Những thứ bà bầu không nên ăn
Trong suốt thời kỳ mang thai, chị em cần lưu ý đến những thứ bà bầu không nên ăn để tránh một số tác động xấu đến mẹ và bé. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu tiên, khoảng thời gian nhạy cảm nhất mà ai cũng cần lưu ý.
1.1. Cá có hàm lượng thủy ngân cao
Trong giai đoạn mang thai, các mẹ bầu thường được khuyên nên ăn nhiều cá, đặc biệt Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo mỗi tuần bà bầu nên ăn khoảng 226 đến 340gr cá. Lý do là bởi trong cá rất giàu protein, một dưỡng chất thiết yếu hỗ trợ cho việc phát triển của thai nhi, ngoài ra ăn nhiều cá còn giúp mẹ bầu giảm nguy cơ sinh non.
Nếu như không biết cách chọn cá và mua nhầm phải những loại có hàm lượng thủy ngân cao như cá thu, cá ngừ, cá mập, cá kiếm, cá kình,...có khả năng làm hại tới thai nhi. Thực phẩm này gây tổn thương hệ thần kinh cả mẹ và bé, khiến thính giác, thị giác của bé bị ảnh hưởng.
Vì thế, bạn nên chú ý lựa chọn những loại cá tốt có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá cơm, cá rô phi, cá chép,...Với những loại cá này, chúng không chỉ giàu các vitamin B12, kẽm, sắt, iot, photpho mà đặc biệt dưỡng chất DHA và axit béo omega-3 rất dồi dào tốt cho não bộ.
1.2. Các loại thịt, hải sản ăn sống hoặc tái
Bình thường, các món thịt, hải sản được chế biến theo hình thức ăn sống hoặc tái như bò bít tết (rare), sushi, sashimi, gỏi cá, hàu sống, sò điệp...được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên đối với các mẹ bầu trong thời gian này thì bạn cần thay đổi thói quen, tránh xa các món trên nếu muốn bé yêu của mình có sự phát triển tốt nhất.
Lý do là vì trong những thực phẩm tươi sống này có thể chứa các vi khuẩn như salmonella, coliform, toxoplasmosis,...gây ngộ độc thực phẩm cho mẹ bầu. Khi mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ sẽ thay đổi và có khả năng trở nên yếu hơn, vì thế cơ thể bạn khó chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn trên và bị nhiễm bệnh, cho dù bình thường bạn là một “tín đồ” của các món tái sống. Ăn thịt, hải sản sống, chưa được nấu chín tăng khả năng gây ra các dị tật bẩm sinh ở trẻ hoặc thậm chí là sảy thai.
1.3. Những thứ bà bầu không nên ăn: Cua và các sản phẩm từ cua
Cua là loại thực phẩm bổ dưỡng đối với cơ thể con người, với hàm lượng chất dinh dưỡng cao như canxi, omega-3, vitamin nhóm B. Cả cua đồng và cua biển đều có nhiều dưỡng chất, ví dụ như trong cua đồng có hàm lượng kẽm, selen cao hơn thịt gà, cua biển thì có thành phần sắt chiếm 5 - 8%, kali và nhất là vitamin B12 rất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, mặc dù tốt là vậy nhưng cua và các sản phẩm từ cua lại không phải là thực phẩm thích hợp dành cho các bà bầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nguyên nhân là vì trong thịt cua, đặc biệt là cua biển có một lượng nhỏ thủy ngân cùng với các chất độc khác có thể gây tổn thương tới hệ thần kinh, hệ miễn dịch, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra ăn cua có thể gây ra các cơn co thắt tử cung, xuất huyết trong, thậm chí là lưu thai ở mẹ bầu.
1.4. Những loại rau củ quả không nên ăn
1.4.1 Rau ngót
Rau ngót là loại rau có hàm lượng dinh dưỡng khá cao so với các loại rau thông thường khác. Đặc biệt đối với các mẹ sau thai kỳ, ăn rau ngót giúp làm sạch nhanh các sản dịch, trị sót nhau rất tốt vì nó có tác dụng gây co bóp tử cung giúp tử cung nhanh đẩy hết các sản dịch sau sinh ra ngoài cơ thể một cách nhanh, sạch nhất. Một công dụng tuyệt vời khác của rau ngót chính là lợi sữa. Với các dưỡng chất như canxi, protein, phốt pho, các vitamin A, B, C,,...khi ăn rau ngót giúp kích thích sữa mẹ về nhiều hơn.
