1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương khi lượng máu cung cấp tới não bị gián đoạn hay giảm đáng kể. Từ đó dẫn tới hiện tượng não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào não và chúng sẽ bắt đầu chết chỉ trong vài phút. Thời gian cấp cứu càng lâu thì số lượng tế bào não chết càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của cơ thể như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ thậm chí là tử vong.
Vì thế người bị đột quỵ cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Có 2 dạng đột quỵ là:
- Nhồi máu não: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca đột quỵ hiện nay. Tình trạng này xảy ra bởi sự tắc nghẽn trong động mạch não, khiến sự lưu thông máu lên vùng não đó bị cản trở. Từ đó dẫn tới việc các tế bào não bị thiếu hụt oxy, thời gian cấp cứu càng diễn ra lâu thì số lượng tế bào bị hoại tử chết đi càng nhiều, chức năng cơ thể mà vùng não đó chi phối cũng bị ảnh hưởng theo.
- Xuất huyết não: Chiếm khoảng 15% tổng số các ca đột quỵ. Đột quỵ gây ra bởi dạng này khi một mạch máu não bị vỡ, máu thoát khỏi thành mạch và thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não.
Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ, tuy nhiên những người từ độ tuổi trung niên trở lên (trên 50 tuổi) thì khả năng xảy ra đột quỵ càng tăng.
2. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Có nhiều yếu tố gây ra hiện tượng đột quỵ, một trong số đó là nguyên nhân liên quan tới các yếu tố bệnh lý như từng có tiền sử đột quỵ, bị các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch,...Ngoài ra cũng có những yếu tố khách quan như tuổi tác, giới tính (nam giới thường có tỷ lệ đột quỵ cao hơn nữ giới) hay nếu gia đình bạn đã từng có tiền sử người bị đột quỵ thì khả năng mắc bệnh của bạn cũng cao hơn.
Tựu chung lại, có một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết bản thân có đang có nguy cơ bị đột quỵ hay không. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng chữ “FAST” để phổ cập các dấu hiệu đột quỵ. Cụ thể như sau:
- F: Face (khuôn mặt). Mặt bệnh nhân bị méo, mất cân xứng. Biểu hiện méo rõ nhất là khi cười nhưng cơ mặt vẫn rũ xuống, không cân đối.
- A: Arm (tay). Đây là dấu hiệu khá rõ ràng, người bệnh có thể biểu hiện từ từ qua các sinh hoạt từ trước như tê mỏi một bên tay, buông thõng xuống dưới, đồng thời bước chân cũng hay vấp té, nặng nề.
- S: Speech (nói). Người bệnh mất khả năng ngôn ngữ, cảm thấy khó khăn khi nói, nói ngọng, ú ớ vì môi, lưỡi bị tê.
- T: Time (thời gian). Những dấu hiệu trên có thể xảy ra chỉ thoáng qua nhưng cũng có thể thường xuyên. Người bệnh có thể chỉ bị một triệu chứng nhưng cũng có thể là nhiều triệu chứng một lúc, vì vậy cần để tâm theo dõi cơ thể.
3. Sơ cứu đột quỵ tại nhà
Trong quy trình cấp cứu đột quỵ, khoảng thời gian 6 tiếng kể từ khi cơn đột quỵ khởi phát là “thời gian vàng” cho việc cấp cứu, trong đó 3 - 4 giờ đầu là thời điểm tốt nhất. Với sự phát triển của y học hiện nay, khi được cấp cứu trong khoảng thời gian này, bác sĩ có thể thông mạch cho bệnh nhân bằng thuốc hoặc dụng cụ rút huyết khối (có thể kết hợp cả hai tùy trường hợp). Từ sau 4,5 - 6 giờ thì chỉ có thể dùng dụng cụ để thông mạch, nếu muộn hơn nữa thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, khả năng tử vong cao.
Các triệu chứng của đột quỵ thường xảy ra đột ngột, có thể là đang làm việc, sinh hoạt bình thường bỗng bị liệt, không cử động được một bên người, không nói được, đau đầu, ngã quỵ,...nên đôi khi các biểu hiện này bị nhầm thành trúng gió. Người bệnh có thể được người nhà cạo gió hoặc xức dầu mà không đưa ngay tới bệnh viện, bỏ lỡ thời điểm để cấp cấp. Vì vậy dù chỉ nghi ngờ có người bị tai biến, bạn cần gọi xe cấp cứu hoặc lái xe chở người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất ngay để tiến hành việc điều trị.
Trong quá trình đợi xe hoặc bạn tự chở người đi bệnh viện, bạn có thể thực hiện sơ cứu đột quỵ như sau:
3.1. Sơ cứu đột quỵ nếu bệnh nhân chưa hôn mê
- Tránh để bệnh nhân bị rung lắc mạnh, va đập hay bị ngã dẫn đến chấn thương thêm các vùng khác, nhất là ở phần đầu. Cần giữ bệnh nhân nằm yên, nhanh chóng đặt họ ở nơi rộng rãi, thoáng đãng và nới lỏng quần áo để hô hấp dễ hơn.
- Kê đầu bệnh nhân cao khoảng 30 độ và nghiêng sang một bên. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu tê liệt nửa người thì hãy điều chỉnh tư thế về bên không bị liệt.
- Không được cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì đề phòng bị nôn mửa, có thể trào ngược lại vào trong, gây cản trở đường thở. Nếu trong miệng người bệnh có dị vật hay đờm thì cần lôi ra để việc hô hấp dễ hơn.
- Không được tự ý chích máu ở 10 đầu ngón tay bệnh nhân nếu bạn không phải chuyên gia. Đồng thời cũng không được tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông máu hay tan máu vì lúc này chưa xác định được bệnh nhân thuộc loại đột quỵ nào. Nếu dùng thuốc lung tung có thể khiến tình hình bệnh thêm nặng.
3.2. Sơ cứu đột quỵ nếu bệnh nhân đã hôn mê
- Khi bệnh nhân đã hôn mê thì việc cấp thiết nhất chính là nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình di chuyển, bạn cũng nên đặt bệnh nhân ở trong tư thế nằm nghiêng vì khi nằm ngửa, lưỡi có thể bị tụt vào trong gây bít đường thở.
- Chú ý tới mạch đập và khả năng hô hấp của bệnh nhân có bình thường hay thở nhanh, thở chậm, thậm chí là ngừng thở. Nếu người bệnh có dấu hiệu khó thở thì bạn cần tiến hành hô hấp nhân tạo theo quy trình sau: Thổi hơi vào miệng 2 lần - ép tim ngoài lồng ngực 10 lần.
- Tuyệt đối không được tự ý điều trị cho bệnh nhân cho dù là châm cứu, cạo gió, bấm huyệt,...Những hành động này không có hiệu quả gì trong việc sơ cứu đột quỵ, thậm chí còn làm chậm trễ, bỏ qua mất “thời gian vàng” để điều trị và làm bệnh tình thêm trở nặng.
Trên đây là những chia sẻ về cách sơ cứu đột quỵ giúp bạn nắm được kiến thức về bệnh, cách sơ cứu đúng giảm khả năng tử vong và để lại các di chứng về sau. Tai biến mạch máu não là một bệnh lý nguy hiểm, có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nên bạn không nên chủ quan. Hãy duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên đi khám định kỳ chính để phòng chống và phát hiện kịp thời các yếu tố có thể gây đột quỵ ở người hiệu quả.
>> Hướng dẫn cách bơi ếch chuẩn kỹ thuật cho người mới bắt đầu