Xót xa thay khi đọc những dòng chia sẻ của một nữ bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (BVBNĐTƯ):
"Các bạn đã bao giờ nhìn thấy bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa? Tôi của ngày hôm nay đấy! Sáng, nhận được tin mẹ của một đồng nghiệp tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào?"
Mặc dù rất đau xót nhưng câu chuyện của vị nữ bác sĩ chỉ là một trong rất nhiều sự hy sinh cao cả của các nhân viên tuyến đầu chống dịch. Bởi, tại rất nhiều đơn vị khác trên cả nước, các cán bộ, bác sĩ... vẫn đang phải căng mình chiến đấu trước hiểm nguy.
Hà Nam: Cán bộ trong đội truy vết đối tượng liên quan đến ca nhiễm COVID-19 phải len lỏi từng ngóc ngách, con ngõ, gõ cửa từng nhà, thậm chí thức trắng đêm để điều tra dịch tễ. Bên cạnh việc truy vết, họ còn hướng dẫn người dân cách phòng dịch tại nhà. Như vậy, các cán bộ phải thực hiện nhiệm vụ "kép" chẳng hề đơn giản.
Đà Nẵng: Kể từ khi BV Phổi Đà Nẵng được chỉ định là nơi điều trị COVID-19, nhân viên y tế tại đây đã phải căng mình để làm việc trong thời gian dài với cường dộ cao. Có những kíp trực gần 60 ngày đêm không nghỉ. Thời gian nghỉ ngơi còn không có thì lấy đâu hy vọng được về thăm gia đình?
Bắc Ninh: Hiện tại, đây đang là tỉnh đứng đầu cả nước về số ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch này. Do đó, công tác xét nghiệm, truy vết, điều trị càng trở nên gấp rút. Từ hôm dịch bùng phát tại Bắc Ninh, các nhân viên y tế làm việc cả ngày lẫn đêm, thậm chí còn chẳng rõ hôm nay là thứ mấy. Cán bộ xét nghiệm của Trung tâm phải chạy đua với thời gian, sẽ chẳng quá khi nói họ tận dụng từng phút để thực hiện công tác xét nghiệm.
Một ngày dài nhưng nhân viên y tế chỉ có nửa tiếng buổi trưa để ăn. Bộ quần áo bảo hộ kín mín và bí bách khiến các nhân viên không thể đi vệ sinh. Vì vậy, dù giữa tiết trời nắng nóng nhưng họ cũng không dám uống nước.
Một số cán bộ trẻ lấy mẫu liên tục nhiều giờ đến mức đau tay, cổ họng thì khô khốc. Trong giờ nghỉ ngơi, họ nhai trệu trạo từng hạt cơm, nước mắt và mồ hôi thi nhau chảy xuống.
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Hà Nội: Các cán bộ tại đây có thể chịu đựng sự oi bức tới toát mồ hôi chứ nhất định không chịu mở quạt máy hay điều hòa. Bởi lẽ, phòng xét nghiệm là khu vực dễ lây nhiễm, nếu bật quạt có thể phát sinh nguy cơ virus "bay" tứ tung. Thử nghĩ, giữa tiết trời nắng nóng gay gắt, trong bộ đồ bảo hộ kín mít như thế, nếu không phải những người hùng ấy có sự kiên cường và sức chịu đựng bền bỉ thì làm sao họ có thể vượt qua được.
Thừa Thiên - Huế: Lại bàn chuyện nhân viên xét nghiệm, một cán bộ của CDC Thừa Thiên - Huế từng phải gửi lời "kêu cứu" tới lãnh đạo đơn vị do nhân viên xét nghiệm phải làm việc tới 12 tiếng/ngày. Vì mệt mỏi, vì kiệt sức, có người phải ngồi bệt xuống sàn trong phòng kín. Trên người họ vẫn là bộ đồ bảo hộ kín mít, trông bộ dáng mệt mỏi ấy, không biết lần cuối cùng họ "thực sự được nghỉ ngơi" là khi nào?
Tin liên quan:
>> Bắc Ninh: Kiệt sức vì chống dịch COVID-19, nhân viên y tế ngất xỉu trong lúc làm việc
>> Đà Nẵng: Nữ nhân viên y tế bị sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine COVID-19