Từng tự tử nhiều lần mà không thành
Chị gái của chị Dạ Thảo Phương (tên thật Thanh Thuỷ) thông tin, những năm 2000 đen tối sẽ không bao giờ quên khi chị theo bố mẹ đưa em gái đến bệnh viện Xanh Pôn rửa ruột.
Chị gái của chị Dạ Thảo Phương viết: “Hết lần này đến lần khác. Em đã vì quá xấu hổ, quá sợ hãi và đau đớn mà không thể nói ra cho hết thành lời tất cả những gì khủng khiếp em đã phải chịu đựng.
Đến khi em có thể hét lên được thì tiếng hét ấy chỉ có thể ú ớ khiến mọi người xung quanh không thể hiểu hết được ngữ nghĩa và mức độ ghê rợn của những gì em đã trải qua.
Và, câu chuyện đã được dễ dàng lái theo hướng khác, được dập tắt bằng thủ đoạn tinh vi của kẻ thủ ác khiến nhiều người tưởng rằng đó chỉ là chuyện mâu thuẫn trong quan hệ luyến ái nam nữ thông thường! Em đã không thể thốt nên lời cho rõ ràng, khôn ngoan. Em bị áp bức, cưỡng hiếp, hành hạ, làm nhục nhưng lại bị biến thành kẻ trả thù vì tình ái”.
Theo chị gái của chị Dạ Thảo Phương thì nữ thi sĩ đã nhiều lần tìm đến cái chết. “Những lần tự tử liên miên không thành, tâm trạng điên loạn và tính cách bị biến dạng vì đau đớn của em đã khiến gia đình tôi rơi vào những năm tháng đau buồn, bế tắc không lối thoát”, người chị gái cho hay.
Theo bản tường trình, trưa ngày 14/4/2000, khoảng sau 13 giờ, ông Tâm đang ở phòng vi tính thì nghe tiếng gọi của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Ông Tâm đã chạy lên tầng 3 cùng một số người khác.
Tại phòng Văn nghệ trẻ, ông Tâm mở cửa ra và những gì chứng kiến đã được ông ghi trong bản tường trình: Lúc này, anh L.N.A đang ở tư thế chồm lên chị Dạ Thảo Phương, hai bàn tay ở khu vực cổ của chị Dạ Thảo Phương. Chị Dạ Thảo Phương giãy giụa và kêu cứu, tiếng kêu không bình thường. Khi tôi tới gần anh L.N.A và chị Dạ Thảo Phương thì anh L.N.A bắt đầu buông tay ra khỏi chị Dạ Thảo Phương.
Sau đó, ông Tâm cùng phóng viên Phong Điệp, Nhật Hà ở lại giúp chị Dạ Thảo Phương lấy lại bình tĩnh.
Theo ghi nhận của ông Tâm lúc đó, một ngón tay của chị Dạ Thảo Phương bị sưng và chảy máu. Sự việc đã được báo cáo với ông Trương Vĩnh Tuấn – Phó Tổng Biên tập Báo Văn nghệ thời điểm đó.
"Bản thân tôi thấy sự việc trên là một sự việc rất không bình thường tại một cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam, một tờ báo có uy tín của cả nước và tôi có trách nhiệm tường trình sự việc trên để cơ quan xem xét" – ông Nguyễn Lê Tâm viết trong bản tường trình ký ngày 20/4/2000.
Nguyên họa sỹ của Báo Văn nghệ cũng cho rằng ở thời điểm đó vụ việc chưa được xử lý đầy đủ, thấu đáo. Từ cách xử lý đó, dẫn đến câu chuyện đeo đẳng với người trong cuộc đến hơn 20 năm.
Ông Tâm cho hay: "Có những việc giấu kín sau một thời gian không giải quyết, đến một lúc nào đó sẽ quay trở lại". Ông cho rằng Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ cần xem xét lại sự việc để rõ ràng mọi việc.
Chúng ta không thể im lặng
Trong khi đó, nhà báo Trương Anh Ngọc, người từng biết Dạ Thảo Phương từ hơn 20 năm trước, cũng cho biết đã từng nghe đâu đó đến chuyện của chị nhưng rồi sau đó mọi thứ lắng xuống.
Trước sự việc tố cáo của chị Dạ Thảo Phương mới đây, nhà báo Trương Anh Ngọc nêu ý kiến: “Mình đọc một số comment ở nhà nhiều người lên tiếng ủng hộ Phương, thấy có bạn nói rằng làm sao có thể đòi công lý được nữa, sau ngần ấy năm. Lại có bạn đặt ra câu hỏi về việc tại sao lâu thế mới lên tiếng.
Và có cả những bình luận vô cảm và khả ố theo hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Đọc câu chuyện đời Phương, thấy thương cho chị. Đọc comment nhiều người cũng thấy thương và giận họ khi thiếu đi một trái tim, một sự thấu cảm. Liệu họ có hiểu rằng, chính vì còn những kẻ như họ, với một tư duy như vậy mà nhiều nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo thủ phạm?”.
Theo nam nhà báo này, hơn 20 năm sống với một nỗi đau lớn trong cuộc đời không bao giờ là điều đơn giản. Đấy là một điều kinh khủng mà Phương và những người từng bị cưỡng bức như chị đã và đang đối mặt. Bởi nó hành hạ và giày vò họ. Nó khiến cho họ khó sống trong thế giới thực, ám ảnh họ suốt đời. Ít ra cuối cùng Phương đã đủ dũng cảm để nói ra, để chỉ mặt kẻ đã hại đời chị. Có lẽ còn rất nhiều những nạn nhân khác bị xâm hại tình dục, vì xấu hổ, vì sợ bị đánh giá, ném đá, phán xét và đổ lỗi vẫn chọn cách im lặng với những vết thương không được chữa lành.
“Hành động của Phương có thể khích lệ nhiều nạn nhân khác lên tiếng, chưa biết có đòi được công lý không, nhưng ít ra cũng giúp họ mạnh mẽ hơn sau khi nói lên một sự thật đau lòng mà họ kìm giữ, và nêu lên một vấn đề nghiêm trọng của xã hội đối với phụ nữ: phụ nữ luôn ở thế yếu và dễ tổn thương trước bạo lực.
Đấy không chỉ là bạo lực của kẻ đã hãm hại họ, mà còn là bạo lực từ miệng lưỡi thế gian, những kẻ hãm hại họ thêm một lần nữa, đẩy họ vào sự tuyệt vọng và ngăn cả họ bước ra ánh sáng, sống một cuộc sống bình thường”, nhà báo Anh Ngọc viết.
Theo nhà báo Anh Ngọc, Dạ Thảo Phương của tuổi 20 không đủ sức bảo vệ mình nhưng Phương của hai mươi năm sau đã lên tiếng để nói sự thật về những gì đã xảy ra với Phương ngày ấy và cần công chúng lên tiếng.
“Chúng ta không thể im lặng. Chuyện của Phương không chỉ của riêng Phương, mà cũng là câu chuyện của rất nhiều người phụ nữ khác đã từng bị xâm hại”, nhà báo Anh Ngọc cho hay.
Trước đó, vào tối 6/4, tài khoản xã hội mang tên Dạ Thảo Phương đã đăng tải nội dung thư ngỏ tố cáo PTBT Báo Văn nghệ L.N.A đã cưỡng dâm và vu khống chị nhiều năm trước.
Trong đơn, chị Dạ Thảo Phương cũng cho biết, lý do đến tận bây giờ mình mới lên tiếng vì: “Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút”.