Mẹo

6 cách nhận biết tiền giả bằng mắt thường hiệu quả giúp bạn không bị lừa

Linh An - 04/01/2022 16:44 GMT+7

Hãy bỏ túi 6 cách nhận biết tiền giả bằng mắt thường đơn giản mà hết sức hiệu quả giúp bạn và gia đình giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo. Tiền giả tuy có tinh vi đến đâu thì cũng không thể làm giả về độ bảo an, tinh xảo giống với tiền thật.

1. Tiền giả là gì?

Tiền giả là loại tiền sản xuất một cách bất hợp pháp, không có chế tài pháp lý của Nhà nước hoặc Chính phủ. Theo quy định của luật pháp Việt Nam, chúng ta chỉ công nhận sử dụng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức in, đúc, phát hành. Ngoài ra, tiền do bất cứ một tổ chức nào khác sản xuất đều là tiền giả dù cho có giống với hình thức tiền thật bao nhiêu đi chăng nữa.

cach-nhan-biet-tien-gia
Chỉ sử dụng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành - Ảnh: SoHa

Tiền giả bị cấm tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Đây cũng là vấn nạn mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Các hành vi cố tình trục lợi, làm giả, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tùy theo mức độ nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với án phạt nhẹ thì 3 năm tù giam mà nặng thì chung thân hoặc tử hình. 

2. Hướng dẫn các cách nhận biết tiền giả

2.1. Kiểm tra chất liệu polymer tờ tiền bằng tay

Tiền thật sử dụng chất liệu giấy nền polymer để in tiền, đây là một chất liệu có độ đàn hồi và độ bền cơ học cao, có khả năng chống giả cao và sạch hơn tiền giấy truyền thống. 

Chúng ta có thể dựa vào tính đàn hồi này để kiểm tra tiền thật bằng cách vò nhẹ tờ tiền, nắm trong lòng bàn tay một lúc và mở ra. Nếu là tiền thật thì nó sẽ trở về trạng thái phẳng như ban đầu. Bên cạnh đó nếu trên đồng tiền polymer thật có những nếp gấp thông thường thì bạn cũng dễ dàng ép nó phẳng lại như bình thường trong một thời gian nhất định. 

cach-nhan-biet-tien-gia
Kiểm tra chất lượng polymer của tờ tiền - Ảnh: META

Để kiểm tra độ bền của tiền thì bạn hãy kéo, xé nhẹ ở mép tờ tiền (lưu ý không kéo, xé tại vị trí tiền đã rách) để xem tiền có dễ dàng bị rách hay nhanh giãn ra hay không thì đó là tiền giả.

Tiền giả chủ yếu sử dụng chất liệu nilon để in nên sẽ không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật. Đây là lý do nhiều người hay vò tiền mỗi khi nhận được đồng có mệnh giá lớn để xem nó có trở về trạng thái như ban đầu không.

2.2. Soi tiền trước nguồn sáng

Hình bóng chìm, hình định vị, dây bảo hiểm của tờ tiền là những yếu tố chỉ có thể kiểm tra được khi soi trước nguồn sáng. Bạn có thể soi tiền trước đèn flash, đèn pin, bóng đèn trong nhà hay ánh sáng ban ngày để kiểm tra.

- Hình bóng chìm: Bạn có thể nhìn hình từ góc trái bên trên mặt trước hoặc góc phải bên trên mặt sau tờ tiền. Đối với mệnh giá từ 20.000đ đến 500.000đ hình bóng chìm là chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh; còn mệnh giá 10.000đ là hình ảnh chùa Một Cột. 

cach-nhan-biet-tien-gia
Hình bóng chìm ở tờ 100.000đ

Hình bóng chìm phải nhìn thấy rõ từ cả hai mặt tờ tiền, các đường nét tinh xảo, rõ ràng, khi soi dưới ánh sáng thấy hiện lên màu sáng trắng.

- Hình định vị: Hình ảnh trên hai mặt tờ tiền phải ở cùng một vị trí, khớp với nhau, khoảng cách giữa các khe trắng trên hình ảnh phải cách đều nhau. Riêng đối với tờ 500.000đ thì hình định vị khi ghép vào phải tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh. Đây cũng là một cách nhận biết tiền giả 500.000đ hiệu quả.

cach-nhan-biet-tien-gia
Hình định vị ở tờ 500.000đ - Ảnh: Quantrimang.com

Tùy theo từng mệnh giá tiền mà vị trí hình định vị khác nhau:

+ Với 10.000đ, 20.000đ: Góc trái phía trên mặt trước hoặc góc phải phía trên mặt sau tờ tiền.

+ Từ 50.000đ đến 500.000đ: Góc phải phía trên mặt trước hoặc góc trái phía trên mặt sau tờ tiền.

- Dây bảo hiểm: Tùy theo từng tờ tiền mà vị trí của dây bảo hiểm ở bên tay phải hoặc trái, chạy dọc theo tờ tiền. Trên dây bảo hiểm in cụm số mệnh giá và chữ "NHNNVN" (hoặc "VND" trên tờ 10.000đ) soi dưới ánh sáng thấy sáng trắng. Riêng với tờ 50.000đ, dây bảo hiểm in ở giữa, ngắt quãng, có cụm số "50000". Hãy chú ý đặc điểm này để biết cách nhận biết tiền giả 50.000đ. 

cach-nhan-biet-tien-gia
Dây bảo hiểm - Ảnh: Quantrimang

Ở tiền giả, các yếu tố này chỉ được mô phỏng theo, làm không tinh xảo, cẩn thận, các hình định vị sẽ không khớp nhau.