Thế nhưng với các mẹ trong giai đoạn mang thai thì cần tránh ăn rau ngót nhiều vì với tác dụng co bóp tử cung để làm hết sản dịch thì rau ngót đồng thời cũng gây ra các cơn co thắt tử cung, ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thành phần papaverin có trong rau giúp giảm đau, hạ huyết áp, giãn cơ trơn, nếu ăn các món từ rau ngót nhiều nhất là ở thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ thì có thể gây ra tình trạng động thai hoặc thậm chí là sảy thai đối với mẹ bầu.
1.4.2. Rau răm
Rau răm là loại rau có vị cay nồng, tính ấm và là một món ăn kèm thơm ngon, thường được dùng kèm với các món có tính hàn như trai, hến, trứng vịt lộn,...Từ xưa, rau răm còn được cha ông ta dùng là một bài thuốc chữa bệnh như cảm cúm, sổ mũi, tiêu thực, kích thích tiêu hóa, sát trùng,...hiệu quả. Bên cạnh đó, nó còn có công dụng như làm ấm bụng, sáng mắt, ích trí,...
Tuy nhiên với bà bầu, trong giai đoạn mang thai 3 tháng đầu, nếu như ăn rau răm thì có thể dẫn đến sảy thai. Đây là lúc thai nhi phát triển chưa ổn định, khi ăn rau răm có thể gây kích thích tử cung, khiến tử cung co bóp mạnh. Vì thế trong những tháng đầu tiên này, tốt nhất bạn nên tránh xa rau răm. Sau thời gian 3 tháng, nếu bạn thích ăn loại rau này thì lưu ý chỉ nên ăn với số lượng nhỏ, khoảng 50gr mỗi tuần và mỗi lần ăn chỉ dùng 2 - 3 cọng nhỏ.
1.4.3. Đu đủ xanh
Tương tự như rau ngót, đu đủ xanh là một thực phẩm rất lợi sữa cho các mẹ trong thời điểm sau sinh. Trong đu đủ xanh có nhiều các khoáng chất và vitamin, phụ nữ sau sinh khi ăn vào thì cả chất lượng và số lượng sữa đều tăng lên, nguồn sữa mẹ mát hơn và trẻ cũng hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn khi bú. Đu đủ xanh có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác để mẹ ăn bồi bổ.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ, trong nhựa của đu đủ xanh có chứa chất papain có thể gây co thắt tử cung mạnh, thậm chí còn làm chậm sự phát triển của bào thai. Trong thành phần nhựa này còn có rất nhiều các loại enzyme gây ra xuất huyết nhau thai, dẫn tới việc sinh non hoặc sảy thai ở mẹ bầu. Ngoài ra chất chymopapain trong đu đủ xanh cũng làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi.
1.4.4. Nhãn
Nhãn là loại trái cây rất được yêu thích bởi vị ngọt, trong nhãn còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Theo thống kê, trong 100gr nhãn đã bóc vỏ thì thành phần protein chiếm 1,31gr, vitamin C chiếm 84mg, chất xơ chiếm 1,1gr, canxi chiếm 1mg,...Khi ăn nhãn, bạn sẽ nhận được những tác dụng không ngờ như hạn chế tăng cân (nhãn có vị ngọt nhưng ít calo), tăng cường hệ miễn dịch, chữa lành vết thương,...
Đối với bà bầu, mặc dù trong nhãn rất giàu chất dinh dưỡng nhưng các mẹ cũng cần cân nhắc khi ăn. Bởi nhãn là loại quả có tính nóng, khi mẹ bầu ăn vào thì sẽ làm tăng nhiệt trong cơ thể, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi, gây đau bụng dưới và có thể bị chảy máu, thậm chí là sảy thai. Vì thế, các mẹ không nên ăn nhãn trong thời kỳ này.
