Đời Sống

TP HCM: Người dân không được ra đường sau 18h từ ngày 26/7

Theo Tieudung.vn - 26/07/2021 10:27 GMT+7

Từ ngày 26/7, người dân TP HCM không ra đường sau 18h, tất cả hoạt động tạm dừng, trừ cấp cứu và điều phối dịch bệnh.

Tối 25/7, tại Hội nghị Thành ủy TP HCM mở rộng lần thứ 7 về quán triệt Chỉ thị 12 và triển khai chi tiết kế hoạch của TP về cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy triệu tập các thành ủy viên và cán bộ chủ chốt của thành phố để cùng nhau quyết tâm thực hiện triệt để Chỉ thị 16 tại TP trong 2 tuần, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và thực hiện công văn 2468 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.

Theo đó, Bí thư Thành ủy TP đánh giá, TP đang ở thời khắc trọng đại. Qua 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16 toàn TP, TP đã làm được khá nhiều việc nhưng cũng còn khá nhiều việc chưa làm được: "Mục tiêu chúng ta đề ra hầu hết chưa đạt được, buộc chúng ta phải kéo thêm thời gian nữa, với tinh thần hạ quyết tâm cùng nhau thực hiện bằng được quyết tâm chính trị của chúng ta", ông Nên nói.

Bí thư nhấn mạnh, cuộc họp chỉ bàn một nội dung là làm thế nào kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Ông cho rằng sự thật "chỉ còn một con đường". Nếu không thực hiện được thì tình hình diễn biến không thể lường. TP đã chuẩn bị kịch bản cho tình huống xấu nhất dù không mong muốn.

a5
TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 1/8. Ảnh: Báo Thanh niên

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay một số địa bàn vẫn diễn ra việc tiếp xúc, giao lưu với nhau, thậm chí nhiều người đi trên đường dù TP đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Người đứng đầu chính quyền TP cho hay, trước đây TP đã đưa ra 3 kịch bản sau khi kết thúc 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thời gian vừa qua dù rất cố gắng thành phố không đạt được mục tiêu như kịch bản thứ nhất là kiểm soát được dịch nên phải thực hiện kịch bản thứ hai là phải tăng cường các biện pháp mạnh mẽ, siết chặt chỉ thị 16. Và hiện nay, với tình hình như trên, kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ phải áp dụng với nhiều biện pháp khẩn cấp.

"Đây là điều TP không mong muốn, nhưng vì chỉ có một con đường đó là phải chiến thắng dịch bệnh nên tôi đề nghị các đồng chí trên tinh thần Chỉ thị 12 phải quyết liệt triển khai các giải pháp mà văn bản 2468 đã đề ra", ông Phong nói.

Để không xảy ra kịch bản xấu nhất, ông Phong cho biết UBND TP đã ban hành Công văn 2468 về siết chặt Chỉ thị 16 với các biện pháp quyết liệt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

"Nếu một người dân còn ra đường thì dịch còn diễn biến phức tạp nên người dân phải đặt mệnh lệnh cho chính mình là người cách người, gia đình cách gia đình, nhà cách nhà. Bắt đầu từ ngày mai tuyệt đối không ra đường sau 18 giờ. Tất cả hoạt động trên địa bàn TP tạm dừng trừ hoạt động cấp cứu", ông Phong yêu cầu.

Lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24, tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành giãn cách xã hội tại khu dân cư, đường phố. TP sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, những trường hợp chống đối có thể áp dụng biện pháp tạm giữ hành chính. Đồng thời, điều tra, khởi tố các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh nếu có đủ yếu tố.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng, thờ ơ, chậm giải quyết người dân dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh. Chính quyền địa phương tập trung lực lượng siết chặt khu phong tỏa ở mức "nội bất xuất, ngoại bất nhập"; và cung ứng, phân phối lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân, hoặc áp dụng hình thức đi chợ thay.

Tính từ 27/4 đến sáng 25/7, TP HCM ghi nhận 58.198 ca nhiễm Covid-19 mới, là tâm dịch lớn nhất cả nước.

>>> Tin nên đọc:

Một cán bộ phường ở Gia Lai khai báo gian dối khiến nhiều người bị nhiễm COVID-19

Vi phạm phòng dịch Covid-19, người đàn ông ở TP. Cần Thơ xé biên bản rồi phản ứng “khó tin”

TP.HCM đạt kỷ lục 2.226 bệnh nhân COVID-19 xuất viện trong một ngày