Mẹo

Chữa lẹo mắt: 6 mẹo xử lý đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhanh chóng

Linh An - 03/01/2022 10:00 GMT+7

Lẹo mắt là một trong những bệnh về mắt phổ biến, có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của các bệnh nhân, nếu không chữa trị đúng cách còn có thể gây hại nghiêm trọng cho thị lực. Với 6 mẹo chữa lẹo mắt được giới thiệu ngay sau đây sẽ giúp bạn xử lý kịp thời, hiệu quả các vết lẹo, đảm bảo sức khỏe.

1. Nguyên nhân gây ra lẹo mắt

1.1. Nguyên nhân

Lẹo mắt là một nhiễm khuẩn cấp tính ở tuyến bờ mi gây ra chủ yếu bởi tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn Staphylococcus aureus (“thủ phạm” này chiếm đến 90 - 95% nguyên nhân gây bệnh) xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây nên chứng viêm nhiễm cấp tính. Vậy những yếu tố nào khiến loại vi khuẩn này có cơ hội xâm nhập khiến mắt lên lẹo?

chua-leo-mat
Nguyên nhân gây ra lẹo mắt - Ảnh: Luvis

- Dụi mắt khi chưa rửa tay. Các loại vi khuẩn thường tập trung nhiều trên tay thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, dùng tay chưa vệ sinh sạch để đeo kính áp tròng hoặc khử trùng kính áp tròng không sạch sẽ cũng là nguyên nhân.

- Không tẩy trang mà giữ nguyên lớp trang điểm qua đêm hoặc sử dụng một bộ trang điểm mắt như lông mi giả quá lâu có thể khiến vi khuẩn trên mắt phát triển.

- Dùng chung khăn với người bị lẹo mắt.

- Đã từng mắc các bệnh như viêm mí mắt hoặc bị viêm mí mắt mãn tính.

Lẹo mọc dính chặt vào da mi, thường xuất hiện ở ngay bờ mi và chỉ có ở một bên mí mắt nhưng cũng có những trường hợp mà nó xuất hiện ở cả 2 bên. Lẹo thường đi kèm với mủ và sau 3 - 4 ngày mủ sẽ vỡ ra. Bệnh này có đặc điểm là rất dễ tái phát nếu như không biết giữ gìn cũng như không được chữa trị kịp thời và đúng cách, lan từ mi này sang mi khác, sưng to khó chịu.

1.2. Triệu chứng của lẹo mắt

Có 3 loại lẹo mắt bao gồm:

- Lẹo trong: Nằm ở mặt trong phần mí mắt, phần kết mạc của mí, gây ra bởi nhiễm trùng tuyến nhầy của mí mắt. Trong một số trường hợp khi lật mí ra ngoài việc có thể nhìn rõ ràng lẹo còn có thể thấy phần đầu mủ trắng của nó.

- Lẹo ngoài: Là một nốt đỏ ở mí mắt, xảy ra do nhiễm trùng nang lông mi. Nó có kích thước và độ rắn giống như hạt đậu.

- Đa lẹo: Khi bị đa lẹo, bạn sẽ bị nổi rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí ở cả hai mắt.

chua-leo-mat
Lẹo mắt trong - Ảnh: Yeutre.vn

Các triệu chứng khi bị lẹo mắt như sau:

- Cảm giác mắt bị cộm lên, mi mắt sưng đỏ, ấn thấy đau, khó chịu.

- Mi mắt có xu hướng sụp xuống.

- Mắt nhạy cảm với ánh sáng, hay chảy nước mắt.

- Có thể mưng mủ ở phần trung tâm của lẹo.

2. Các cách chữa lẹo mắt

2.1. Vệ sinh mí mắt

Để lẹo mắt nhanh hết thì việc giữ vệ sinh cho phần mí mắt rất quan trọng. Bạn cần nhớ luôn phải rửa tay sạch sẽ dù là trước hay sau khi chạm vào vùng lẹo mắt. Tuyệt đối không được dùng chung khăn mặt với người khác, điều này có thể ngăn ngừa việc lây nhiễm chéo.

Để vệ sinh cho mí mắt, bạn hãy cho một ít muối vào nước hơi ấm, khuấy đều để muối tan hết. Sau đó, dùng một miếng bông gòn hoặc bông tẩy trang thấm dung dịch này, nhẹ nhàng chấm lên khu vực bị lẹo mắt. Cũng dùng bông để rửa sạch lại bằng nước ấm, chấm từ từ đến khi mất khô.

chua-leo-mat
Vệ sinh mí mắt - Ảnh: Bách Hóa Xanh

Trong thời gian bị lẹo bạn nên hạn chế hoặc tốt nhất là đừng trang điểm phần mắt. Hóa chất từ mỹ phẩm có thể khiến bệnh của bạn nặng và kéo dài hơn. Bạn cũng không nên sử dụng một bộ trang điểm quá lâu hoặc tiếc của mà dùng khi nó đã hết hạn. Đồng thời bạn nên tránh đeo kính áp tròng mà hãy thay bằng kính có gọng nhé.

