Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền 1 video clip ghi lại hình ảnh nữ ca sĩ Miu Lê đang biểu diễn trong một quán bar trên phố Tạ Hiện (Hà Nội). Sẽ không có gì đáng nói nếu như phía dưới video không xuất hiện hàng loạt những comment nhận xét cơ thể nữ ca sĩ “như đô vật”, “chân tay thô như con trai”,…
Đây không phải lần đầu tiên Miu Lê phải chịu những nhận xét vô duyên về hình thể bản thân. Cô nàng thậm chí còn từng chia sẻ trên Facebook về việc bản thân bị body shaming dù béo lên hay gầy đi. Nữ ca sĩ ‘Gác lại âu lo’ đã từng trải qua những dằn vặt, lo âu khi bị “chê lên chê xuống” những thớ cơ bắp cô phải vất vả tập luyện mới có được, hoặc do phương pháp tập gym chưa chuẩn khiến cơ thể trở nên đậm người hơn so với những cô gái khác. Rất may, cuối cùng cô nàng đã tự tìm được điểm cân bằng tâm lý và không để lời nói của người khác làm ảnh hưởng tới việc yêu thương cơ thể, yêu thương bản thân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được tâm lý mạnh mẽ như Miu Lê để bỏ qua tất cả những lời đồn đại hay nhận xét khiếm nhã của người khác với cơ thể mình. Người nổi tiếng là đối tượng được công chúng chú ý và dễ bị miệt thị hơn người bình thường, nhưng đâu đó vẫn có cả triệu cô gái ngày ngày phải chịu tổn thương do lời nhận xét của người khác.
Nhiều người bao biện những lời nói của mình chỉ là “nói lên sự thật”, là ‘thẳng thắn”, là “không cố ý”, nhưng tất cả điều ấy dường như chẳng có nghĩa lý gì với một người vốn đã rất tự ti vì khuyết điểm bản thân. Lời nói dù chỉ là vô ý của một người lạ cũng có thể khiến chúng ta mất ngủ và tổn thương, nhưng rồi chính bản thân chúng ta, trong lúc vô tình, lại đem cơ thể người khác ra để đùa giỡn.
Việc bình luận hay nhận xét về cơ thể người khác bằng những từ ngữ không tốt đẹp vốn đã không phải điều những người văn minh nên làm. Thay vì chỉ để ý đến thân thể người khác rồi nói ra lời không hay, hãy để ý những điều tốt đẹp và ca ngợi họ. ‘Body shaming’ không phải là sự thành thật hay thẳng thắn, đó chỉ là liều thuốc độc khiến người khác “chết dần chết mòn” mà thôi.
Bên cạnh đó, dù có muốn hay không thì tất cả chúng ta cũng nên thận trọng hơn với lời nói hay những dòng chia sẻ trên mạng xã hội của mình. Lời nói ra đôi khi chỉ là nói vui, nhưng hệ quả phải chịu thì lớn hơn cái “vui” rất nhiều lần. Bởi lẽ, Việt Nam hiện đã có nghị định cùng những điều khoản luật dân sự quy những lần “đưa miệng đi chơi xa” chê bai người khác thành phạt tiền.
Cụ thể, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, những người bình phẩm tiêu cực về ngoại hình người khác như “béo”, “xấu”, “ế”,… trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền lên tới 30 triệu đồng.
Ngoài ra, điều 592 ‘Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm’ trong Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Những người bình phẩm, chê bai, xúc phạm người khác sẽ phải bồi thường cả về danh dự và tổn thất tinh thần cho người bị hại. Mức đền bù tổn thất tinh thần có thể lớn gấp 10 lần mức lương cơ bản hiện hành do Nhà nước quy định.