Mẹo

Bí quyết để nhanh chóng hòa nhập với đồng nghiệp dành cho các "ma mới"

Linh An - 13/01/2022 14:55 GMT+7

Làm sao để hòa nhập với đồng nghiệp trong một môi trường làm việc mới chắc chắn là điều được rất nhiều người quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu bí quyết giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với đồng nghiệp tại một môi trường mới qua bài viết sau đây nhé.

Những cách hoà nhập với đồng nghiệp dễ dàng

1. Cư xử thân thiện với mọi người

Một trong những cách hòa nhập với môi trường làm việc mới nhanh nhất đó là hãy luôn cư xử thân thiện với tất cả mọi người. Đừng ngại mở lời chào hỏi và chủ động làm quen trước với họ kèm theo một nụ cười trên môi. 

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Cư xử thân thiện với mọi người - Ảnh: Timviec365.vn

Nếu như họ chưa đáp lại bạn, đừng vội nản chí, ngại ngùng và nghĩ rằng họ không quan tâm tới mình thì mình cũng không cần để tâm đến họ. Hãy cứ giữ sự thân thiện, hòa nhã và chính điều này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng với mọi người về thái độ tích cực, hình thành dần các mối quan hệ nơi công sở.

Tuy nhiên cũng đừng tỏ ra quá nhiệt tình, vồn vã thái quá nếu không có thể sẽ gây hiệu quả ngược khiến mọi người thấy khó chịu vì bị làm phiền.

2. Tạo dựng hình ảnh tích cực

Là một nhân viên mới, nếu như bạn không tạo được ấn tượng cho người khác, tạo dựng một “thương hiệu” của bản thân thì mọi người rất khó để ý đến bạn. Cho dù bạn là một người tài giỏi, có tinh thần công việc và trách nhiệm cao, luôn hoàn thành tốt các công việc được giao nhưng có thể sếp và các đồng nghiệp sẽ không đánh giá bạn đúng với năng lực nếu bạn tỏ ra quá mờ nhạt.

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Tạo dựng hình ảnh tích cực - Ảnh: SMEI Vietnam

Do đó, hãy cố gắng tự tạo ấn tượng cho bản thân từ khi mới bước vào môi trường làm việc mới có thể ngay từ một bài giới thiệu bản thân ấn tượng, tích cực đóng góp các ý kiến trong công việc chung, luôn có thái độ lạc quan trong công việc.

Một hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tạo dựng ấn tượng với mọi người. Không chỉ vậy, một thái độ vui vẻ, lạc quan cũng giúp bạn trở thành một nguồn năng lượng tích cực không chỉ khiến đồng nghiệp cảm thấy thoải mái, giải tỏa khi không khí làm việc căng thẳng mà ngay cả những người quản lý cũng sẽ đánh giá cao lòng nhiệt huyết của bạn. 

3. Tuân thủ các quy tắc, nội quy

Cho dù là công ty, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân thì đều sẽ có những quy tắc chung về giờ giấc, văn hóa ứng xử và một số quy tắc riêng cần chú ý. Làm thế nào để thích nghi với công việc mới? Bước đầu tiên chính là nắm rõ và tuân thủ theo các quy tắc, nội quy này. Bạn có thể cảm thấy nó hơi hà khắc, khó khăn để thực hiện theo nhưng dần dần, hãy học cách thích nghi với chúng. 

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Tuân thủ quy tắc - Ảnh: Thư Ký Luật

Đừng cố gắng phá vỡ những quy chuẩn đã được tạo ra và áp dụng từ lâu, điều này không khiến bạn trở nên nổi bật mà chỉ khiến bạn trở thành một cái gai trong mắt quản lý và các đồng nghiệp, có thể tạo ra sự cô lập không mong muốn. Cũng tránh tuyệt đối việc so sánh các quy tắc ở công ty mới và công ty cũ của bạn nếu bạn không muốn bản thân trở thành mục tiêu soi mói của sếp.

