Sáng 23/4, lãnh đạo UBND phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội xác nhận trên địa bàn đã xảy ra vụ việc đau lòng. Theo đó, 2 học sinh đều rơi xuống đất và tử vong tại cùng một khu chung cư cao cấp.
Các nạn nhân gồm 1 trai và 1 gái. Nam sinh 13 tuổi, rơi từ tầng 35 lúc 2h sáng. Trong khi đó, nữ sinh 19 tuổi và rơi từ tầng 35 lúc 9h sáng.
Sau khi xảy ra sự việc đau lòng, Công an phường Cầu Diễn cùng chính quyền sở tại đã tới hiện trường điều tra và xác định nguyên nhân vụ việc. Vị lãnh đạo cho hay:
"Cả 2 nạn nhân đều có tiền sử mắc bệnh trầm cảm và đã có hồ sơ bệnh án. Hiện danh tính và nguyên nhân vụ việc đang được các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ".
Theo tìm hiểu, nam sinh 13 tuổi không sống trong chung cư mà đến nhà bạn để chơi. Ngược lại, nữ sinh là người sống tại đây và đang học Đại học. Hiện, nguyên nhân sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ. Vì thế, mọi người không nên đưa ra các giả định chưa chính xác, ảnh hưởng đến gia đình nạn nhân.
Vừa qua cũng xảy ra vụ việc đau lòng liên quan đến nam sinh trường chuyên Amsterdam. Vụ việc gây rúng động đến mức cả xã hội bàng hoàng, người lớn cũng phải thay đổi suy nghĩ khi nuôi dạy con trẻ.
Sau sự việc, nhiều người để lại lời chia buồn đến gia đình. Nhưng ngược lại, một bộ phận rất nhỏ vẫn chê trách cách giáo dục của bố mẹ nam sinh. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới những người trong cuộc khiến cô ruột của nam sinh phải lên tiếng mong mọi người ngưng bàn tán.
Liên quan đến sự việc của 2 học sinh này, cư dân mạng đã bớt đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó, mọi người biết đồng cảm hơn và tập trung bình luận về căn bệnh trầm cảm:
- Trầm cảm là bệnh, và cái chết là kết quả cuối cùng của nó. Nói với bệnh nhân trầm cảm rằng vui lên đi, có gì đâu mà phải trầm cảm, cũng giống như nói với một người mù rằng đừng mù nữa, mở mắt ra nhìn đi, nói với một người què chân rằng đừng lết nữa, cứ đứng lên đi bình thường xem nào. Trên đời có sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần, giống như có những người có thể chất tốt và thể chất yếu, có những người có tinh thần vững và tinh thần yếu. Và trầm cảm tựa như một căn bệnh ung thư. Nó dần dần bào mòn một người, có thể thậm chí là người khoẻ nhất, cho đến kiệt quệ và kết quả cuối cùng của nó là cái chết. Chết có đau không? Đau chứ, làm gì có ai đang không muốn chết. Không hiểu câu chuyện đằng sau tốt nhất đừng đưa mồm đi xa quá, những người đi đến bước này họ không muốn chết nhưng họ cảm thấy sống không bằng chết nên những gì bạn cần nói chỉ là chúc họ đi đường bình an, kiếp sau mong có cuộc đời vui vẻ hạnh phúc hơn. Cảm ơn họ vì đã cố gắng, vậy là được rồi, nếu cảm thấy không thể nói được thì đừng nói.
- Đã là cuộc sống thì chẳng có dễ dàng đâu, cuộc sống mà dễ dàng thì làm gì có ai tự tử cơ chứ... Mình chỉ là những người chứng kiến bề nổi của câu chuyện, mình không trải qua nỗi đau của họ, không chịu đựng những gì họ phải chịu thì tại sao lại trách móc khi họ lựa chọn kết thúc cuộc đời? Chẳng ai có lỗi cả, ba mẹ của họ không, bản thân họ thì càng không, chỉ mong rằng cuộc sống sẽ đối xử nhẹ nhàng với mỗi người hơn một chút thôi.
- Mong các em sẽ có một cuộc đời ít đau đớn hơn nhé. Dù cho khúc mắc hay nguyên nhân là gì, đến từ ai, các em cũng đã ra đi và mong không ai đổ lỗi cho những người ở lại.
- Trầm cảm mài mòn ý chí và tinh thần nhưng sao các em không nghĩ được bên cạnh các em vẫn còn rất nhiều điều cần khám phá chứ? Mỗi người đều chỉ có một cuộc đời thôi, làm gì có cái gọi là kiếp sau đâu.
- Trước đây mình cũng có 1 khoảng thời gian dài suy nghĩ đến việc tự tử nhưng mình không có can đảm để thực hiện. Kể cả đến tận bây giờ lâu lâu mình vẫn có suy nghĩ ấy hiện lên, muốn kết thúc cuộc đời ở đây, muốn sang một thế giới mới, muốn buông bỏ tất cả... và mình vẫn là không đủ can đảm để thực hiện. Chỉ ước mình mắc 1 căn bệnh nào đó rồi chết đi cho xong.