Tình hình đậu mùa khỉ trên thế giới và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam
Vào ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của bệnh đậu mùa khỉ do tốc độ lây nhanh và nguy cơ lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng ngày, WHO cũng ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO. Tại các nước Đông Nam Á cũng đã ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên, cụ thể ở Singapore là 9 trường hợp kể từ tháng 6, Thái Lan: 1 trường hợp, Campuchia: 1 trường hợp. Riêng tại Việt Nam, tính đến ngày 24/7, tuy chưa ghi nhận sự xuất hiện của đậu mùa khỉ, thế nhưng Bộ Y tế đã và đang cảnh báo về nguy cơ xâm nhập của bệnh, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh, từ đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả những người xung quanh.
Những triệu chứng nặng cần lưu ý của bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ có những biểu hiện và biến chứng nguy hiểm nào?
Đa số bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng thứ phát, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực, viêm phế quản phổi, viêm não, thậm chí là tử vong với tỷ lệ dao động lên đến 11%. Đặc biệt, với nhóm đối tượng trẻ em, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch, bệnh thường dễ trở nặng và gặp biến chứng hơn. Do đó, WHO khuyến cáo nhóm đối tượng này nên được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện để phòng ngừa các nguy cơ cho sức khỏe.
Đậu mùa khỉ lây lan như thế nào và đâu là cách phòng tránh?
Những con đường lây lan của đậu mùa khỉ có thể kể đến như:
- Tiếp xúc gần với người bệnh
- Tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp, các vật dụng/đồ dùng của người bị nhiễm bệnh
- Nhau thai từ mẹ sang con
Hiện vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho đậu mùa khỉ, cộng với bối cảnh di chuyển thuận tiện giữa các quốc gia sau "mở cửa" khiến bệnh có khả năng lan nhanh. Do đó, biện pháp đối phó được khuyến cáo hiện nay là điều trị triệu chứng để phòng ngừa biến chứng (với những người đã mắc bệnh), đồng thời chủ động thực hiện một số biện pháp phòng chống được Bộ Y tế đưa ra như:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó vệ sinh tay bằng những dung dịch chuyên dụng
- Thường xuyên rửa tay với nước rửa tay sạch khuẩn dưới vòi nước chảy trong 30 giây, hoặc vệ sinh tay với dung dịch rửa tay khô trong 15 giây vào những thời điểm quan trọng như: Trước và sau khi nấu ăn, ăn uống; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác…
- Chủ động liên hệ với nhân viên y tế để được theo dõi và tư vấn kịp thời khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm những triệu chứng nghi ngờ khác. Tiếp đó, chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục
- Tránh tiếp xúc với người bệnh cũng như những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn, vật dụng, đồ dùng… bị nhiễm mầm bệnh. Không được tự ý điều trị khi nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Khi đến các quốc gia đang lưu hành bệnh, cần tránh tiếp xúc với những loài động vật có vú như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng… Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế để được tư vấn
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe…
Các chuyên gia y tế khẳng định, đứng trước đậu mùa khỉ, hiện tại chúng ta không nên quá hoang mang mà chỉ cần nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa trên là đủ. Hãy hành động ngay hôm nay để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh bạn nhé!
Bài viết tham khảo: Dân trí, Bộ y tế