Mẹo

8 mẹo giúp bạn chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả hơn mỗi ngày

Linh An - 29/11/2021 10:42 GMT+7

Quản lý chi tiêu luôn là vấn đề khiến mọi người phải đau đầu vì không phải ai cũng biết cách chi tiêu tiết kiệm rõ ràng, cụ thể. Đừng lo vì ngay sau đây bài viết này sẽ giới thiệu tới các bạn 8 mẹo hướng dẫn giúp bạn quản lý thu nhập chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả.

Gợi ý 8 mẹo chi tiêu tiết kiệm hiệu quả

1. Sử dụng sổ tay chi tiêu hoặc các ứng dụng quản lý tài chính

Theo dõi chi tiêu là một trong những cách giúp việc chi tiêu tiết kiệm hiệu quả hơn. Hàng ngày hãy chăm chỉ ghi lại các khoản bạn đã chi tiêu để cuối tháng tổng kết lại. Khi đó bạn sẽ biết được mình đã tiêu tiền vào những việc gì rồi từ đó cân đối lại thu chi, bỏ bớt các khoản không thực sự cần thiết đi là bạn đã có thể tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.

Một trong những phương pháp quản lý chi tiêu bằng sổ ghi chính là phương pháp Kakeibo của người Nhật Bản. Đây là phương pháp truyền thống được người Nhật áp dụng từ lâu, bằng cách ghi ra các khoản cần tiêu theo 4 mục: Sinh hoạt, nâng cao (ăn ngoài hàng, hội họp,...), giải trí, chi phí phát sinh.

chi-tieu-tiet-kiem
Phương pháp Kakeibo của người Nhật Bản - Ảnh: Happy Live

Ngoài ra hiện nay để tiện cho việc theo dõi chi tiêu, bạn có thể cài đặt các ứng dụng quản lý tài chính trên điện thoại, máy tính bảng, laptop,...Một số các ứng dụng nổi tiếng, cài đặt miễn phí và dễ sử dụng đó là Money Lover, Money Keeper, Spendee,...

2. Lập ngân sách chi tiêu

Đây được coi là chìa khóa quan trọng giúp bạn quản lý tiền bạc hiệu quả, phân chia thu nhập vào các khoản tiêu cụ thể để đặt ra hạn mức tối đa bạn có thể tiêu cho khoản đó.

Tùy theo điều kiện gia đình và nhu cầu mua sắm, bạn có thể áp dụng các cách phân chia thu nhập khác nhau. Có 2 cách phân chia nổi tiếng được nhiều người áp dụng đó là:

2.1. Quy tắc 50/20/30

Quy tắc 50/20/30 có nghĩa là:

- 50% thu nhập dành cho các chi phí thiết yếu trong cuộc sống: tiền nhà, ăn uống, xăng xe, điện nước,... 

- 20% thu nhập dùng để tiết kiệm, trả nợ, lập khoản dành cho các chi phí phát sinh ví dụ như đi ăn cưới,...

- 30% thu nhập còn lại dùng cho các chi tiêu cá nhân như du lịch, giải trí, mua sắm.

chi-tieu-tiet-kiem
Phân chia thu nhập theo quy tắc 50/20/30 - Ảnh: Gia Cát Lợi

Bạn có thể thay đổi con số này linh hoạt phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu của bản thân. Nếu như bạn thấy việc chi tiêu cho các khoản cá nhân không cần thiết lắm thì có thể tăng phần trăm hai khoản còn lại lên.

2.2. Quy tắc 6 chiếc lọ

Quy tắc này được giới thiệu bởi T.Harv Eker - tác giả cuốn best-seller "Bí mật tư duy triệu phú" nổi tiếng trên thế giới. Quy tắc này được hiểu như sau: Chia thu nhập của bạn thành 6 phần:

- Phần thứ nhất: 55% dành cho các chi tiêu cần thiết.

- Phần thứ hai: 10% dành cho việc tiết kiệm dài hạn.

- Phần thứ ba: 10% dành cho việc học tập, giáo dục.

- Phần thứ tư: 10% dành cho các nhu cầu cá nhân.

