Trả lời:
Ở nước nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm đường hô hấp do virus, vi khuẩn thường xuyên lưu hành. Thời điểm này, bệnh hô hấp ở trẻ em, đặc biệt là cúm có xu hướng tăng hơn so với thời gian trước đây.
Trung bình khoảng ba tuần trở lại đây, một ngày ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Nhi Trung ương có 20-30 em bé phải nhập viện do mắc bệnh hô hấp, có các yếu tố nguy cơ nặng. Phần lớn các trường hợp mắc cúm, chúng ta có thể chăm sóc và điều trị tại nhà.
Các triệu chứng của viêm đường hô hấp do virus gồm ho, chảy mũi, hắt hơi... kèm theo triệu chứng sốt. Sốt diễn biến 3-5 ngày, sau đó sẽ giảm dần và vào giai đoạn hồi phục. Nhưng khi đã giảm sốt rồi mà xuất hiện sốt lại, mệt mỏi, ăn kém thì đó là dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn, cần phải lưu ý.
Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp do virus là sử dụng các thuốc kháng virus. Song không phải trường hợp nào cũng dùng, chỉ các trường hợp có yếu tố nguy cơ nặng hoặc có triệu chứng của tình trạng nặng, mới cần dùng. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ cần điều trị triệu chứng như sử dụng thuốc hạ sốt, vệ sinh mũi họng... để tránh các nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn sau khi nhiễm virus đường hô hấp.
Tỷ lệ bội nhiễm ở trẻ có bệnh nền thường cao hơn với những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát...
Khi trẻ đi học trở lại, đặc biệt là các em dưới 5 tuổi, thường sinh hoạt tập trung nhiều ở trong môi trường có sử dụng điều hòa, thông khí kém. Một bé mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo các ổ dịch nhỏ. Khi không may tiếp xúc với nguồn bệnh mang virus, vi khuẩn, chúng ta nên có biện pháp phòng bệnh.
Nên tắt điều hòa 2-3 lần/ngày, mở hết cửa để đảm bảo thông khí trong phòng, vệ sinh lớp học, đồ dùng. Ngoài ra cần chú ý vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối. Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Có thể sử dụng các loại vaccine, trong đó có vaccine tiêm hoặc vaccine đường uống chính là các ly giải vi khuẩn, giúp kích thích hệ thống miễn dịch, tạo ra các kháng thể phòng, chống các vi khuẩn mà có thể gây bội nhiễm sau khi mắc cúm.
Nhận biết triệu chứng cúm A ở trẻ em và cách điều trị an toàn nhất
Cố gắng hạn chế các đường lây. Người lớn đi từ ngoài về nên vệ sinh mũi họng trước khi tiếp xúc với các bé. Ở các lớp học, khi có bé không may mắc cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, cần thông báo cho nhà trường, lớp học để có biện pháp phòng bệnh phù hợp, tránh làm cho bệnh lây lan.
Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt ho đau họng và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. Không tự ý sử dụng thuốc, phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Nguồn: vnexpress