Những cách trả lời phỏng vấn xin việc thông minh
Nhìn chung, số lượng câu hỏi mà Bộ phận Nhân sự, người quản lý tuyển dụng và những người phỏng vấn khác có thể hỏi là không giới hạn, tùy thuộc vào vị trí, mục đích tuyển dụng của họ. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những câu hỏi phỏng vấn phổ biến mà bất kỳ lĩnh vực công việc nào cũng có thể gặp.
1. Một số câu hỏi thường gặp khi trả lời phỏng vấn xin việc
1.1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn
Một trong những điều phổ biến nhất bạn được yêu cầu đó là giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Đây cũng thường là câu hỏi đầu tiên được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, vì vậy nó đóng vai trò là lời giới thiệu của bạn. Bên cạnh những thông tin cơ bản như tên, tuổi, địa chỉ, bạn hãy thể hiện được rằng mình là ứng viên lý tưởng cho vị trí công việc này.
Khi trả lời câu hỏi này bạn nên nói ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ thông tin, câu trả lời có liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển và đặc biệt hãy trả lời một cách thành thật.
1.2. Điểm yếu của bạn là gì?
Hãy nói về một điểm yếu thực sự của bạn nhưng đảm bảo rằng điểm yếu đó không gây cản trở tới công việc bạn đang hướng tới, kèm theo đó là những việc đã làm để khắc phục nó. Bạn chắc rằng không muốn nói khả năng chịu áp lực của mình kém khi bạn đang ứng tuyển vào một vị trí với guồng quay công việc cao ví dụ như kế toán phải không? Cũng lưu ý đừng trả lời rằng bạn không có điểm yếu nào bởi con người không ai có thể hoàn hảo cả, điều này chỉ tạo ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng mà thôi.
Hãy nhớ đề cập tới những việc bạn đã và đang làm để khắc phục điểm yếu đó. Tài ứng biến và câu trả lời khôn khéo sẽ biến điểm yếu thành điểm mạnh đấy.
1.3. Điểm mạnh của bạn là gì?
Ngược lại với câu hỏi trên, câu hỏi “Điểm mạnh của bạn là gì” có vẻ dễ trả lời hơn nhiều. Hãy biến câu trả lời này thành một điểm cộng trong phần phỏng vấn của bạn bằng cách nêu bật được những điểm mạnh phù hợp với vị trí đang ứng tuyển và nhấn mạnh nó. Đồng thời, hãy nêu ra các dẫn chứng chứng minh điểm mạnh của bạn trong công việc để khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng họ cần thuê bạn ngay lập tức.
Đừng chọn thứ gì đó không liên quan đến công việc, ví dụ như kỹ năng của bạn trong một trò chơi, trừ khi công việc của bạn yêu cầu đến kỹ năng trò chơi ấy.
1.4. Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?
Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết bạn hiểu rõ vị trí công việc như thế nào và để nghe quan điểm của bạn về cách các kỹ năng của bạn có thể giúp họ phát triển công việc ra sao.
Để vượt qua câu hỏi này, hãy làm rõ về cách bạn có thể giúp họ bằng các kỹ năng của mình, thậm chí bạn còn có những khả năng tiềm ẩn khác mà họ chưa biết là họ cần (bạn cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề này). Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một ứng viên không chỉ đáp ứng nhu cầu của họ bây giờ mà còn có giá trị họ cần thiết trong tương lai.
1.5. Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
Hãy dựa trên 3 tiêu chí sau để đưa ra con số mà bạn mong muốn nhận được.
- Mức lương trung bình cho một người ở trình độ kỹ năng như bạn là bao nhiêu?
- Công ty trả cho người ở trình độ kỹ năng như bạn là bao nhiêu?
- Nếu bạn đã từng đi làm thì công ty cũ trả lương cho bạn bao nhiêu?
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể hỏi thêm về chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội, tiền phụ cấp,…để quyền lợi của mình được đảm bảo, rõ ràng và cụ thể hơn.
1.6. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Câu hỏi này sẽ rất thường gặp, vì vậy hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ thông tin về công ty. Nếu bạn muốn làm họ ấn tượng hơn thì hãy tìm hiểu nhiều hơn những gì được viết ra trên trang web của họ.
Hãy chú ý tìm hiểu những điều sau về công ty bạn ứng tuyển:
- Sản phẩm hoặc dịch vụ đặc trưng của họ là gì?
- Sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có tác động như thế nào trong lĩnh vực mà họ kinh doanh?
- Văn hóa công ty như thế nào?
- Các tin tức mới nhất về công ty là gì? Họ đang có kế hoạch triển khai sản phẩm/dịch vụ như thế nào?
Và còn nhiều thông tin khác mà bạn có thể tìm hiểu được. Điều này sẽ gây ấn tượng về một người chăm chỉ, ham học hỏi, có trách nhiệm trong mắt nhà tuyển dụng.
1.7. Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?
Bạn có thể hỏi về định hướng chung, điều kiện làm việc của công ty, phương thức đào tạo, những thách thức mà bạn phải đối mặt. Hãy hỏi một điều gì đó thể hiện rằng bạn đã quan tâm và nghiên cứu sâu về công ty. Đặc biệt tránh hỏi nhiều câu liên quan tới tiền lương hay phúc lợi.
Ngoài ra, còn một số câu hỏi khác mà chúng ta phải dựa vào sự khéo léo và ứng biến tình huống để có thể đưa ra câu trả lời phù hợp. Một số câu hỏi có thể kể đến như: “Tại sao bạn thôi việc ở công ty cũ?”, “Tại sao bạn bị sa thải?”, “Nếu cấp trên làm sai bạn sẽ xử lý như thế nào?”,...
2. Cần chuẩn bị những gì để có một buổi phỏng vấn thành công?
Chúng tôi xin bật mí tới các bạn những mẹo để có một buổi phỏng vấn thành công được đúc kết từ những người có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn:
- Tìm hiểu kỹ về công ty mà mình ứng tuyển - điều này đã được khẳng định rất nhiều lần qua nội dung phần trên
- Đúng giờ
- Lựa chọn trang phục phù hợp, lịch sự
- Thái độ thẳng thắn, tự tin, thành thật
- Có biểu hiện nghiêm túc, không đùa cợt
- Sử dụng lời nói kết hợp với ngôn ngữ cơ thể phù hợp
- Biết cách trả lời câu hỏi cũng như đặt câu hỏi - bạn có thể luyện tập trước điều này ở nhà
Hy vọng bài viết đã giúp bạn nắm được được những cách trả lời phỏng vấn xin việc thông minh mà không kém phần hiệu quả. Chúc các bạn có một buổi phỏng vấn thật thành công!
>> 6 cách nhận biết tiền giả bằng mắt thường hiệu quả giúp bạn không bị lừa
>> Bật mí bí quyết quyến rũ đàn ông khiến các quý ông say đắm không rời