. Nguyên tắc ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

2.1. Đảm bảo về số lượng

- Thời gian đầu khi bé mới tập ăn dặm hãy cho bé ăn những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc sữa công thức với số lượng 1 bữa/ngày. Sau một thời gian khi bé đã quen hơn thì tăng thành 2 bữa/ngày.

- Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc pha sữa công thức cho bé tùy theo sức ăn của bé.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ - Ảnh: PM Procare

- Ăn từ ít đến nhiều: Hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nên bạn cần lưu ý để trẻ không bị ăn quá sức, có thể dẫn tới rối loạn tiêu hóa. Ban đầu bạn có thể cho trẻ ăn 1 - 2 thìa canh bột, sau đó tăng dần lên 1/3 bát rồi nửa bát cơm bột mỗi bữa ăn.

2.2. Cân bằng về chất lượng

- Theo kinh nghiệm ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi, khi mới bắt đầu ăn nên cho bé ăn bột ngọt trước rồi mới đến bột mặn để bé dễ đón nhận và thích ứng được với các món ăn lạ. Sau khoảng 2 - 4 tuần, bạn có thể cho trẻ ăn thêm bột mặn chế biến từ thịt, cá,...

- Ăn từ loãng đến đặc: Thực phẩm cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi cần phải được nghiền nhuyễn hết mức có thể, nấu từ loãng đến đặc dần. Hệ tiêu hóa của bé trong thời gian này vẫn còn đang phát triển, tuyến nước bọt chưa sản sinh đủ enzyme để tiêu hóa được hết các loại thực phẩm. Vì vậy khi cho bé ăn đồ từ loãng đến đặc dần sẽ giúp bé dần thích ứng được với quá trình tiêu hóa các thức ăn phức tạp.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Cho bé ăn đa dạng các món - Ảnh: META

- Cho bé làm quen với các nhóm đồ ăn theo thứ tự 1, 2, 3 như sau:

+ Nhóm 1: Chủ yếu là bột ngũ cốc (có thể bắt đầu từ cháo trắng nghiền thật nhỏ).

+ Nhóm 2: Rau củ, quả (cà rốt, khoai lang, bí đỏ, chuối, bơ).

+ Nhóm 3: Thịt lợn nạc , thịt  gà nạc, thịt cá trắng.

- Nguyên tắc “tô màu bát bột”: Thức ăn dặm của bé cũng cần được cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết là: Chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra kết hợp cung cấp thêm chất xơ cho trẻ để đảm bảo một sự phát triển toàn diện cả về trí não lẫn thể chất. Để trẻ không bị nhàm chán, mẹ có thể thay đổi thành phần rau củ trong từng bữa ăn để tạo thành những bát bột có màu sắc khác nhau: Màu xanh lá từ rau, màu cam từ cà rốt, bí đỏ,…

- Không nên thêm mắm hay muối vào đồ ăn dặm: Trái ngược với suy nghĩ thêm gia vị vào giúp các món ăn thêm đậm đà để kích thích vị giác của con, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng mẹ không nên làm vậy trong thời gian con ăn dặm. Lúc này thận của trẻ vẫn còn yếu, nếu thêm các gia vị vào có thể khiến chúng phải hoạt động quá sức, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này.

- Thêm một chút dầu ăn vào các món ăn dặm của trẻ. Dầu ăn rất dễ tiêu hóa và còn giàu năng lượng. Ngoài việc giúp hòa tan các chất khác để hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn thì khi ăn dầu ăn hoặc mỡ cơ thể trẻ cũng sẽ hấp thu được canxi và vitamin D.

3. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

Để xây dựng được thực đơn 30 ngày ăn dặm cho bé 6 tháng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng lại đa dạng các món để bé không chán là điều khiến nhiều ông bố bà mẹ băn khoăn, bối rối. Sao Daily xin gợi ý một số món ăn rất giàu dinh dưỡng để bố mẹ có thể đổi món cho con trong từng bữa ăn như sau:

3.1. Cháo cà rốt nghiền

Cà rốt là loại củ có lợi cho bé phát triển về thị lực, ngoài ra trong loại củ này còn chứa beta – carotene là chất rất có lợi cho sự phát triển của bé 6 tháng tuổi. Khi mới bắt đầu ăn dặm mẹ nên cho bé ăn cà rốt nghiền để tráng ruột, chống viêm nhiễm.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Cháo cà rốt nghiền - Ảnh: Mabu dinh dưỡng

Cách nấu cháo cà rốt nghiền:

- Nguyên liệu chuẩn bị: 

+ Cà rốt nghiền: 2 thìa cà phê.