4. Luôn cẩn trọng trong công việc

Cẩn trọng trong công việc là một điều không thể thiếu đối với bất kỳ một nhân viên hay thậm chí là một lãnh đạo. Tuy nhiên đối với một người mới thì điều này đặc biệt quan trọng hơn vì khoảng thời gian đầu khi vào làm việc sẽ có nhiều sự chú ý đặt lên bạn để xem năng lực của bạn đến đâu, có thật sự phù hợp với vị trí công việc hiện tại không.

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Cẩn thận trong công việc - Ảnh: Tiin

Sếp có thể bỏ qua cho lần mắc lỗi đầu tiên của bạn nhưng nếu bạn liên tục phạm lỗi thì sẽ tạo ấn tượng xấu về một con người cẩu thả, không có trách nhiệm đối với công việc. Để tránh tình trạng đó xảy ra, hãy chủ động sắp xếp và xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, hợp lý cũng như tự đưa ra các tình huống bất ngờ có thể phát sinh. Nhờ vậy, bạn sẽ tự chuẩn bị được những phương án giải quyết thích hợp và tích lũy thêm được nhiều kiến thức.

5. Chủ động tham gia các công việc nhóm

Một nhân viên mới nên làm gì để nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc, với các đồng nghiệp? Câu trả lời chính là hãy chủ động tham gia các công việc nhóm. Đừng đợi đến khi có lời đề nghị hoặc nhắc nhở thì bạn mới tham gia. Càng tham gia sớm, bạn càng nắm bắt được nhiều cơ hội giao lưu và học hỏi các kinh nghiệm cũng như xin chỉ dẫn từ các đồng nghiệp trong nhóm hơn. 

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Chủ động tham gia công việc nhóm - Ảnh: English4u

Đây cũng chính là một chất xúc tác tuyệt vời giúp bạn tạo dựng được mối quan hệ thân thiết hơn với các đồng nghiệp của mình. Từ đó dần dần họ sẽ nhớ tới bạn và gọi bạn trong lần làm nhóm tiếp theo hoặc đơn giản là rủ bạn cùng đi ăn trưa, tránh trường hợp bạn rơi vào tình cảnh lẻ loi một mình.

6. Đi ăn trưa với đồng nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà các hợp đồng làm ăn thường được bàn bạc và ký kết thành công bên bàn tiệc. Bàn ăn luôn là nơi rất dễ để bắt đầu bất kỳ một mối quan hệ nào, vậy nên đừng từ chối lời mời đi ăn trưa vào những ngày đầu đi làm dù bạn chưa quen ai và cảm thấy ngại ngùng. Hãy nắm bắt khoảng thời gian lý tưởng này để bước đầu làm quen, dần hòa nhập với đồng nghiệp và ghi nhớ một vài thông tin cơ bản về mỗi người như tên, tuổi, vị trí công việc cụ thể của từng người,...Điều này sẽ giúp bạn biết được khi bạn gặp vấn đề gì trong công việc thì nên tìm đến ai và hỏi ai.

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Đi ăn trưa với đồng nghiệp - Ảnh: Timviec365.vn

Thời gian ăn trưa cũng là lúc mọi người thả lỏng tinh thần, bạn có thể từ từ tìm hiểu văn hóa của công ty như thế nào, có điều gì cần đặc biệt chú ý khi làm việc hay không. Tuy nhiên bạn cũng phải lưu ý về cách cư xử và hành vi của mình, cẩn thận từng lời nói và cử chỉ. Hãy ăn uống từ tốn, đừng nên khoe khoang về bản thân mà hãy hỏi thêm các câu hỏi liên quan tới công việc một cách khéo léo.

7. Chấp nhận sự khác biệt

Môi trường làm việc chính là một xã hội thu nhỏ với những con người cùng phong cách sống, lối suy nghĩ và quan điểm, lập trường khác nhau. Một trong những điều khiến ta cảm thấy khó khăn để hòa nhập với đồng nghiệp chính là do bất đồng quan điểm. 

