Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba cho biết, những tuần gần đây tại Khoa Nhi liên tục gia tăng trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết tới khám. Đáng lưu ý, năm nay tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng khá nhiều, trẻ với những biểu hiện như sốt cao liên tục, giảm tiểu cầu rất nhanh. Nhiều trường hợp ngày thứ ba thứ tư của đợt sốt đã có những dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện như tiểu cầu giảm nhanh, đau bụng dữ dội, nôn nhiều, người mệt. Trong khi đó những năm trước những dấu hiệu nhập viện hay tiểu cầu giảm nhanh thường diễn ra những ngày sau từ thứ 5,6 trở đi.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trung bình một ngày 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Ths.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, căn cứ vào lý thuyết chu kỳ dịch bệnh và thực tế hiện nay đều đang trùng khớp với dự báo năm nay dịch sốt xuất huyết sẽ lớn.
“Con số mắc sốt xuất huyết năm nay vượt trội hơn hẳn so với năm ngoái. Các đơn vị cơ sở y tế cần phải chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, giường bệnh. Đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức, không được chủ quan, lơ là vì bệnh xác định muộn sẽ rất khó điều trị” - BS Thái nhận định.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần qua, Thành phố ghi nhận thêm 113 ổ dịch mới và 3 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận Bình Tân và Thành phố Thủ Đức.
Còn tại Hà Nội, nhiều quận huyện vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21/10) tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và thêm 38 ổ dịch.
Bác sỹ Nguyễn Quốc Thái đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm trẻ em vì nguy cơ bệnh trở nặng là rất cao, bởi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, khi gặp phải tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ dễ dẫn đến rối loạn nặng.
“Trẻ em thường hay bị bỏ sót các dấu hiệu bệnh và khó khăn trong việc khai thác. Việc bổ sung nước ở trẻ cũng khó hơn so với người lớn nên tình trạng sốt của trẻ thường tiến triển nặng và nhanh”, bác sỹ Thái phân tích.
Theo dự báo của các chuyên gia, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 11, tháng 12, vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng với những cơn sốt.
Với những ngày đầu bị sốt, dù chưa xác định là sốt xuất huyết hay do nguyên nhân nào thì việc uống nhiều nước, các chất điện giải là rất quan trọng. Tiêu chí của việc uống đủ nước đó là đảm bảo đi tiểu đều và đủ.
Ngoài ra, bác sỹ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh đến các dấu hiệu bệnh chuyển nặng, đó là: bệnh nhân rơi vào trạng thái li bì, lừ đừ, nôn nhiều, đau bụng vùng gan, tiểu ít, bị bầm tím hay chảu máu… Lúc này, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng của sốt xuất huyết.
Nguồn VTC News