- Phần thứ năm: 10% dành cho quỹ tự do tài chính.

- Phần thứ sáu: 5% dành cho việc từ thiện, giúp đỡ người khác.

chi-tieu-tiet-kiem
Phân chia thu nhập theo quy tắc 6 chiếc lọ - Ảnh: Vietstock

Trong đó, tự do tài chính là trạng thái bạn có một cuộc sống như mong muốn, có thể đưa ra mọi quyết định mua gì, ăn gì mà không bị chi phối bởi tiền bạc đắt hay rẻ. Để tạo ra được quỹ này thì bạn có thể làm nhiều cách để tăng số tiền 10% ban đầu lên bằng cách kinh doanh, đầu tư, gửi tiết kiệm ngân hàng,...

Đối với quỹ dành cho việc từ thiện bạn có thể giảm bớt đi nhưng hãy luôn để ra một khoản nhỏ phòng khi người thân của mình có việc gấp cần sự giúp đỡ của bạn.

3. Lập danh sách đồ cần mua trước khi đi mua sắm

Khi bước vào siêu thị, trung tâm thương mại, rất nhiều người có xu hướng đi la cà, ngắm nghía khắp nơi và rồi mua thêm một đống đồ không nằm trong dự tính mua ban đầu khiến cho chi phí mua sắm bị đội lên không ít.

Chưa kể, khi thấy các sản phẩm giảm giá, mua 3 tặng 1 mọi người cũng dễ bị hấp dẫn và bỏ vào giỏ đồ dù sản phẩm đó không cần thiết ngay bây giờ.

chi-tieu-tiet-kiem
Lập danh sách đồ cần mua ở nhà - Ảnh: Vinmec

Để ngăn chặn tình trạng rỗng túi sau mỗi lần mua sắm, hãy lập sẵn một danh sách đồ cần mua hơn là những đồ bạn thích ở nhà trước. Khi đến siêu thị đến thẳng quầy hàng đồ có trong danh sách, tránh việc đi lại không có mục đích. Sau khi mua xong hãy ra thanh toán luôn và rời đi.

Ngoài ra, bạn có thể mang theo số tiền dự tính bằng với số đồ bạn cần mua. Đây là một cách tiết kiệm chi tiêu cá nhân hiệu quả, giúp bạn kiềm chế được sở thích mua sắm của mình.

4. Chi tiêu tiết kiệm bằng cách tự nấu ăn tại nhà 

Thay đổi từ những thứ đơn giản, nhỏ nhất như tự nấu ăn tại nhà cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ. Việc ăn hàng thường xuyên không chỉ khiến túi tiền của bạn bị thâm hụt mà còn tồn tại các vấn đề liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm.

chi-tieu-tiet-kiem
Tự nấu ăn tại nhà tiết kiệm chi phí - Ảnh: MamaClub

Tự tay chọn lựa các nguyên liệu tươi ngon, bảo quản đúng cách, tự nấu mang đi học, đi làm vừa giúp bạn đảm bảo được dinh dưỡng, vừa chủ động về thời gian. Không chỉ vậy bạn còn có thể trở thành một đầu bếp tài năng nữa đấy.

5. Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện

Thay thế các đồ điện trong nhà bằng các thiết bị tương đương nhưng có thêm chức năng tiết kiệm điện là giải pháp tuyệt vời để giảm bớt hóa đơn tiền điện hàng tháng. Ví dụ như bạn có thể sử dụng bóng đèn LED vừa có tuổi thọ dài hơn vừa tiết kiệm điện hơn thay cho bóng đèn sợi đốt bình thường. 

chi-tieu-tiet-kiem
Dùng đèn led thay cho đèn sợi đốt để tiết kiệm điện - Ảnh: Kingled

Ngoài ra, hãy luôn nhớ tắt hết các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng. Hạn chế việc bật điều hòa trong nhiều giờ mà hãy sử dụng quạt trần, quạt cây thay thế, đặc biệt là trong mùa hè lúc nắng nóng cao điểm thế này sẽ giúp bạn cắt giảm tới 30% chi phí sử dụng điện mỗi tháng.

