Gần đây, một sự việc không hay xảy ra sau tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài đang tạo lên cuộc tranh cãi lớn trong cộng đồng người hâm mộ showbiz Việt.
Đó là câu chuyện một gymer tên Duy Nguyễn có những từ ngữ không hay, thiếu tôn trọng với bà xã nghệ sĩ Chí Tài, sau đó bị một vài nhân vật trong giới nghệ sĩ “chỉ mặt đặt tên”, tìm tới tận nơi làm việc để giải quyết mâu thuẫn và cuối cùng phải đăng video xin lỗi.
Việc nam gymer nọ có những lời lẽ không tôn trọng người đã khuất và phải khoanh tay xin lỗi là điều không có gì phải bàn cãi, và ai cũng đều vui vẻ với kết cục này.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lăn tăn là việc một số nghệ sĩ Việt có những hành động, lời nói đậm chất “giang hồ”, thậm chí kéo bè lũ tới gặp nam thanh niên kia và sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Người ta ngỡ ngàng tự hỏi: Từ bao giờ mà nghệ sĩ lại “côn đồ” như vậy?
Nghệ sĩ Hữu Châu, nghệ sĩ Hoài Linh và NSƯT Việt Anh – Những “cây đa cây đề” trong giới nghệ thuật Việt Nam – Là những người đầu tiên lên tiếng can gián, can ngăn các đàn em. Trong khi NS Hữu Châu và NS Hoài Linh bày tỏ rằng nghệ sĩ nên biết cách hành xử để không bị người hâm mộ quay lưng, bị nghĩ là những người hung dữ, NSƯT Việt Anh cũng đăng status chia sẻ nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp và là tấm gương cho nhiều người nên phải chú ý lời ăn tiếng nói cho phù hợp.
Mới đây, trong bài đăng của NS Hữu Châu, nam diễn viên Chi Bảo cũng bày tỏ quan điểm: “Nghệ sĩ không hung dữ, hung dữ thì đừng làm nghệ sĩ nữa”.
Nhưng chính nghệ sĩ Cát Phượng – Một trong những người đến tận chỗ làm việc của nam gymer Duy Nguyễn – Lại đăng đàn trên Facebook, thẳng thắn đáp trả những người nói cô hành xử “côn đồ, coi trời bằng vung”, thậm chí còn “động chạm” đến NSƯT Việt Anh khi đáp trả ông với những từ ngữ không mấy tôn trọng.
Chứng kiến màn “trả treo” của Cát Phượng với đàn anh trong nghề, công chúng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Không biết từ bao giờ, những người nghệ sĩ thích đôi co với anti-fans, nổi quạu khi bị chỉ trích và sẵn sàng “chiến đấu” với những ý kiến xấu về bản thân mình lại được tung hô là thẳng tính, là trượng nghĩa, là sống thật. Nếu như vậy, thì những người nghệ sĩ vốn dĩ hoà vi quý, không thích đôi co, lấy tác phẩm nghệ thật để chứng minh năng lực lại là những người “sống giả” hay sao?
Cũng có những ý kiến cho rằn, nghệ sĩ cũng là con người và có quyền lên tiếng khi bị chỉ trích, đặc biệt là khi phải chịu những tiếng xấu hay bị xúc phạm. Tuy vậy, lên tiếng không có nghĩa là được kéo cả một dàn người, bao gồm cả võ sĩ và “giang hồ mạng” tới nói chuyện với người khác, dù không dùng bạo lực nhưng lại dùng sức ép đám đông để khiến một người phải khuất phục.
Vốn dĩ, ranh giới giữa “trượng nghĩa” và “côn đồ” không hề mong manh. Nhưng tuỳ theo cách hành xử của mỗi người, chúng ta sẽ có những quy kết khác nhau. Hơn nữa, mỗi người một cá tính, một quan điểm riêng, không ai có thể bắt người khác phải cư xử theo ý của mình.
Tuy vậy, với những người là nghệ sĩ – Những người sẽ đứng trước hàng nghìn khán giả để biểu diễn và là những người đại diện cho nghệ thuật, cho cái đẹp – Có lẽ chính các nghệ sĩ cũng nên tự soi xét lại bản thân mình. Hành xử thế nào để vừa giải quyết được vấn đề, vừa văn minh để công chúng nhìn vào thấy nể phục chứ không phải “hốt hoảng”, vậy mới hay!