Cuộc sống hiện đại với những bộn bề công việc, áp lực từ cuộc sống khiến bệnh mất ngủ trở nên phổ biến ở cả người già và người trẻ. Hậu quả khiến cơ thể mệt mỏi, rệu rã, không có tinh thần và giảm khả năng tập trung vào công việc.
1. Nguyên nhân gây bệnh mất ngủ
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, có thể bao gồm các triệu chứng như: Ngủ không sâu giấc, khó ngủ, tỉnh giấc quá sớm, ngủ dậy nhưng người vẫn mệt mỏi,... Để chữa trị dứt điểm căn bệnh mất ngủ, ta phải điều trị từ tận gốc rễ và biết đâu là căn nguyên của vấn đề.
Một người trưởng thành cần ngủ trung bình từ 7 - 9 tiếng mỗi ngày để đảm bảo cho hoạt động của cơ thể, đối với trẻ em thì cần ngủ nhiều hơn và càng cao tuổi càng ngủ ít hơn. Bình thường, mất ngủ xảy ra ở những người già nhưng hiện nay đây là căn bệnh phổ biến có thể bắt gặp ở đa số các lứa tuổi.
Nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ:
- Áp lực trong công việc, trong cuộc sống gây căng thẳng thần kinh: Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu. Chính vì vậy, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh này đang ngày càng tăng lên.
- Mắc các bệnh lý: Về tim, hô hấp, tiêu hóa... hoặc bị dị ứng, ho hen, sưng đau khớp, trào ngược dạ dày thực quản... cũng khiến bệnh mất ngủ tăng cao.
- Tâm lý, thần kinh: Bệnh nhân bị rối loạn tính cách (trầm cảm, loạn thần) hoặc bị rối loạn lo âu cũng sẽ trằn trọc khó ngủ.
- Sử dụng các chất kích thích: Caffeine, nicotine và rượu.
- Sử dụng thuốc điều trị các bệnh: Chống động kinh, chữa bệnh trầm cảm, cao huyết áp, dị ứng...
Ngoài ra, sự thay đổi môi trường làm việc, môi trường sống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chơi game, làm việc trên máy tính nhiều cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Mất ngủ sẽ kéo dài nếu không được điều trị kịp thời. Đồng thời, nó cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng tới não bộ, khiến các tế bào thần kinh bị thoái hóa. Đây là lý do vì sao nhiều người mất ngủ trong thời gian dài bị suy giảm trí nhớ, khó tập trung, thậm chí là trầm cảm...
2. Các cách chữa bệnh mất ngủ
2.1. Thay đổi giờ giấc sinh hoạt khoa học
Việc thay đổi giờ giấc sinh hoạt ban đầu có thể gặp khó khăn nhưng bạn hãy kiên trì để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Hãy lập thời gian biểu, điều chỉnh giờ giấc làm việc và sinh hoạt một cách khoa học hơn, đi ngủ và thức dậy đúng giờ để đảm bảo đủ 7 - 9 tiếng mỗi ngày cho người trưởng thành.
Bạn nên cố gắng ngủ từ 11h và thức dậy không quá muộn sau 7h sáng. Đồng thời, duy trì thói quen này kể cả ngày cuối tuần để hình thành phản xạ cho não. Không uống trà, cà phê hay sử dụng các chất kích thích như hút thuốc, uống rượu trước khi đi ngủ.
2.2. Tạo không gian ngủ thoải mái
Một căn phòng chất đầy đồ, bí bách, ám mùi chắc chắn không phải là nơi lý tưởng để tạo nên giấc ngủ chất lượng.
Do vậy, bạn nên thường xuyên vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát và thay đổi bộ chăn màn, gối nệm thơm tho để tạo cảm giác thoải mái ngay khi bước vào phòng.
Bạn cũng cần giữ cho phòng ngủ có nhiệt độ phòng và ánh sáng tối thích hợp. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới chất lượng giấc ngủ bởi phòng quá nóng hay quá lạnh có thể gây trằn trọc khó ngủ. Tốt nhất, mỗi người nên duy trì nhiệt độ 25 - 28 cho căn phòng của mình.
Nếu phòng ngủ gần với mặt đường và phải chịu đựng ánh sáng, tiếng ồn từ bên ngoài, bạn nên lắp rèm hoặc mua bịt mắt, đóng kín cửa và đeo tai nghe chống ồn để giảm thiểu sự tác động đến giấc ngủ ở mức thấp nhất.