Bạn hãy nhớ rằng, khi bước chân vào một môi trường mới, bạn cần tập làm quen và học cách chấp nhận để thích ứng với mọi người xung quanh. Nói như vậy không có nghĩa bảo bạn phải thay đổi, đồng hóa chính mình với mọi người để hòa nhập mà bạn cần biết cách chấp nhận những khác biệt trong tư duy và quan điểm của tập thể mới. 

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Chấp nhận sự khác biệt - Ảnh: Chơn Linh

Khi muốn phản biện lại ý kiến của đồng nghiệp, hãy lựa chọn một cách nói khéo léo để không làm mất lòng nhau mà vẫn đạt được hiệu quả mà bạn mong muốn. Nếu chẳng may xảy ra xung đột, thay vì nổi nóng và đẩy sự mâu thuẫn tới đỉnh điểm thì hãy bình tĩnh, đánh giá lại vấn đề thật khách quan để nhận ra nguyên nhân xuất phát từ ai và tìm ra cách giải quyết phù hợp.

8. Đề nghị được giúp đỡ

Trong một số trường hợp cần thiết, khi gặp phải một vấn đề không thể giải quyết thì bạn đừng ngại mà nhờ tới sự giúp đỡ của mọi người, của các “tiền bối” đi trước. Đừng ngại ngùng mà giấu “dốt”, sẽ không có ai đánh giá thấp năng lực của bạn mà họ chỉ xem là bạn là người mới, chưa quen việc nên chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn.

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Đề nghị được giúp đỡ - Ảnh: Van hoa EVN

Nếu bạn cứ tự giải quyết một mình hoặc lờ đi điều bạn không biết thì bạn sẽ không bao giờ tiến bộ được. Vậy nên đừng ngại ngần đưa ra đề nghị được giúp đỡ, bạn không chỉ được mọi người chỉ dẫn cách giải quyết một vấn đề mà còn học hỏi được các kinh nghiệm từ những người đi trước, cải thiện thêm kiến thức và kỹ năng cho bản thân.

Hãy cố gắng làm quen, kết thêm cho mình nhiều bạn mới, tìm cho mình một “người chỉ dẫn” (hiểu một cách đơn giản là một người đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm hơn, một người bạn có thể mở lòng). Những điều này chắc chắn sẽ giúp ích cho quá trình công tác của bạn. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý không nên nhờ vả quá nhiều, sẽ gây cảm giác phiền hà và tạo cảm giác bạn là người lười biếng, lười suy nghĩ.

9. Tham gia các hoạt động của công ty

Việc tham gia vào các chương trình, hoạt động của công ty là một trong những cách tuyệt vời và nhanh nhất để bạn làm quen và hòa nhập với đồng nghiệp, xây dựng các mối quan hệ. Bên cạnh đó, hãy tìm hiểu xem mọi người trong văn phòng có tổ chức một buổi tụ tập sau giờ làm vào tối thứ 6 hay cuối tuần hay không. Nếu có, đừng ngại ngần mà tham gia cùng họ.

hoa-nhap-voi-dong-nghiep
Tham gia các hoạt động của công ty - Ảnh: Give A Grad A Go

Vào những lúc này, bạn không chỉ nói chuyện với họ về công việc mà còn có thể bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, biết đâu bạn lại tìm được cho mình một người “hợp cạ” thì sao. Đồng thời đây cũng là lúc bạn hiểu thêm về con người, tính cách và sở thích của các đồng nghiệp và biết được rằng ai là người bạn nên kết thân, ai chỉ nên giữ mối quan hệ xã giao bình thường. 

Tuy nhiên bạn cũng phải tự biết giới hạn của mình, vui chơi nhưng vẫn phải đảm bảo được tiến độ của công việc. 

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã tự nắm được những bí quyết làm sao để nhanh chóng hòa nhập với đồng nghiệp. 

>> Hướng dẫn cách vệ sinh nồi chiên không dầu đơn giản mà hiệu quả

>> 6 cách nhận biết tiền giả bằng mắt thường hiệu quả giúp bạn không bị lừa