Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra khi chuyển giao giữa hai mùa đông - xuân (cúm do mùa). Tuy nhiên, hiện tại miền Bắc, ngay giữa mùa hè thời tiết nắng nóng, ca nhiễm cúm A vẫn gia tăng.
Tại khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, số ca cúm A tăng mạnh vào các tháng 6, 7 và có xu hướng tiếp diễn trong nhiều tháng tới. Cùng thời điểm, cả nước ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng do xuất hiện các biến chủng phụ mới của Omicron như BA.4 và BA.5. Nhiều người tái nhiễm do lượng kháng thể sản sinh từ vaccine hoặc lần nhiễm Covid-19 trước giảm.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương - khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, việc bùng phát cùng lúc cúm A, Covid-19 với triệu chứng lâm sàng giống nhau khiến việc phân biệt gặp khó khăn. "Nhầm lẫn giữa hai bệnh này có thể dẫn đến sử dụng thuốc không phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Đặc biệt, trong trường hợp mắc Covid-19 nhưng nhầm thành cúm A rất dễ lây lan trong cộng đồng. Covid-19 thường có tốc độ lây mạnh hơn cúm, đặc biệt là hai biến chủng mới", bác sĩ Hương nói.
Cúm A và Covid-19 đều là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp nhưng chúng gây ra bởi các virus khác nhau. Cúm A do các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9... gây nên, còn Covid-19 gây ra bởi nCoV.
Về triệu chứng: Theo bác sĩ Hương, khi nhiễm phải hai bệnh này biểu hiện chung là sốt, viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, đau họng, ngoài ra còn có đau đầu, đau cơ. Riêng với Covid-19, một số người bệnh có thể có biểu hiện đặc hiệu là mất khứu giác, vị giác, ít thấy ở người mắc cúm. Bên cạnh đó, thời gian ủ bệnh của Covid-19 dài hơn cúm, thường từ 2-11 ngày, trong khi cúm chỉ từ 1-3 ngày.
"Gần như không thể phân biệt chính xác cúm A và Covid-19 nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Người bệnh cần làm xét nghiệm để chẩn đoán", bác sĩ Hương khẳng định. Trong trường hợp người bệnh đến bệnh viện với triệu chứng nghi ngờ của cả cúm A và Covid-19, bác sĩ sẽ chỉ định song song 2 xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt, loại trừ bệnh.
Cúm A là gì? Cách phân biệt cúm thường, cúm A và Covid-19?
Xét nghiệm chẩn đoán cúm thường sử dụng bao gồm: Realtime PCR, miễn dịch huỳnh quang và xét nghiệm nhanh (RIDTs). Xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 bao gồm: Realtime PCR, LAMP, NAAT, xét nghiệm kháng nguyên. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm một số xét nghiệm để chẩn đoán biến chứng hoặc chẩn đoán phân biệt như xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực...
Về biến chứng: Cúm A và Covid-19 đều có khả năng chuyển nặng trên người lớn tuổi; người có bệnh nền như bệnh hô hấp mạn tính, ung thư, bệnh tim mạch; người suy giảm miễn dịch.
Các biến chứng có thể gặp ở cả 2 bệnh gồm viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển... Riêng với Covid-19 còn có thể gây ra huyết khối ở một số vị trí như động mạch phổi hoặc hội chứng đáp ứng viêm hệ thống. Nhìn chung, Covid-19 gây ra biến chứng nặng hơn, tỷ lệ nhập viện, tử vong cao hơn so với cúm; có thể xảy ra ngay cả ở người khỏe mạnh, trong khi cúm thường nặng hơn ở người sức khỏe yếu.
Về điều trị: Do cúm A và Covid-19 có một số triệu chứng lâm sàng giống nhau nên có thể điều trị triệu chứng tương tự nhau, bằng thuốc hạ sốt, bù nước, điện giải. Nếu bệnh diễn tiến nhẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà, cách ly với những người xung quanh. Nếu bệnh chuyển nặng thì cần điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, do tác nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh của cúm A và Covid-19 khác nhau nên vẫn có một số khác biệt ở thuốc điều trị. Thuốc kháng virus được khuyến cáo dùng sớm ở những đối tượng nguy cơ cao hoặc cần nhập viện do cúm. Thuốc kháng virus cúm không được chỉ định cho người mắc Covid-19. Ngược lại, thuốc kháng nCoV cũng không được chỉ định cho người mắc cúm. Nhầm lẫn khi sử dụng thuốc của cúm A, Covid-19 có thể gây nguy hiểm, đặc biệt với người mắc bệnh nặng, có hệ miễn dịch suy giảm.
Nguồn: vnexpress