2.3. Không ăn quá no trước khi đi ngủ
Bữa tối là bữa chính trong ngày, tuy vậy nếu bạn ăn quá nhiều sẽ dẫn tới việc đầy bụng, khó tiêu. Từ đó gây nên cảm giác khó chịu muốn nôn, trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ.
Ngược lại, nếu bạn ăn quá ít cũng sẽ dẫn đến tình trạng thức dậy giữa đêm vì đói bụng, hạ đường huyết, làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể bạn không chỉ mệt mỏi mà còn có khả năng béo phì vì ăn đêm.
Vì thế, mỗi người nên ăn bữa tối trước khi đi ngủ tầm 2 - 3 giờ để có thời gian tiêu hóa, ăn đủ và không sử dụng những thực phẩm khó tiêu hay đồ ăn quá nhiều dầu mỡ. Bạn cũng cần hạn chế không uống quá nhiều nước, tránh việc phải thức dậy giữa chừng để đi vệ sinh.
Bên cạnh đó, việc ăn gì trị mất ngủ cũng là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm có chứa chất tryptophan là một axit amin có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể có một giấc ngủ ngon đó là: Chuối, sữa, sữa chua, thịt gà tây, một số loại đậu, ngũ cốc. Bạn cũng có thể uống các loại trà như trà hoa cúc, trà tâm sen, trà atiso,...có tác dụng hỗ trợ điều trị rất tốt bệnh mất ngủ.
2.4. Cải thiện bệnh mất ngủ bằng cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ
Bạn nên tắm bằng nước ấm trước khi ngủ 1 - 2 tiếng để cơ thể được thư giãn, thoải mái, khí huyết lưu thông. Không nên tắm quá sát giờ đi ngủ và tắm muộn bằng nước lạnh, điều này có thể gây đột quỵ, nguy hiểm tới tính mạng.
Chúng ta cũng có thể massage nhẹ nhàng hoặc ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ tầm 20 phút. Điều này giúp giải tỏa căng thẳng và tạo giấc ngủ sâu vì bàn chân là nơi tập trung 60 huyệt đạo quan trọng của hầu hết các bộ phận trên cơ thể. Do đó, việc ngâm chân giúp máu lưu thông tốt hơn và sẽ giảm tình trạng mệt mỏi.
2.5. Hạn chế dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ
Tự nhắc nhở bản thân rằng giường là nơi để ngủ, vì vậy hãy hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính khi vào giường nếu không có việc gì thật sự cần thiết. Thay vào đó bạn có thể đọc sách báo nhẹ nhàng để không gây căng thẳng cho mắt, giúp đầu óc thư giãn hơn.
Khi đã lên giường, hãy nằm im thả lỏng, để điện thoại tránh xa và không suy nghĩ về nó hay làm việc gì khác. Nếu sau 10 - 15 phút mà vẫn chưa ngủ được, bạn nên đứng dậy và làm một việc gì khác ví dụ như đi lại một lúc, vận động nhẹ nhàng và quay trở lại giường khi đã thật sự buồn ngủ.
2.6. Thư giãn về tâm lý
Sau một ngày làm việc, đầu óc vẫn ở trong trạng thái suy nghĩ, căng thẳng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ sâu. Vì vậy, hãy trò chuyện, chia sẻ cùng gia đình và bạn bè, đi dạo hoặc lắng nghe một bản nhạc với giai điệu êm dịu để giải tỏa tâm lý.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sự liên kết vô hình giữa âm nhạc và hệ thần kinh, bởi vậy nên mới có câu âm nhạc có thể chữa lành vết thương. Một khúc nhạc nhẹ nhàng, dịu êm có thể giúp bạn thư giãn đầu óc, từ đó dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ngoài ra, bạn nên thực hiện các bài tập giãn cơ, tập thiền, yoga, hít thở sâu, bấm huyệt... để điều hòa cơ thể, giảm stress và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Hoặc một số người có thể điều trị bệnh mất ngủ bằng cả thuốc Đông y và Tây y, tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ để không sử dụng sai gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc ngủ, thuốc an thần nếu không muốn cảm thấy mệt mỏi vào hôm sau, dùng sai liều còn có thể gây hôn mê và dẫn đến tử vong.
Trên đây là những cách trị mất ngủ tại nhà rất đơn giản, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ mà ai cũng có thể thực hiện. Để chữa bệnh mất ngủ tận gốc, hãy tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và thay đổi dần để giải tỏa sự căng thẳng mệt mỏi và sớm tìm lại những giấc ngủ ngon.
>> Tin nên đọc: 13 điều cần lưu ý để bảo vệ mắt khi dùng máy tính mà bạn nên biết