Trên đây là những thứ bà bầu không nên ăn vì chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, sự phát triển thai nhi... Đồng thời, những thực phẩm trên có thể gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn đối với mẹ và bé.
Những thực phẩm bà bầu nên ăn
1. Trứng
Trứng, đặc biệt là trứng gà, chứa hầu hết các dinh dưỡng mà cơ thể trong giai đoạn thai kỳ rất cần. Đây là nguồn protein dồi dào, cùng các dưỡng chất cần thiết cho sự hình thành và phát triển khỏe mạnh của thai nhi như: axit béo omega-3, canxi, vitamin D,...và đặc biệt là choline cực kỳ có lợi cho việc duy trì sức khỏe của não bộ ở thai nhi.
Trong thời gian mang thai, nếu hàm lượng choline cung cấp cho cơ thể thấp, không đạt tiêu chuẩn thì rất có thể xảy ra tình trạng dị tật ống thần kinh đối với thai nhi. Một quả trứng tươi nguyên chất có thể chỉ có khoảng 90 calo nhưng lại có đến 113mg choline, chiếm khoảng 25% nhu cầu mà phụ nữ mang thai được khuyến nghị nên bổ sung đủ (450mg).
2. Thịt nạc (lợn, bò, gà)
Các loại thịt nạc từ lợn, bò, gà đều là những nguồn cung cấp protein chất lượng cao, khi mang thai, cơ thể của người mẹ cần được bổ sung nhiều protein hơn ngày thường để thai nhi được cung cấp đủ dưỡng chất và phát triển khỏe mạnh (khoảng 25mg/ngày). Ngoài ra, cả 3 loại thịt này đều rất giàu sắt, khi mang thai thì lượng máu trong cơ thể mẹ ngày càng tăng, vì thế mẹ cần được cung cấp đủ khoáng chất này để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, giảm khả năng sinh non và thai nhi nhẹ cân.
Thịt nạc cũng là nguồn cung cấp dồi dào các dưỡng chất khác như đạm, canxi, photpho, kẽm, vitamin B6 tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, vitamin B12 giúp dây thần kinh khỏe mạnh. Những món ngon cho bà bầu giai đoạn này từ các loại thịt nạc kể trên rất phong phú, bạn có thể tạo thực đơn để bữa ăn không bị nhàm chán, lặp lại như: Thịt kho tàu, đậu nhồi thịt, bò lúc lắc, bò áp chảo, cháo gà, gà xào hạt điều,...
3. Cam, quýt
Trong danh sách thực phẩm tốt cho bà bầu không thể không kể đến cam, quýt - nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa và các axit amin thiết yếu khác. Trong giai đoạn mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ thường yếu hơn bình thường và có thể mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường như cảm cúm. Vì thế bổ sung thêm cam, quýt vào khẩu phần ăn hàng ngày giúp bạn tăng cường thêm sức đề kháng.
Vitamin C còn có vai trò hiệu quả trong việc ngăn ngừa chảy máu sau sinh, tốt cho việc hình thành và phát triển cấu trúc xương và răng ở thai nhi, chất limonoid trong cam, quýt còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư, có tác dụng giải độc, lợi tiểu rất tốt. Ngoài vai trò này, ăn cam, quýt cũng có lợi trong việc làm đẹp da, đẩy lùi mụn trứng cá - một vấn đề khiến nhiều bà bầu đau đầu khi mang thai. Ngoài việc ăn trực tiếp, mẹ cũng có thể vắt ra làm thành nước ép, tuy nhiên lưu ý không nên uống vào buổi tối hay lúc đang đói để tránh gây hại cho cơ thể.
Hy vọng qua bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc những thứ bà bầu không nên ăn là gì, nắm được các tác hại của nó đối với cơ thể của cả mẹ và bé để phòng tránh kịp thời.
Trong thời gian mang thai thì chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, vì thế mẹ cần lưu ý xây dựng một thực đơn khoa học để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tật.
>> Hướng dẫn cách sử dụng tỏi đen - vị thuốc quý chữa bệnh có thể bạn chưa biết