2.3. Kiểm tra các yếu tố in nổi trên tờ tiền

Ở các tờ tiền thật, mặt trước của tất cả các mệnh giá, vị trí chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mệnh giá bằng chữ và bằng số, quốc huy, dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” đều được in nổi lên, khi sờ vào thấy nhám nhám tay.

cach-nhan-biet-tien-gia
Kiểm tra các yếu tố in nổi - Ảnh: META

Đối với các mệnh giá từ 100.000đ trở lên, vị trí các phần được in nổi lên có thêm dòng chữ “NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM”, mệnh giá bằng chữ và bằng số, phong cảnh.

Ở tiền giả, khi bạn vuốt tay vào những vị trí ấy chỉ cảm thấy trơn lì, không có độ nổi, nhám ráp như ở tiền thật.

2.4. Kiểm tra mực đổi màu khi nghiêng tờ tiền

- Ở 3 mệnh giá 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ khi nghiêng tờ tiền bạn sẽ quan sát thấy màu mực của hình ảnh OVI đổi màu từ vàng sang lần lượt là xanh lục đậm, xanh đậm, xanh lá. 

cach-nhan-biet-tien-gia
Mực đổi màu - Ảnh: Quantrimang.com

Với tờ 200.000đ, 500.000đ: hình OVI ở góc dưới bên trái; 100.000đ thì hình OVI ở góc trên bên phải mặt trước tờ tiền.

- Dây bảo an (IRIODIN) là dải màu vàng chạy dọc trên mặt sau của tờ tiền, xuất hiện trên đồng tiền polymer trừ mệnh giá 50.000đ. Riêng đối với tờ 100.000đ thì dải dây đặt tại mặt trước. Khi ta chao nghiêng tờ tiền sẽ thấy dải dây lấp lánh ánh kim, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn. 

cach-nhan-biet-tien-gia
Dây bảo an - Ảnh: Quantrimang.com

Tiền giả thì không có 2 yếu tố này hoặc có thì nó không đúng màu như tiền thật, không lấp lánh mà chỉ phản chiếu 1 màu.

2.5. Kiểm tra tiền giả bằng hình ẩn trên các cửa sổ trong suốt

- Ở tiền thật:

+ Các cửa sổ lớn là một nền nhựa trong suốt ở bên tay phải phía trước tờ tiền, có các hình thù khác nhau tùy theo mệnh giá. Tại đây mệnh giá tiền nằm trong một hình elip sẽ được in dập nổi ở giữa cửa sổ, khi bạn sờ tay vào sẽ cảm nhận được. 

cach-nhan-biet-tien-gia
Cửa sổ lớn ở tờ 500.000đ - Ảnh: Quantrimang.com

+ Các cửa sổ nhỏ nằm ở góc trên cùng bên trái chỉ có ở các mệnh giá 50.000đ, 100.000đ, 200.000đ và 500.000đ. Tại đây có chứa các hình ẩn khác nhau tùy theo mệnh giá mà bạn chỉ có thể quan sát được khi đưa nó tới gần sát mắt, nhìn thông qua nguồn sáng phù hợp: Ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn flash điện thoại,...Trong đó tiền giả bằng điện thoại là cách khá tiện lợi và đơn giản ai cũng có thể kiểm tra.

cach-nhan-biet-tien-gia
Cách nhận biết tiền 200.000đ giả bằng hình in nổi - Ảnh: Quantrimang.com

Lưu ý đối với những tờ tiền cũ, bạn cần mất nhiều thời gian hơn để nhìn rõ hình ẩn vì cửa sổ nhỏ tại những tờ tiền này thường có nhiều vết xước, ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh.

- Ở tiền giả: 

Trên tiền giả, cụm mệnh giá in dập nổi trên cửa sổ lớn nhìn không tinh xảo giống tiền thật, không có hình ẩn tại cửa sổ nhỏ. 

2.6. Cách nhận biết tiền giả bằng số seri

Những năm về trước, mọi người truyền tai nhau rằng có thể phân biệt tiền giả bằng số seri. Theo đó, số seri tiền giả 500.000đ có chữ cái đầu là LF, NJ, LN; tờ 100.000 đồng có chữ cái đầu seri là LF, FT, SG, Yi thì là tiền giả,...

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã bác bỏ cách kiểm tra bằng phương pháp này và khẳng định không thể dựa vào các chữ các đầu seri để nhận biết đâu là tiền thật, tiền giả mà phải dựa vào các yếu tố bảo an của tờ tiền.

Hy vọng với những chia sẻ về cách nhận biết tiền giả trên đây, bạn đã nắm được những phương pháp kiểm tra tiền để không bị lừa đảo khi giao dịch. Chúc các bạn thành công.

>> Mách bạn mẹo chọn giày cao gót cực kỳ tôn dáng mà lại vô cùng êm chân

>> Cách làm nước muối gừng ngâm chân hiệu quả dành cho nhiều đối tượng