Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ước tính, cứ 2 phút trôi qua lại có 1 người tử vong do đột quỵ.
Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 200,000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó hơn 50% ca bệnh có chiều hướng xấu đi hoặc tử vong.
Mới đây, cộng đồng cũng bàng hoàng trước tin tức nghệ sĩ gạo cội Chí Tài qua đời do lên cơn đột quỵ vào ngày 09/12. Sự ra đi của một người nghệ sĩ quen mặt với khán giả như một hồi chuông cảnh tỉnh về căn bệnh nguy hiểm có thể cướp đi mạng người trong phút chốc này.
Hãy cùng Sao Daily tìm hiểu về đột quỵ và những phương pháp bảo vệ bản thân, tránh khỏi nguy cơ bị tai biến mạch máu não nhé!
Đột quỵ là gì và nguyên nhân gây đột quỵ
Theo giải thích của các bác sĩ, đột quỵ là tình trạng các tế bào và mô não bị rối loạn chức năng hoặc chết do thiếu máu lên não. Nguồn cung máu cho não bị giảm hoặc ngắt đột ngột do mạch máu não bị vỡ hoặc bị ngăn cản là nguyên nhân khiến não bộ không hấp thụ được oxy và khiến các tế bào não ngưng hoạt động chỉ trong thời gian ngắn.
Như vậy, đột quỵ xảy ra khi các mạch máu vận chuyển máu lên não gặp vấn đề như tắc nghẽn hoặc bị vỡ. 2 nguyên nhân chính gây đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, tức mạch máu cung cấp cho não bị ngăn chăn, và đột quỵ do xuất huyết máu, tức là mạch máu bị vỡ.
Do các nguyên nhân được đề cập phía trên, đột quỵ được chia làm 3 loại chính:
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ
- Đột quỵ xuất huyết
Chính vì thế, những người có bệnh nền về tim mạch, não bộ hoặc bị cao huyết áp, cholesterol cao, người bị tiểu đường và hút thuốc là những trường hợp có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn người bình thường. Ngoài ra, đột quỵ có thể xảy ra khi con người vận động với cường độ quá mạnh trong thời gian ngắn, làm ảnh hưởng tới khả năng cung cấp máu và ôxy cho não bộ.
Dấu hiệu của 1 cơn đột quỵ
- Tê liệt
- Tê hoặc yếu ở cánh tay, mặt và chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể
- Khó nói/ Gặp trở ngại khi phát ngôn/ Nói lắp
- Lú lẫn
- Mắt kém, song thị
- Đi lại khó khăn
- Mất thăng bằng/ Chóng mặt
- Đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân
Đây là những hiệu trứng chung cho một cơn đột quỵ. Tuy nhiên, ở các giới tính khác nhau cũng có triệu chứng đột quỵ riêng.
Ví dụ, nữ giới có thể có các cơn buồn nôn, ảo giác, các cơn đau đớn ở khắp cơ thể gây thở gấp hoặc khó thở, co giật, mất phương hướng và thay đổi hành vi đột ngột. Trong khi đó, nam giới dễ gặp các dấu hiệu méo mặt, lệch mặt hoặc một bên cơ thể trở nên yếu hơn, nói ngọng, nói lắp.
Sơ cứu người lên cơn đột quỵ
Đột quỵ là căn bệnh có “thời gian vàng” phải tuân thủ khi tiếp nhận và điều trị. Theo đó, người lên cơn đột quỵ cần được sơ cứu và đưa tới trung tâm y tế gần nhất trong vòng 3 -4,5 giờ có thể giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Khi phát hiện người có triệu chứng đột quỵ, không được tự ý bấm huyệt, cạo gió, châm cứu, mà phải thực hiện theo quy trình sau:
- Đỡ người bệnh để không bị ngã gây chấn thương.
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.
- Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sặc, bị chèn ép.
Các yếu tố ảnh hưởng tới nguy cơ bị đột quỵ
- Chế độ ăn uống: Người thường xuyên ăn mặn, ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo có hại sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
- Chế độ hoạt động, tập thể dục: Những người lười vận động, người không rèn luyện thân thể, không thường xuyên tập thể dục sẽ là những đối tượng dễ bị đột quỵ tấn công.
- Lượng tiêu thụ cồn, thuốc lá: Đương nhiên, những người thường xuyên uống rượu bia, sử dụng thuốc lá và chất kích thích là đối tượng béo bở cho mọi loại bệnh tật chứ không riêng gì vài cơn đột quỵ.
- Nền tảng bản thân: Đột quỵ có liên hệ tới tiền sử bệnh của gia đình, độ tuổi và giới tính. Theo đó, nữ giới có khả năng bị đột quỵ cao hơn nam giới, và người lớn tuổi thì thường có nguy cơ đột quỵ lớn hơn. Tuy vậy, hiện nay số lượng người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng, chúng ta không được phép chủ quan trước bất kỳ dấu hiệu nào.
Giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ bằng cách:
- Bỏ thuốc lá
- Sử dụng rượu bia một cách chừng mực
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định. Thừa cân và béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ
- Ăn uống lành mạnh: Ăn nhạt, ít chất béo, ít cholestetol,ăn nhiều rau xanh và hoa quả
- Duy trì hoạt động thể chất và rèn luyện thân thể
- Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ, đặc biệt là các xét nghiệm kiểm tra lượng cholesterol trong máu và huyết áp
- Những người bị tiểu đường cần kiểm soát và nắm chắc tình hình bản thân để đề phòng mọi tình huống xấu có thể xảy đến
Với những điều trên đây, Sao Daily hi vọng khán giả đã có được những hiểu biết cơ bản về đột quỵ - tai biến mạch máu não, và có kế hoạch duy trì sức khoẻ cho bản thân.