Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết người mắc cúm A thường mệt mỏi và chán ăn. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và khiến cho quá trình hồi phục của người bệnh kéo dài hơn.
Do đó, ngoài việc tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần đảm bảo bổ sung dưỡng chất cho theo những quy tắc như ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn những đồ dễ tiêu, bổ sung vitamin từ rau củ, trái cây và uống nhiều nước.
Rau quả
Rau quả tươi là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tốt cho người mắc bệnh cúm.
Người bệnh nên ăn các loại rau củ quả có màu đậm như các loại rau lá xanh: rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh, gấc, cà rốt, cà chua, bí đỏ...
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus nên cũng được xem là một phần phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, vốn là một chất chống oxy hóa mạnh nên vitamin C cũng giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Vì vậy, bổ sung vitamin C rất hiệu quả để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh cúm.
Nước cam là nguồn bổ sung vitamin C tốt, dễ uống, xưa nay thường được ưu tiên sử dụng khi mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm khác giàu vitamin C hơn cam, nhưng rẻ hơn, đặc biệt ổi là loại giàu vitamin C nhất. Ngoài ra còn có chanh, bưởi, dâu tây, kiwi, đu đủ, rau củ như bông cải xanh, ớt chuông... Người bệnh có thể lựa chọn đa dạng các loại trái cây phù hợp với sở thích. Người mắc cúm A có bệnh nền tiểu đường nên hạn chế sử dụng cam và các trái ngọt nhiều, theo bác sĩ Vũ.
>>> Bác sĩ cảnh báo sử dụng thuốc Tamiflu trị cúm A không đúng có thể gây trầm cảm
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm là chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh học, đặc biệt là hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại nhiễm trùng. Một số nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung kẽm có thể giảm nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và rút ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, như cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm phổi...
Bác sĩ khuyên người bệnh ăn thực phẩm giàu kẽm có nguồn gốc động vật, gồm sò, hàu, thịt bò, gà, thịt lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua... Thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa ít kẽm và có giá trị sinh học thấp và khó hấp thu hơn.
Ngoài ra, một số gia vị như húng quế, tỏi, gừng, sả, hồ tiêu, quế... chứa tinh dầu, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm tốt cho người mắc bệnh cảm cúm.
Virus cúm A cũng có trên các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bề mặt ghế, quần áo, cốc nước, bát đũa, điện thoại,… Thói quen dùng tay che miệng khi ho, hắt hơi,… vô tình khiến virus cúm lây lan thông qua các tiếp xúc này. Trên các bề mặt, virus cúm có khả năng tồn tại đến 48h. Đây là cơ hội giúp virus dễ xâm nhập và cơ thể người lành.
Bài viết tham khảo: Bộ y tế, Vnexpres