+ Cháo trắng: 2 thìa cà phê.

- Thực hiện:

+ Cà rốt rửa sạch, luộc chín mềm, nghiền nhuyễn qua rây. 

+ Cháo trắng nấu theo tỷ lệ gạo với nước là 1:10, lọc qua rây để thu được cháo mịn nhất có thể.

+ Trộn cháo với cà rốt và cho bé ăn.

3.2. Bí đỏ nghiền sữa

Bí đỏ là loại thực phẩm giàu vitamin A và muối khoáng, chất sắt và các axit hữu cơ có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Cách nấu bí đỏ nghiền sữa:

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Bí đỏ nghiền sữa - Ảnh: Mabu dinh dưỡng

- Nguyên liệu chuẩn bị: 

+ Bí đỏ: 20gr.

+ Sữa mẹ/sữa công thức: 60ml.

- Thực hiện:

+ Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, đem đi luộc hoặc hấp chín, nghiền nhuyễn qua rây.

+ Nếu dùng sữa mẹ thì cho vào nồi đun nhỏ lửa cùng với bí đỏ nghiền đến khi sôi.

+ Nếu dùng sữa công thức thì pha theo tỷ lệ rồi cho bí đỏ nghiền vào trộn đều lên rồi cho bé ăn.

3.3. Cháo hạt sen nghiền

- Nguyên liệu chuẩn bị:

+ Hạt sen: 30gr.

+ Cháo trắng: 2 thìa cà phê.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Cháo hạt sen nghiền - Ảnh: Webtretho

- Thực hiện:

+ Hạt sen bóc vỏ, bỏ tâm sen, đem luộc chín. Nghiền qua rây để thu được hạt sen mịn.

+ Cháo trắng nấu theo tỷ lệ rồi cho hạt sen nghiền vào trộn đều lên rồi cho bé ăn.

+ Mẹ có thể tận dụng nước luộc sen để nấu luôn nước dùng cho bé.

3.4. Chuối trộn sữa

- Nguyên liệu chuẩn bị:

+ Chuối chín: Nửa quả.

+ Sữa mẹ/ sữa công thức: 60ml.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Chuối trộn sữa - Ảnh: Mamanbebe

- Thực hiện:

+ Bóc vỏ chuối, dùng thìa nghiền nát, lọc qua rây để thu được chuối nghiền mịn hơn.

+ Nếu dùng sữa mẹ thì cho vào nồi đun nhỏ lửa cùng với chuối nghiền đến khi sôi.

+ Nếu dùng sữa công thức thì pha theo tỷ lệ rồi cho chuối nghiền vào trộn cùng, đến khi món ăn đạt độ sánh nhất định thì cho bé ăn.

3.5. Cháo rau chân vịt

Rau chân vịt hay còn gọi là rau bina rất giàu sắt, kali, canxi và magie tốt cho sự phát triển của não bộ của trẻ, giúp hệ xương của trẻ cứng cáp hơn.

Cách nấu cháo rau chân vịt:

- Nguyên liệu chuẩn bị:

+ Rau chân vịt: 2 - 3 lá.

+ Cháo trắng: 2 thìa cà phê.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Cháo rau chân vịt - Ảnh: Hạt Giống Nắng Vàng

- Thực hiện:

+ Rửa sạch rau chân vịt, đem đi luộc chín mềm rồi nghiền thật nhuyễn, lọc qua rây để nó mịn hơn.

+ Cháo trắng nấu theo tỷ lệ rồi cũng đem đi rây.

+ Trộn rau và cháo, cho bé ăn.

3.6. Bơ trộn sữa

- Nguyên liệu chuẩn bị:

+ Bơ chín: 1/4 quả.

+ Sữa mẹ/sữa công thức: 50 - 60ml.

an-dam-cho-be-6-thang-tuoi
Bơ trộn sữa - Ảnh: Grand Noble

- Thực hiện: 

+ Gọt bỏ vỏ bơ, thái từng lát mỏng rồi dùng thìa nghiền nhuyễn, dùng rây để lọc được bơ mịn hơn.

+ Nếu dùng sữa mẹ thì trực tiếp trộn sữa cùng bơ còn dùng sữa công thức thì pha theo quy định rồi cũng trộn bơ vào. Đánh đều lên đến khi đạt được độ sánh như mong muốn thì cho bé ăn.

Trên đây là những gợi ý về thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi giúp cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. 

>> 8 cách sử dụng bã cà phê và những công dụng bất ngờ không phải ai cũng biết

>> 8 món ngon bằng cách tận dụng cơm nguội mà ai cũng mê