2.2. Chườm nước ấm

Chườm nước ấm cũng là một cách hiệu quả để điều trị lẹo mắt. Nó có tác dụng đẩy nhanh quá trình chữa trị, làm lẹo nhanh biến mất.

chua-leo-mat
Chườm nước ấm - Ảnh: Webtretho

Bạn chuẩn bị nước có độ ấm vừa phải, dùng khăn sạch thấm nước, lưu ý đừng thấm đẫm quá, có thể gây khó chịu trong quá trình chườm. Sau đó, bạn đắp khăn lên mắt và giữ nó trong vòng 10 - 15 phút. Mỗi ngày bạn thực hiện việc này từ 3 - 4 lần, chắc chắn các vết lẹo sẽ nhanh bị xua tan đi. Nước ấm giúp mắt bạn đỡ đỏ và sưng hơn, làm mềm, tan mủ của lẹo mắt một cách tự nhiên.

2.3. Chườm túi trà

Bạn có thể tận dụng những túi trà lọc đã qua sử dụng để chữa lẹo mắt. Để tăng tính hiệu quả, bạn nên lựa chọn trà xanh hoặc trà đen.

chua-leo-mat
Chườm túi trà - Ảnh: Nhà thuốc An Khang

Cách thực hiện rất đơn giản. Bạn cho nước sôi vào một cái cốc hoặc ấm rồi thả túi trà vào giống như khi pha trà uống. Đợi một lúc cho túi trà thôi ra nước rồi nhấc nó lên, sau 1 phút khi túi trà đã nguội hơn thì đắp lên mắt. Bạn chườm trong vòng 5 - 10 phút thì bỏ ra. Tốt nhất bạn nên sử dụng riêng biệt 2 túi trà cho 2 mắt (trong trường hợp bạn bị đa lẹo) để tránh việc lây lan vi khuẩn.

2.4. Sử dụng nghệ

Từ lâu nghệ đã được biết tới ngoài việc làm tăng hương vị cho món ăn thì còn có những tính năng kháng viêm, chống khuẩn, có thể làm mờ vết thâm do ngã để lại sẹo. Nghệ còn là cách chữa lẹo mắt dân gian rất hiệu quả.

chua-leo-mat
Sử dụng nghệ - Ảnh: Internet

Với cách điều trị này, bạn thực hiện như sau:

- Cạo vỏ nghệ, rửa sạch sẽ rồi giã nát.

- Lấy một lượng nghệ nhất định sao cho khi cho vào nước, khuấy đều để thu được hỗn hợp dạng sệt. 

- Dùng một chiếc khăn khô sạch che lên vùng mắt bị lẹo, dùng thìa xúc hỗn hợp này đắp lên trên đó. Bạn thực hiện điều này trong vòng 20 phút, sau đó rửa sạch lại với nước ấm. 

- Lặp lại việc này một ngày 3 lần để tăng hiệu quả chữa trị nhanh nhất. 

2.5. Sử dụng lá trầu không

Lá trầu không cũng là một bài thuốc dân gian để trị lẹo mắt, nó có tác dụng tiêu viêm, sát trùng rất hiệu quả. Hơn nữa nó cũng rất dễ để tìm mua, tiện cho việc điều trị.

chua-leo-mat
Sử dụng lá trầu không - Ảnh: VHEA Việt Nam

Bạn thực hiện theo các bước như sau:

- Lá trầu không mua về phải rửa sạch, sau đó đem đi giã nát.

- Cho nước nóng vào chỗ trầu không vừa giã, khuấy đều lên. 

- Bạn cúi mặt hoặc đưa phần mắt đến gần hỗn hợp trên để xông hơi, hơi nước từ đó bốc lên sẽ tác động vào phần mụn lẹo làm nó nhanh xẹp đi.

- Thực hiện việc này mỗi ngày 3 lần thì việc điều trị sẽ diễn biến nhanh và tốt hơn.

2.6. Uống thuốc giảm đau

Nhiều trường hợp lẹo mắt có thể khiến người bệnh chịu đau đớn. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen và ibuprofen, tuy nó không có tác dụng trong việc chữa trị lẹo mắt nhưng có thể giảm sự khó chịu của bạn.

chua-leo-mat
Uống thuốc giảm đau - Ảnh: Báo sức khỏe đời sống

Tuy nhiên, nếu lẹo mắt không có dấu hiệu thuyên giảm sau vài ngày tự điều trị tại nhà, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời. Một vài trường hợp lẹo mắt nếu để nặng quá, mắt hằn tia đỏ hoặc vùng má xuất hiện tia máu thì có thể đã xảy ra nhiễm trùng tới các tế bào xung quanh.

Trên đây là top 6 cách chữa lẹo mắt hiệu quả nhất, những mẹo này đã được rất nhiều người áp dụng và thành công. Còn bạn thì sao? Hãy áp dụng ngay những cách này để loại bỏ những phiền toái của lẹo mắt trong thời gian ngắn nhất nhé.

>> Cách làm nước muối gừng ngâm chân hiệu quả dành cho nhiều đối tượng

>> Cách xếp hành lý gọn nhất để mang "cả thế giới" cùng du lịch