6. Hạn chế các chi tiêu không cần thiết

Một trong những cách để bạn chi tiêu tiết kiệm nhất đó là hạn chế việc chi tiền cho những thứ không thật sự cần thiết. Bạn có thể cắt bớt việc ra quán ăn mỗi sáng, order một cốc trà sữa vào buổi chiều, hạn chế tụ tập bạn bè ăn uống hay đơn giản là giảm bớt việc mua mỹ phẩm, quần áo. 

Hãy thử nghĩ rằng thay vì tốn 50.000đ cho một cốc trà sữa, ăn vặt mỗi ngày, nếu bạn không uống thì bạn đã có thể tiết kiệm đến hơn 1 triệu một tháng.

chi-tieu-tiet-kiem
Hạn chế chi tiêu mua sắm các thứ không cần thiết - Ảnh: BizLIVE - cuocsongantoan

Thay vào đó hãy tự mình chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa, sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển nếu có thể, vừa tiết kiệm chi phí xăng xe vừa giúp bảo vệ môi trường.

Một cách nữa để hạn chế việc chi tiêu không cần thiết này là hãy xóa các ứng dụng mà bạn hay dùng để đặt đồ ăn, mua đồ đi một thời gian. Bạn sẽ thấy hiệu quả ngay tức thì đó.

7. Gửi tiền vào ngân hàng

Sau khi đã lên kế hoạch chi tiêu cho một tháng, bạn có thể dư ra khoản tiền 200 nghìn, 500 nghìn, 1 triệu. Nếu như để số tiền này trong ví thì bạn rất dễ “xiêu lòng”, tiêu linh tinh và cuối cùng thì lại không tiết kiệm được cái gì.

Cách tốt nhất là để tiền đẻ ra tiền bằng cách gửi tiết kiệm ngân hàng. Với cách này tiền của bạn được giữ an toàn, bạn còn thu được lãi hàng tháng nữa. Hãy tìm hiểu và so sánh về độ uy tín, ưu đãi lãi suất, các chương trình quà tặng của các ngân hàng để chọn được ngân hàng tốt nhất.

chi-tieu-tiet-kiem
Gửi tiền vào ngân hàng giúp tiền đẻ thêm tiền - Ảnh: Topbank

Bạn cũng có thể tiết kiệm số tiền dư ra này bằng cách bỏ ống heo. Tất nhiên dù là cách nào thì cũng cần tính tự giác từ chính phía bạn. Đừng nghĩ rằng mình còn một khoản tiền dư ra, hãy quên nó đi và đừng động gì đến nó, chỉ sử dụng khi có việc thật sự cần thiết.

8. Thay đổi cách nhìn nhận về tiết kiệm tiền

Hãy cố gắng đặt ra mục tiêu vì sao mình phải tiết kiệm tiền. Khi bạn có mục tiêu, chỉ đơn giản như là tiết kiệm để mua một cái áo mới chẳng hạn thì bạn cũng đã có động lực hơn trong việc chi tiêu tiết kiệm. 

chi-tieu-tiet-kiem
Thay đổi thái độ về tiết kiệm tiền để tạo động lực - Ảnh: OCB GO

Thay vì nghĩ rằng chi tiêu tiết kiệm là khổ sở vì phải bỏ qua các cuộc vui chơi, hoạt động giải trí, mua sắm khiến cho bản thân cảm thấy khó chịu thì hãy nghĩ theo một cách khác. Hãy nghĩ rằng chi tiêu tiết kiệm hôm nay chính là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn tới tương lai tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn. Khi ấy, bạn sẽ không còn cảm thấy việc phải tiết kiệm, cắt bớt chi tiêu là một cực hình nữa mà sẽ vui vẻ chấp nhận nó.

Trên đây là những mẹo giúp bạn học cách chi tiêu tiết kiệm hiệu quả hơn. Hãy áp dụng chúng để thay đổi cuộc sống của bạn ngày càng tốt hơn. 

>> Hướng dẫn phân loại rác - bảo vệ môi trường xanh

>> 8 cách sử dụng bã cà phê và những công dụng bất ngờ không phải ai cũng biết